Tọa đàm "Giải pháp an toàn vệ sinh trường học" (phát sóng trên VTV1 hồi tuần trước) nhận được sự quan tâm của nhiều lãnh đạo ban ngành, trường học, phụ huynh lẫn học sinh... Chương trình nhằm hưởng ứng Ngày nhà vệ sinh thế giới 19/11 của Liên Hợp Quốc, với chủ đề "Cùng lên tiếng vì toilet học đường".
Ngay đầu chương trình, các chuyên gia khẳng định: dù là nhu cầu cơ bản, toilet học đường kém chất lượng vẫn tồn đọng. Theo số liệu của Cục cơ sở vật chất - Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến 2020, cả nước có đến 103.000 nhà vệ sinh không đạt chuẩn. UNICEF Việt Nam cũng ước tính hơn 7,7 triệu học sinh Việt không đủ nước, xà phòng để dùng.
Bà Lê Thị Hồng Nhi - Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại, Unilever Việt Nam - dẫn chứng những con số "biết nói" trong bảng khảo sát "Tình trạng vệ sinh học đường tại Việt Nam năm 2022" do doanh nghiệp và BrandScape WorldWide thực hiện. Trong hơn 1.000 học sinh được hỏi, 41% trẻ cho biết bị ảnh hưởng thể chất, tác động tâm lý là 46%, nhưng chỉ 29% em chia sẻ nỗi muộn phiền với bố mẹ. Sàn ướt, mùi hôi, dùng chung xà phòng, hỏng khay giữ và thiếu giấy vệ sinh... phổ biến ở một số trường, trở thành nỗi ám ảnh với trẻ.
Theo thầy Nguyễn Xuân Khang - hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội), có ba lý do khiến trẻ ít chia sẻ với phụ huynh: vấn đề vệ sinh cá nhân vốn khó nói; toilet hôi, bẩn thường được xem là bình thường, tất yếu. Cuối cùng, nhiều em cho rằng dù kể với cha mẹ, thầy cô, thực trạng cũng chưa chắc được giải quyết.
Diễn giả Maharajan Muthu - trưởng chương trình "Vì sự sống còn, phát triển trẻ em và môi trường", UNICEF Việt Nam - cũng phân tích sâu về nguyên nhân khiến toilet học đường gây ám ảnh. Hơn một năm sinh sống, làm việc tại Việt Nam, ông đến nhiều nơi, trong đó có thành thị, nông thôn và miền núi, điểm khác biệt lớn nhất ông nhìn thấy là sự đầu tư ở những trường khu vực trung tâm và thiếu quan tâm tại vùng sâu, vùng xa, nhất là các điểm trường lẻ.
"Cơ sở vật chất, hạ tầng rất cũ. Họ có công trình phụ cơ bản nhưng không có quỹ cải tạo, nâng cao hạng mục này. Rất nhiều nơi không có điều kiện tiếp cận nguồn nước sạch", ông Muthu nói. Ngoài ra, nhiều học sinh chưa được bố mẹ, giáo viên hướng dẫn đầy đủ thói quen dùng toilet đúng cách và có ý thức. Yếu tố ngoại cảnh như thiên tai, bão lũ... góp phần gây ra tình trạng thiếu nước sạch.
Với mong muốn giải quyết sớm vấn nạn trên, thầy Nguyễn Xuân Khang kiến nghị các cơ sở giáo dục, trường học bốn điểm cần lưu ý: kiểm tra giám sát thường xuyên; bố trí nhân lực vệ sinh liên tục; trang bị phương tiện và vật tư; đầu tư kinh phí xây dựng, cải thiện toiet đạt chuẩn và không gian học tập thoải mái.
Ông Đỗ Mạnh Cường - đại diện Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế - nhấn mạnh vai trò, nhiệm vụ của truyền thông. Theo ông, cần tăng cường vận động chính sách hướng tới những người đứng đầu trường, tổ chức, ban ngành liên quan và chính quyền địa phương. Đồng thời tổ chức các chương trình giáo dục sức khỏe cho học sinh, giáo viên, qua đó truyền đạt cách sử dụng, bảo quản lẫn ý thức giữ gìn toilet chung.
Hơn 40 năm qua, UNICEF hợp tác chặt chẽ với Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn, Bộ Y tế... , triển khai nhiều chương trình tại chỗ nhằm cải thiện điều kiện nước sạch, vệ sinh môi trường cho trẻ em và cộng đồng.
Loạt hoạt động hỗ trợ thường xuyên và ứng phó khẩn cấp được tổ chức này chú trọng. UNICEF cùng đối tác hỗ trợ cải thiện công trình vệ sinh cho hơn 100 trường, đẩy mạnh chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi nhằm nâng cao nhận thức về nước sạch, giữ gìn môi trường chung cho giáo viên lẫn trẻ em.
Tại Điện Biên, UNICEF đã phối hợp với UBND tỉnh, các sở ban ngành và nhiều điểm trường áp dụng phương pháp tiếp cận "trẻ em là tác nhân thay đổi" để nghe, hiểu, tạo điều kiện cho các em cải thiện vệ sinh môi trường ở cả trường học, nhà ở.
Tọa đàm "Giải pháp an toàn vệ sinh trường học" là một phần trong chiến dịch truyền thông của Vim - Unilever Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của vệ sinh học đường. Nhãn hàng sẽ chọn 100 trường học theo đề xuất của mọi người để cải tạo, hướng đến không gian "xanh - sạch - khỏe". Xem chi tiết tại đây.
(ảnh: Unilever)