Chứng khoán

Trước phiên khớp lệnh khủng của VND, những cổ phiếu nào từng giao dịch trên 100 triệu cp một phiên?

Những phiên "giải cứu" cổ phiếu trong làn sóng bán giải chấp

Gần nhất có thế kể tới cổ phiếu HPX của Đầu tư Hải Phát, thanh khoản mã này đạt hơn 165 triệu đơn vị trong phiên 30/11/2022, đây được coi là phiên "giải cứu" HPX khi giá mã cổ phiếu này tăng hết biên độ, kết thúc chuỗi 12 phiên giảm sàn liên tiếp. Với mức thanh khoản này, HPX đã xác lập kỷ lục về khối lượng giao dịch trong một phiên của chứng khoán Việt Nam. 

Phiên thanh khoản tăng đột biến này của HPX diễn ra trong bối cảnh làn sóng "call margin" và bán giải chấp khiến nhiều cổ phiếu bất động sản giảm sàn liên tiếp với khối lượng dư bán ngày càng lớn sau mỗi phiên. Khi cổ phiếu chiết khấu đến một mức giá đủ hấp dẫn, cầu bắt đáy nhập cuộc ồ ạt đã tạo ra giao dịch sôi động chưa từng có và đẩy thanh khoản các cổ phiếu được giải cứu lên cao kỷ lục. 

Tương tự đối với một cổ phiếu bất động sản khác là NVL của Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland), trong chưa đầy 10 ngày, NVL có tới hai phiên ghi nhận thanh khoản vượt 100 triệu đơn vị.

Cụ thể, đạt hơn 128,5 triệu cổ phiếu trong phiên 22/11/2022, NVL khi đó đang trong chuỗi giảm sàn 10 phiên liên tiếp xuống vùng giá đáy lịch sử; và đạt hơn 104 triệu cổ phiếu trong phiên 28/11/2022, trong phiên này NVL đã thoát giá sàn về mức giá tham chiếu.

(Biểu đồ: Diệu Nhi tổng hợp).

Cùng thời gian này, một cổ phiếu ngành thép cũng ghi nhận một phiên thanh khoản đạt xấp xỉ 100 triệu đơn vị, đó là HPG của Tập đoàn Hòa Phát trong phiên 18/11/2022, đây là phiên tăng mạnh (tăng 6%) thứ ba liên tiếp sau khi HPG chạm đáy ngắn hạn phiên 10/11/2022. 

Giao dịch khủng của FLC dưới thời ông Trịnh Văn Quyết

Trong quý đầu năm 2022, cổ phiếu FLC của Tập đoàn FLC ghi nhận tới ba phiên giao dịch có thanh khoản đạt trên 100 triệu đơn vị.

Cụ thể, gần 135 triệu cổ phiếu trong phiên 10/1/2022 và gần 155 triệu cổ phiếu trong phiên 11/1/2022 (tương đương tổng cộng hơn 40% vốn công ty thời điểm đó). Đây là hai phiên bán tháo chủ yếu do thông tin ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC bán chui hàng chục triệu cổ phiếu, giá FLC sau đó từ đỉnh lịch sử đã lao dốc với chuỗi giảm sàn 7 phiên liên tiếp.

Một cổ phiếu khác cùng thuộc nhóm FLC Group là ROS của Xây dựng FLC Faros cũng bị ảnh hưởng tương tự khi chứng kiến lượng bán ra gần 99 triệu đơn vị, nhưng vẫn còn gần 6 triệu cổ phiếu ROS khác chất giá sàn trong phiên 11/1.

Đến phiên 1/4/2022, thanh khoản cổ phiếu FLC tiếp tục đạt hơn 100 triệu đơn vị khi tối trước đó xuất hiện nhiều thông tin mua gom cổ phiếu FLC, thậm chí có thông tin Chủ tịch HĐQT mới của Tập đoàn FLC là ông Đặng Tất Thắng đăng ký mua 150 triệu cổ phiếu FLC trong thời gian 1/4/2022  - 15/4/2022.

FLC sau đó đã có văn bản khẳng định thông tin ông Đặng Tất Thắng đăng ký mua cổ phiếu FLC là sai sự thật, đồng thời đề nghị các cơ quan Nhà nước xem xét làm rõ những dấu hiệu bất thường trong phiên giao dịch ngày 1/4/2022.

Thanh khoản khủng của DIG khi thoái vốn

Trong năm 2021, thị trường cũng ghi nhận một số cổ phiếu có thanh khoản vượt 100 triệu đơn vị như ROS với 101,8 triệu đơn vị được chuyển nhượng trong phiên 16/4/2021, diễn ra trong bối cảnh ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC công bố kế hoạch mua vào 20 triệu cổ phiếu ROS.

Hay như STB của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), đóng cửa 30/3/2021, STB tăng lên mức giá trần và trắng bên bán, thanh khoản tăng khủng lên xấp xỉ 100 triệu đơn vị. STB thời điểm đó ghi nhận nhiều phiên thỏa thuận khối lượng lớn từ đầu tháng 3/2021.

Trước đó, cổ phiếu có thanh khoản đạt hơn 100 triệu đơn vị trong một phiên của chứng khoán Việt Nam là DIG của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp). Kết phiên 28/11/2017, DIG tăng hết biên độ với khối lượng giao dịch đạt hơn 128,4 triệu đơn vị và dư bán giá trần gần 2,5 triệu đơn vị. Khi đó, thông tin Bộ Xây dựng thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại DIC Corp.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm