Hơn 70% cơ thể con người là nước, vì vậy việc duy trì và điều tiết lượng nước trong cơ thể là vô cùng quan trọng. Mặc dù chúng ta uống nước hàng ngày, tuy nhiên không phải ai cũng đang uống nước đúng cách.
Dưới đây là 7 sai lầm khi uống nước mà nhiều người vô tình mắc phải.
1. Chỉ uống nước khi thấy khát
Có rất nhiều người có thói quen đợi đến khi cơ thể thấy khát khô mới đi uống nước. Đây là thói quen xấu vì khi cơ thể phát ra tín hiệu khát đồng nghĩa với việc cơ thể bạn đang bị mất nước.
Ngoài ra, cơ thể thiếu nước sẽ làm tăng độ nhớt của máu, dễ dẫn đến tình trạng máu cung cấp cho tim bị cản trở. Nếu máu đặc, máu cục bộ không được cung cấp nước kịp thời có thể dẫn đến suy giảm chức năng tim, không tốt cho sức khỏe tim mạch. Do đó, nếu bạn muốn duy trì một trái tim khỏe mạnh, điều cốt yếu là phải uống nước đúng cách và đừng đợi đến khi khát mới uống nước.
Ảnh minh họa: Đừng chỉ uống nước khi cảm thấy khát.
2. Uống nhiều nước hơn mức cần thiết
Việc bổ sung nước một cách mù quáng chưa chắc đã tốt cho sức khỏe. Viện Y học Trung Quốc khuyến cáo nam giới nên uống khoảng 3,7 lít nước mỗi ngày, còn phụ nữ nên uống khoảng 2,7 lít. Tuy nhiên, con số này không chỉ đến từ lượng nước uống thông thường mà còn đến từ tất cả đồ ăn thức uống như canh, rau, củ, quả mà con người nạp vào cơ thể.
Đừng ép cơ thể nạp nhiều nước hơn mức cần thiết, uống quá nhiều nước có thể khiến thận bị quá tải. Ngoài ra, uống quá nhiều nước cũng có thể khiến các chất dinh dưỡng và nguyên tố vi lượng bị đào thải ra ngoài thông qua nước tiểu.
Công thức sau để tính lượng nước lọc cần uống mỗi ngày: 0,4 lít/10 kg thể trọng/1 ngày, tức là một người nặng khoảng 45kg cần uống khoảng 1,8 lít nước mỗi ngày và một người 50kg cần khoảng 2 lít nước.
3. Uống ồ ạt nước trong một lần
Đây là hành động phổ biến mà chúng ta thường thấy sau khi tập thể dục xong. Uống nhiều nước cùng một lúc có thể khiến thận không bài tiết kịp và làm giảm nồng độ natri trong máu, từ đó gây hại cho não, tim mạch và các cơ quan nội tiết. Các triệu chứng điển hình thường là tim đập nhanh, khó thở, đổ mồ hôi lạnh, buồn nôn, nôn mửa và kèm theo nhức đầu, lú lẫn, co giật và hôn mê.
Vì vậy, khi uống nước, bạn nên uống từ từ, uống từng ngụm nhỏ, tránh uống liên tục để làm dịu cơn khát. Hiệp hội Y khoa Quốc tế khuyến cáo chúng ta không nên uống quá 900ml nước mỗi giờ đồng hồ.
Ảnh minh họa: Sau khi tập thể dục xong, nhiều người có thói quen tu ừng ực nước trong một lần.
4. Uống nước ngọt có ga thay nước lọc
Các loại đồ uống có ga có chứa nhiều đường hóa học, có thể gây ra tăng cân, béo phì, đẩy nhanh quá trình lão hóa và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường.
Vì vậy, bạn nên uống đủ lượng nước đun sôi để nguội mỗi ngày thay vì uống nước ngọt. Đồng thời bạn có thể ăn thêm rau xanh, hoa quả; tuyệt đối không uống nước ngọt có ga thay nước lọc.
5. Không uống nước khi thức dậy
Sau một giấc ngủ dài, cơ thể con người sẽ mất rất nhiều nước, một cốc nước ấm vào buổi sáng sẽ giúp bổ sung một lượng nước cần thiết cho cơ thể.
Ngoài ra, một ly nước ấm vào buổi sáng khi dạ dày trống rỗng sẽ giúp kích thích hệ tiêu hóa và loại bỏ các độc tố có ảnh hưởng tới hệ miễn dịch. Đồng thời, uống một cốc nước ấm vào buổi sáng cũng giúp thúc đẩy hiệu quả nhu động của đường ruột, có lợi cho việc giữ ẩm cho đường ruột và tạo điều kiện cho quá trình bài tiết phân ra ngoài.
Ảnh minh họa: Uống nước khi vừa thức dậy là thói quen tốt.
6. Uống nhiều nước trong khi ăn
Uống nhiều nước trong lúc ăn có thể khiến dạ dày bị quá tải.
Khi bạn uống nhiều nước lúc đang ăn, nước bọt của bạn sẽ bị loãng. Đây có thể là nguyên nhân ảnh hưởng đến việc tiết ra dịch vị chịu trách nhiệm tiêu hóa thức ăn. Kết quả là bạn rất dễ bị đầy hơi, ăn không tiêu.
7. Uống nhiều nước trước khi đi ngủ
Uống nhiều nước trước khi đi ngủ có thể làm tăng số lần đi tiểu vào ban đêm (tiểu đêm), khiến giấc ngủ bị gián đoạn.
Lượng nước tiểu thường sẽ giảm xuống vào ban đêm, cho phép bạn ngủ liền mạch từ 6 - 8 tiếng đồng hồ. Thế nhưng, nếu uống 1 hoặc 2 ly nước trước khi đi ngủ có thể khiến chu kỳ giấc ngủ bị ảnh hưởng.
Ngủ không đủ giấc có thể gây tác động tiêu cực đến sức khỏe tim và là nguyên nhân tiềm năng để phát triển bệnh tật.
Trên đây là một số sai lầm mà chúng ta mắc phải khi uống nước hàng ngày. Mọi người nếu đã từng mắc những sai lầm này thì nên cải thiện kịp thời để bảo vệ sức khỏe của bản thân.
Nguồn: Baijiahao