Doanh nghiệp

Ưu đãi mới cho điện khí LNG: Mua bao tiêu 65% sản lượng trong 10 năm

Tóm tắt:
  • Dự án điện khí LNG nhập khẩu được bao tiêu ít nhất 65% sản lượng điện hàng năm trong tối đa 10 năm.
  • Chính phủ cho phép chuyển ngang giá nhiên liệu sang giá điện và áp dụng cơ chế bao tiêu sản lượng dài hạn.
  • Cơ chế bao tiêu nhằm đảm bảo dòng tiền ổn định giúp chủ đầu tư trả nợ vay dự án nhiệt điện khí LNG.
  • Các dự án điện khí LNG cần vận hành trước 1.1.2031, còn dự án dùng khí nội địa phải vận hành trước 1.1.2036.
  • Quy hoạch điện 8 yêu cầu đầu tư mới khoảng 37.500 MW điện khí đến năm 2030, trong đó 60% là khí LNG.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 100/2025 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2025 quy định chi tiết một số điều của luật Điện lực về quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển mạng lưới cấp điện, đầu tư xây dựng dự án điện lực và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án kinh doanh điện lực.

Cụ thể, Nghị định sửa đổi, bổ sung tên điều 15 thành “Cơ chế bảo đảm tiêu thụ nguồn khí thiên nhiên khai thác trong nước; nguyên tắc chuyển ngang giá nhiên liệu sang giá điện và sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn cho các dự án nhiệt điện khí”.

Theo đó, về cơ chế phát triển các dự án điện khí, Chính phủ quy định các dự án nhiệt điện khí sử dụng LNG nhập khẩu được bao tiêu sản phẩm, tức cam kết sản lượng huy động điện. Tỷ lệ này dựa trên thỏa thuận của bên bán (nhà máy điện khí LNG) và bên mua điện (Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) nhưng không thấp hơn 65% sản lượng điện phát bình quân nhiều năm của dự án.

Việc bao tiêu được áp dụng trong thời hạn trả nợ gốc và lãi vay, nhưng không quá 10 năm từ ngày phát điện. Sau thời gian này, việc mua bán do các bên đàm phán. Cơ chế trên sẽ áp dụng cho các dự án điện khí LNG nhập khẩu bắt đầu vận hành trước ngày 1.1.2031.

Ưu đãi mới cho điện khí LNG: Mua bao tiêu 65% sản lượng trong 10 năm- Ảnh 1.

Nhiệt điện khí LNG nhập khẩu sẽ được mua bao tiêu 65% sản lượng với thời hàng 10 năm

ẢNH: PVN

Tỷ lệ cam kết về bao tiêu sản lượng nhằm đảm bảo dòng tiền ổn định để chủ đầu tư trả nợ vay dự án. Các bên cung ứng và vận chuyển khí cũng thường yêu cầu tỷ lệ này để tính toán ổn định về lượng và giá nhiên liệu trong dài hạn. Trước đó, các chủ đầu tư dự án điện khí đề xuất mức mua bao tiêu trên 72%; tỷ lệ bao tiêu 65% bằng với mức được EVN đề xuất trước đó.

Ngoài ra, tại Nghị định 100, Chính phủ đồng ý với cơ chế bảo đảm tiêu thụ nguồn khí thiên nhiên khai thác trong nước; nguyên tắc chuyển ngang giá nhiên liệu sang giá điện và sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn cho các dự án nhiệt điện khí.

Điều kiện là các dự án này phải đáp ứng các yêu cầu ràng buộc về nhiên liệu, công suất và sản lượng của dự án, nhu cầu và ràng buộc kỹ thuật của hệ thống điện quốc gia. Các dự án này cũng phải vận hành phát điện trước ngày 1.1.2036. Thời gian áp dụng cho đến khi họ không còn sử dụng khí thiên nhiên khai thác trong nước.

Theo điều chỉnh Quy hoạch điện 8, đến năm 2030, nguồn điện khí phải đầu tư mới tối đa gần 37.500 MW, trong đó 60% là khí hóa lỏng LNG (22.524 MW). Mức này tăng khoảng 7.000 MW so với trước điều chỉnh quy hoạch.Trường hợp khả năng cấp khí thiên nhiên khai thác trong nước không đáp ứng được nhu cầu phát điện của dự án nhà máy nhiệt điện khí, bên bán và mua điện thỏa thuận, thống nhất phương án sử dụng nhiên liệu và giá điện trong hợp đồng mua bán điện theo quy định hiện hành.

Các tin khác

Ai không nên ăn sầu riêng?

Sầu riêng tính nóng, nhiều calo, không phù hợp với người bị mụn nhọt, mang thai, cảm lạnh, táo bón, bệnh mạn tính, người già hoặc đang giảm cân.

Căn hộ khu đông TP.HCM ‘được lòng’ giới đầu tư

Nguồn cung khan hiếm cộng hưởng cùng cơ sở hạ tầng phát triển được đánh giá là những yếu tố chính thúc đẩy sức hút của phân khúc căn hộ khu đông TP.HCM dù mức giá vài năm gần đây luôn tăng.