Dậy thì sớm: Trẻ nguy cơ bị thấp lùn, gặp khó khăn về tâm sinh lý
Thời gian gần đây, truyền thông đưa tin về sự gia tăng đáng kể các trường hợp trẻ điều trị dậy thì sớm, trong đó một số bé từ 6-8 tuổi đã có biểu hiện dậy thì, khiến nhiều cha mẹ lo lắng.
ThS-BSCKI Nguyễn Thị Thư Hương - Khoa Nội tiết, Bệnh viện FV cho biết dậy thì sớm là tình trạng trẻ xuất hiện các dấu hiệu của dậy thì ở độ tuổi sớm hơn so với bình thường, cụ thể là trước 8 tuổi ở bé gái và trước 9 tuổi ở bé trai.

Nhiều bé gái 8 tuổi đã có biểu hiện dậy thì
ẢNH: FREEPIK
"Biểu hiện của dậy thì sớm là cao nhanh, nổi mụn trứng cá, mọc lông, thay đổi tính khí, có mùi cơ thể... Bé gái phát triển ngực, có kinh nguyệt. Bé trai vỡ giọng, tinh hoàn và dương vật phát triển, có hiện tượng xuất tinh. Các thống kê cho thấy tỷ lệ bé gái dậy thì sớm cao gấp 4 lần so với bé trai", bác sĩ Hương cho hay.
Hầu hết các trường hợp dậy thì sớm không có nguyên nhân, trong đó một tỷ lệ nhỏ do khối u ở tuyến yên hoặc rối loạn hormone, di truyền… Với nhịp sống hiện đại thời nay vẫn có một số yếu tố được ghi nhận là có góp phần làm trẻ dậy thì sớm: béo phì, chế độ dinh dưỡng thiếu cân bằng, chất lượng thực phẩm kém, sự ô nhiễm của môi trường, cũng như những vấn đề tâm sinh lý của trẻ,…
Dậy thì sớm không chỉ là vấn đề "trưởng thành trước tuổi", mà ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ. "Đầu tiên là vấn đề chiều cao. Sự xuất hiện sớm của hormone sinh dục sẽ cốt hóa nhanh chóng sụn thành xương, lúc này các xương nhanh chóng dài ra, chiều cao của trẻ có sự gia tăng vượt bậc trong giai đoạn này. Một khi nguyên liệu là sụn được cốt hóa hết, các đầu xương đóng lại sớm, trẻ sẽ dừng sự tăng chiều cao tại thời điểm khoảng 12 tuổi ở bé gái và 15 tuổi ở bé trai", bác sĩ Thư Hương giải thích.
Hơn nữa, sự xuất hiện của tiết dịch âm đạo và giai đoạn sau là sự xuất hiện của các chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên ở bé gái cũng như sự gia tăng kích thước tinh hoàn và sự xuất tinh ở bé trai trong ở độ tuổi quá nhỏ, các bé chưa có đủ nhận thức và kỹ năng chăm sóc bộ phận sinh dục của bản thân, dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh lý ở cơ quan này.
"Cơ thể phát triển ở độ tuổi quá nhỏ, trẻ dễ phải đối mặt với nguy cơ bị lạm dụng, có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Bên cạnh đó, sự thay đổi của tâm sinh lý dẫn đến sự biến đổi của tính khí: nóng giận, lo lâu, sự khác biệt ngoại hình với bạn bè đồng trang lứa,… khiến trẻ có thể bị trầm cảm, tự kỷ", bác sĩ Hương nhận định.

ThS-BSCKI Nguyễn Thị Thư Hương - Khoa Nội tiết, Bệnh viện FV cho biết dậy thì sớm ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của trẻ
Điều trị dậy thì sớm cần một chiến lược toàn diện
Khi nhận thấy trẻ có các biểu hiện của dậy thì sớm (bé gái có sự căng tức ở mô vú trước 8 tuổi và bé trai vỡ giọng trước 9 tuổi), cha mẹ nên đưa con tới bác sĩ chuyên khoa nội tiết, đặc biệt nội tiết nhi để được thăm khám.
Khoa Nội tiết Bệnh viện FV với hơn 15 năm kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý dậy thì sớm. Trước tiên, trẻ được thăm khám với các bác sĩ chuyên khoa nội tiết. Bác sĩ thực hiện những khảo sát cần thiết để đưa ra chẩn đoán: siêu âm tuyến vú và siêu âm bụng đánh giá tử cung, buồng trứng ở bé gái, siêu âm tinh hoàn ở bé trai, chụp Xquang bàn tay cho thông tin về tuổi xương.
Tiếp đến, trẻ được xét nghiệm máu tĩnh để đánh giá hormone sinh dục, xét nghiệm để tìm nguyên nhân nếu có như prolactine, chức năng tuyến giáp, khối u tiết betaHCG,… Nếu xét nghiệm tĩnh ghi nhận hormone sinh dục còn ở mức thấp và các kết quả hình ảnh ở trên gợi ý đang có tình trạng dậy thì diễn tiến, thì trẻ sẽ trải qua test kích thích với thuốc diphereline để xác định chẩn đoán. Cuối cùng, trẻ được chụp MRI tuyến yên để loại trừ khối u nếu có, và là bước bắt buộc trước khi quyết định điều trị ức chế dậy thì.

Chụp Xquang bàn tay cho thông tin về tuổi xương
ẢNH: FREEPIK
Khi được xác định là dậy thì sớm, trẻ sẽ được điều trị ức chế dậy thì bằng tiêm thuốc, lặp lại mỗi 1-3 chu kỳ. "Mục đích của điều trị ức chế dậy thì là tối ưu hóa chiều cao tại thời điểm trưởng thành", bác sĩ Hương giải thích. Kế hoạch điều trị sẽ được bác sĩ thảo luận kỹ càng với phụ huynh của các bé sau mỗi lần tái khám.
Kể từ khi ngưng điều trị ức chế, bé cần 6 tháng đến 1,5 năm để khởi phát lại chu kỳ dậy thì. Để đến khi bắt đầu quá trình dậy thì một lần nữa, các bé sẽ đạt được mức phát triển tối ưu về chiều cao, ở bé gái tăng thêm 15-20 cm và bé trai tăng thêm 20-25 cm.
Để điều trị cho trẻ dậy thì sớm, FV phối hợp đa chuyên khoa giữa bác sĩ nội tiết và bác sĩ sản phụ khoa trong việc hướng dẫn phụ huynh và trẻ chăm sóc sức khỏe tình dục, chuyên viên tâm lý học hỗ trợ các vấn đề tâm sinh lý, cho những trường hợp cần thiết.
Đối phó với tình trạng dậy thì sớm: Hãy theo sát sự phát triển của con
Để phòng ngừa dậy thì sớm, cha mẹ nên tạo cho con chế độ ăn hợp lý đầy đủ các khoáng chất, vitamin, protein, chất xơ, hạn chế thức ăn nhanh, thức ăn chứa nhiều đường, và chất béo kết hợp với một chế độ thể thao hợp lý.

Trẻ béo phì có nguy cơ dậy thì sớm
ẢNH: FREEPIK
Đa phần dậy thì sớm là vô căn, vì vậy cha mẹ cần trang bị kiến thức về các biểu hiện đầu tiên của dậy thì, thật sự khi bé gái xuất hiện chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên hoặc bé trai có hiện tượng mộng tinh là gần như sắp hoàn thành xong giai đoạn dậy thì, chứ đây không phải là dấu hiệu của bước vào giai đoạn dậy thì.
Bác sĩ Hương khuyến cáo, cần phát hiện kịp thời những biểu hiện đầu tiên của khởi phát dậy thì và đưa trẻ đến khám đúng bác sĩ chuyên khoa nội tiết, để trẻ được chẩn đoán càng sớm càng tốt và kịp thời đưa ra các kế hoạch điều trị hợp lý, phối hợp nhiều chuyên khoa cho từng cá nhân.
Để khám và tư vấn về điều trị dậy thì sớm cho trẻ, phụ huynh có thể liên lạc Khoa Nội tiết, Bệnh viện FV hoặc qua ĐT: (028)35113333.