Tài chính

Đòn ‘cao tay’ của Tổng thống Putin khiến châu Âu thêm chật vật: Yêu cầu thanh toán khí đốt bằng đồng rúp, đưa NHTW trở lại cuộc chơi

Đòn giáng bất ngờ của Tổng thống Putin

Mặc chiến sự ở Ukraine đang diễn ra, dầu và khí đốt vẫn tiếp tục chảy vì nhiều quốc gia không có nguồn cung thay thế Nga.

Với yêu cầu thanh toán khí đốt bằng đồng rúp của Nga, Tổng thống Putin đã giáng một đòn bất ngờ vào các nước phương Tây vốn đang sử dụng lượng lớn khí đốt của Nga để phục vụ nhu cầu năng lượng của họ.

Tổng thống Nga cho biết, biện pháp này sẽ áp dụng với 48 quốc gia được coi là "không thân thiện", bao gồm cả Mỹ, Anh và tất cả thành viên Liên minh châu Âu (EU).

Theo trang web của Điện Kremlin, ông Putin cho biết: "Tôi nhấn mạnh rằng Nga chắc chắn sẽ tiếp tục cung cấp khí đốt tự nhiên phù hợp với khối lượng, giá cả và cơ chế định giá được quy định trong các hợp đồng hiện có".

Đức, quốc gia mua nhiều khí đốt của Nga nhẩt, nói rằng thông báo thanh toán bằng đồng rúp là vi phạm hợp đồng. Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck cho biết Đức sẽ thảo luận với các đối tác châu Âu về cách phản ứng trước động thái này.

Thử thách các biện pháp trừng phạt của phương Tây

Tổng thống Putin đã ra lệnh cho chính phủ và ngân hàng trung ương bổ sung các chi tiết và yêu cầu đối với các khoản thanh toán bằng đồng rúp. Bên cạnh đó, gã khổng lồ năng lượng Gazprom đã được yêu cầu thực hiện những sửa đổi cần thiết đối với các hợp đồng hiện tại.

Jens Südekum, giáo sư viện Competition Economics of Dusseldorf University của Đức, cho rằng động thái của ông Putin có thể là "câu trả lời gián tiếp" cho nhận xét gần đây của Thủ tướng Đức Olaf Scholz liên quan đến nguồn cung năng lượng của Nga.

Giáo sư Südekum phân tích: "Thủ tướng Olaf Scholz đã tránh đụng chạm đến việc giao khí đốt của Nga vì điều này sẽ khiến Đức đối mặt với giá cả quá đắt đỏ". Südekum, người cùng là thành viên hội đồng cố vấn khoa học cho chính phủ Đức, cho biết câu trả lời của ông Putin có lẽ là: "Anh muốn khí đốt của tôi? Vậy tôi đặt ra các điều khoản".

Các biện pháp của Nga ảnh hưởng đến hầu hết các quốc gia đã áp đặt các lệnh trừng phạt chống lại Moscow. Các biện pháp trừng phạt được đưa ra để cắt đứt Nga khỏi dòng tài chính quốc tế. Điều này khiến dự trữ khổng lồ của Nga bằng đô la và euro bị đóng băng.

Nhà kinh tế Carsten Brzeski của ngân hàng ING cho biết bất kỳ nỗ lực giao dịch tiền tệ nào với Ấn Độ hoặc Trung Quốc cũng sẽ không giúp ích được gì. Đơn giản là vì Nga không thể thực hiện bất kỳ khoản thanh toán nào cho các nước phương Tây thuộc diện tẩy chay.

Ngân hàng trung ương Nga trở lại cuộc chơi

Mặc dù chi tiết của thoả thuận mới vẫn chưa rõ ràng, yêu cầu của ông Putin thanh toán khí đốt bằng đồng rúp về cơ bản sẽ buộc các công ty châu Âu trực tiếp hỗ trợ đồng tiền của Nga. Trước đó, đồng rúp của Nga đã lao dốc bởi các lệnh trừng phạt. Đầu tháng 3, ngân hàng trung ương Nga đã buộc phải tăng lãi suất lên 20% để ngăn đồng rúp mất giá.

Đòn ‘cao tay’ của Tổng thống Putin khiến châu Âu thêm chật vật: Yêu cầu thanh toán khí đốt bằng đồng rúp, đưa NHTW trở lại cuộc chơi - Ảnh 1.

Ngay sau tuyên bố của Tổng thống Putin, đồng rúp đã tăng sốc.

Kế hoạch thanh toán khí đốt bằng đồng rúp của ông Putin cũng sẽ đưa ngân hàng trung ương Nga trở lại hệ thống tài chính toàn cầu, sau khi các lệnh trừng phạt gần như cắt đứt ngân hàng này khỏi thị trường tài chính.

Giáo sư Südekum trao đổi với DW: "Ông Putin sẽ đưa ngân hàng trung ương trở lại như một nhân tố quan trọng trên thị trường. Ngân hàng trung ương Nga là điều cần thiết để thanh toán hoá đơn khí đốt bằng đồng rúp".

Các khoản thanh toán khí đốt của Nga thường lớn đến mức không đủ số lượng rúp cần thiết trên thị trường ngoại tệ. Khách hàng phương Tây có thể sẽ cần thông qua ngân hàng trung ương Nga để thực hiện thanh toán. Về cơ bản đây là cách để giảm thiểu các biện pháp trừng phạt đối với ngân hàng trung ương Nga.

Châu Âu bị ràng buộc

Theo trang web của Điện Kremlin, ông Putin nói rằng: "Không có lý do gì để Nga cung cấp hàng hoá của mình cho EU, Mỹ và các nước khác để nhận các khoản thanh toán bằng các loại tiền tệ bị ảnh hưởng".

Tuyên bố của Tổng thống Putin dường như là lời khẳng định rằng Nga có thể trả các khoản nợ của mình mà không cần đến hàng tỷ đô la và euro từ phương Tây.

Hơn nữa, tuyên bố của Tổng thống Nga khiến châu Âu lo ngại về sự ổn định nguồn cung từ Nga. Hợp đồng tương lai khí đốt kỳ hạn tăng 9,8% trong ngày 24/3, sau khi chốt phiên cao hơn 18% so với ngày hôm trước.

Nga cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt của châu Âu. Các chính phủ trên khắp châu Âu đã công bố viện trợ tài chính để giúp công dân của họ trước gánh nặng giá nhiêu liệu và năng lượng tăng mạnh.

Trong khi đó, Hiệp hội các công ty tiện ích của Đức (BDEW) hôm 24/3 đã thúc giục chính quyền Berlin thiết lập hệ thống cảnh báo sớm trong trường hợp Nga ngừng cung cấp khí đốt.

Chủ tịch BDEW Kerstin Andreae đề cập đến kế hoạch mới của ông Putin: "Có những dấu hiệu cụ thể và nghiêm trọng cho thấy tình hình cung cấp khí đốt sắp xấu đi".

BDEW cho biết cơ quan quản lý năng lượng quốc gia cần đưa ra các tiêu chí, theo đó ngành và các lĩnh vực khác của nền kinh tế sẽ tiếp tục nhận được nguồn cung, trong khi khách hàng hộ gia đình sẽ được bảo vệ theo các quy định hiện hành.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm