Đóng cửa, VN-Index tăng 0,24 điểm (0,02%) lên 1.498,5 điểm, HNX-Index giảm 1,05 điểm (0,23%) còn 461,75 điểm.
VN-Index tăng 0,24 điểm (0,02%) lên 1.498,5 điểm.
Dòng tiền đầu cơ vẫn tập trung vào một số nhóm có câu chuyện riêng như bán lẻ với FRT, PET vẫn đang liên tiếp lập đỉnh mới hay MWG, doanh nghiệp bán lẻ đầu ngành bật tăng tới 3,7% lên 138.900 đồng/cp. Đây cũng là mã tăng tốt nhất trong rổ VN30 phiên hôm nay.
Tương tự, cổ phiếu thủy sản, dệt may, phân bón cũng cho thấy sức hút đối với dòng tiền trong phiên hôm nay. Loạt mã tăng mạnh có thể kể đến như EVE, STK, TNG, MSH, VGT, FTM, VHC, ABT, FMC, BFC, DCM, DPM, thậm chí sắc tím trần còn lan tỏa tại các cổ phiếu như SFG, VAF, GIL, IDI.
Trong khi đó, việc thiếu đi sự dẫn dắt của các nhóm đầu ngành như ngân hàng, dầu khí, xây dựng, chứng khoán,... vẫn là nguyên nhân khiến thị trường gặp khó trước mốc 1.500 điểm.
Chốt phiên HAG giảm 1,5% về mốc 13.150 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu HAG hôm nay có khối lượng giao dịch khá cao khi toàn phiên có gần 22,6 triệu cổ phiếu được khớp lệnh. Chốt phiên HAG giảm 1,5% về mốc 13.150 đồng/cổ phiếu.
Tính chung 1 tuần qua cổ phiếu của bầu Đức tăng khá tốt với mức tăng hơn 10% giá trị. Còn mức tăng tính theo tháng đạt gần 29% giá trị.
Liên quan đến cổ phiếu này, mới đây Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) vừa công bố BCTC kiểm toán 2021, ghi nhận doanh thu 2.187 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí, Công ty lãi sau thuế 127 tỷ, lợi nhuận ròng cổ đông công ty mẹ hơn 203 tỷ đồng.
Tập đoàn tập trung vào hai lĩnh vực chính là cây ăn trái và chăn nuôi heo.
Bầu Đức cho biết năm 2021, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình SXKD trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Chuỗi cung ứng bị gián đoạn, giá cả các các yếu tố sản xuất đầu vào tăng cao trong khi giá bán nông sản chưa tăng tương xứng, làm cho SXKD ngành nông nghiệp gặp nhiều thách thức. Trong bối cảnh đó, HĐQT và Ban Tổng Giám đốc tiếp tục kiên định theo đuổi phương châm tái cấu trúc, tinh gọn SXKD và giảm bớt nợ vay, thích ứng với tình hình phức tạp khó lường của môi trường kinh doanh.
Về chiến lược tái cấu trúc kinh doanh, Tập đoàn tập trung vào hai lĩnh vực chính là cây ăn trái và chăn nuôi heo. Diện tích cây ăn trái theo kế hoạch là 10.000 ha, trong đó cây chuối chiếm 7.000 ha (đến cuối năm 2021 HAGL đã trồng được 5.000 ha, sang năm 2022 sẽ trồng thêm 2.000 ha). Đối với ngành chăn nuôi heo thì đến cuối năm 2021 HAGL đã xây dựng được 7 cụm chuồng trại với công suất nuôi khoảng 400.000 con heo thịt mỗi năm (mỗi cụm chuồng trại nuôi 2.400 con heo nái và mỗi con heo nái sinh ra khoảng 25 con heo thịt mỗi năm). Sang năm 2022, HAGL sẽ xây dựng thêm 9 cụm chuồng trại để nâng tổng số lên thành 16 cụm, với công suất hơn 1 triệu con heo thịt/năm.
“Chúng tôi tự tin rằng HAGL sẽ thành công rực rỡ với chiến lược nêu trên, mang lại lợi ích lâu dài cho cổ đông và nhà đầu tư. Thay mặt HĐQT, tôi xin chân thành cảm ơn quý cổ đông, nhà đầu tư, ngân hàng và đối tác đã đồng hành cùng HAGL trên chặng đường gian nan vừa qua...", bầu Đức nói.