Trả lời:
Tiểu không tự chủ là tình trạng trẻ không kiểm soát được tiểu tiện, bao gồm tè dầm ban đêm, són tiểu vào ban ngày, thường xuất hiện ít nhất hai lần mỗi tháng.
Tiểu không tự chủ được phân thành hai dạng. Trẻ bị tiểu không tự chủ nguyên phát là chưa bao giờ kiểm soát được đi tiểu trong ít nhất 6 tháng liên tục. Với tiểu không tự chủ thứ phát, trẻ từng kiểm soát việc đi tiểu nhưng sau đó mất kiểm soát trong ít nhất 6 tháng.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trẻ nhỏ chưa phát triển đầy đủ khả năng kiểm soát bàng quang, hệ thần kinh chưa hoàn thiện để ức chế các cơn co thắt bàng quang. Bàng quang của trẻ hoạt động quá mức, co thắt không kiểm soát. Đôi khi trẻ ngủ sâu giấc, không nhận ra tín hiệu từ bàng quang khi đầy nước tiểu nên không kịp đi vệ sinh.
Thông thường tình trạng tiểu không tự chủ có thể cải thiện theo thời gian. Tuy nhiên, nếu xảy ra ở trẻ từ 7 tuổi trở lên, thời gian kéo dài trên 6 tháng có thể dấu hiệu cảnh báo nhiễm trùng đường tiết niệu, táo bón mạn tính, bệnh đái tháo đường, bất thường giải phẫu đường tiết niệu, bàng quang hoặc thể chất chậm phát triển. Cơ thể không tiết đủ hormone chống lợi tiểu (ADH) trong khi ngủ, rối loạn nội tiết... cũng là nguyên nhân.
Các triệu chứng tiểu không tự chủ ở trẻ có thể khác nhau tùy vào từng độ tuổi và mức độ bệnh lý. Trẻ có thể bị tiểu buốt, tiểu gấp, tần suất đi tiểu hơn 8 lần vào ban ngày và hai lần vào ban đêm. Một số trường hợp đi tiểu không thường xuyên (ít hơn ba lần một ngày), không thải hết chất lỏng trong bàng quang sau mỗi lần đi tiểu. Trẻ có thể đau, nóng rát khi đi tiểu, nước tiểu sẫm màu, đục, có máu hoặc mùi hôi, dòng nước tiểu yếu, phun ra hoặc nhỏ giọt, khát nước nhiều, táo bón, căng thẳng...

Bác sĩ khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội khám cho một bệnh nhi. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Thông tin bạn cung cấp chưa đủ để khẳng định bé tiểu không tự chủ do nguyên nhân nào. Bé đã 7 tuổi, độ tuổi có thể kiểm soát nước tiểu và hoạt động của bàng quang thì bạn nên theo dõi sát. Bạn có thể điều chỉnh sinh hoạt, thói quen của con, chẳng hạn nhắc nhở bé đi tiểu hai lần trước khi ngủ, tránh uống sữa, nước gần giờ đi ngủ. Chế độ dinh dưỡng nên đảm bảo nhiều chất xơ, uống đủ nước để ngăn ngừa táo bón, kiêng thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ. Bạn cho con mặc đồ thoải mái, tránh chạm vào cơ quan sinh dục sẽ kích thích bàng quang, gây rò rỉ nước tiểu.
Nếu thay đổi thói quen không cải thiện, bạn nên đưa con đi khám. Bởi tình trạng này kéo dài không chỉ làm giảm chất lượng sống mà có thể ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Điều trị dứt điểm nguyên gây tiểu không tự chủ giúp giải quyết tè dầm, phục hồi chức năng bàng quang, ngăn ngừa tổn thương thận.
Bác sĩ hỏi bệnh sử, khám lâm sàng, chỉ định làm xét nghiệm nước tiểu, siêu âm thận, bàng quang... để loại trừ nhiễm trùng hoặc bệnh lý khác. Từ đó, bác sĩ lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp với từng nguyên nhân.
Bạn tránh la mắng con bởi có thể khiến trẻ bị tổn thương tâm lý, tự ti, ảnh hưởng hệ thống thần kinh bàng quang làm tình trạng nặng hơn.
Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |