Tài chính

Trung Quốc trở lại trong năm 2023

Đó là những định hướng ngoại giao chủ chốt của Trung Quốc trong năm 2023 vừa được Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đưa ra.

Trong bài phát biểu trực tuyến tại Bắc Kinh hôm 25-12, ông Vương Nghị còn hàm ý Bắc Kinh sẽ tiếp tục mở cửa biên giới hậu đại dịch COVID-19 để góp phần giúp kinh tế toàn cầu hồi phục.

Theo nhận định của báo South China Morning Post, quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ, Nhật Bản, Úc, các cường quốc châu Âu đang ấm trở lại sau nhiều tháng căng thẳng về hàng loạt vấn đề, từ đảo Đài Loan (Trung Quốc), Tân Cương đến xung đột Nga - Ukraine…

Dù vẫn đồng tình với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, người dự kiến thăm Bắc Kinh vào đầu năm sau, về việc giữ thông suốt các đường dây liên lạc, song ông Vương Nghị đồng thời cảnh báo chủ trương kiềm chế Trung Quốc của Washington.

"Thổi bùng cạnh tranh chỉ có hại, không có lợi và tìm cách hợp tác là điều tất yếu, không phải lựa chọn" - ông Vương Nghị nhấn mạnh.

Trung Quốc trở lại trong năm 2023 - Ảnh 1.

Bộ trưởng Ngoại giao Úc Penny Wong cùng người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại Bắc Kinh hôm 21-12 Ảnh: REUTERS

Về cuộc xung đột Nga - Ukraine, Trung Quốc giữ nguyên lập trường "không can thiệp vào chuyện nội bộ của các bên", song song đó, "tiếp tục làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi" với Nga, nhằm "phản đối chủ nghĩa bá quyền và ngăn chặn một cuộc chiến tranh lạnh mới" - theo khẳng định của ông Vương Nghị.

Bộ trưởng Vương Nghị cũng thông báo về các cuộc trao đổi cấp cao với châu Âu trong năm tới, sau chuyến thăm Bắc Kinh gần đây của Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel.

Với Tokyo, ông Vương cảnh báo nước này "tránh đảo ngược chính sách" ngay trước thềm chuyến thăm Trung Quốc của người đồng cấp Nhật Bản Yoshimasa Hayashi. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc còn khẳng định nước ông sẵn sàng hợp tác với Ấn Độ để phát triển vững chắc quan hệ song phương, bất chấp việc gần đây binh lính hai nước lại đụng độ ở biên giới.

Với những định hướng ngoại giao như vậy, Trung Quốc phải cùng lúc đối phó các khó khăn trong nước, đặc biệt là tình hình kinh tế xuống dốc do chính sách phòng dịch COVID-19 trước đây - theo ông Zhao Ma, chuyên gia về lịch sử Trung Quốc hiện đại tại Trường ĐH Washington (Mỹ).

Cùng chuyên mục

Đọc thêm