Triển lãm công nghệ GITEX ASIA x Ai Everything Singapore, vừa khai mạc tại Singapore, sáng 23.4. Đây là sự kiện công nghệ, khởi nghiệp và đầu tư kỹ thuật số lớn nhất từ trước đến nay tại châu Á.
Một trong những điểm nhấn của triển lãm là màn trình diễn của robot kết hợp múa lân sư rồng. Sự pha trộn độc đáo giữa truyền thống và hiện đại đã phần nào nói lên tinh thần đổi mới sáng tạo đang diễn ra mạnh mẽ tại các quốc gia châu Á.
Trong hơn 15 phút trình diễn, các mẫu robot hình chó và hình người liên tục thể hiện các động tác phức tạp, linh hoạt trong tiếng vỗ tay không ngớt của khách tham quan. Chúng không chỉ trình diễn các điệu nhảy mà còn tương tác với người xem như bắt tay, tạo dáng chụp hình.
Robot múa lân sư rồng tại GITEX ASIA 2025
Đây là những robot của startup Weston Robot đến từ Trung Quốc. Tại GITEX ASIA 2025, công ty phô diễn loạt robot thế hệ mới, trình diễn cùng hơn 700 doanh nghiệp và startup công nghệ toàn cầu, với hơn 250 nhà đầu tư đến từ hơn 70 quốc gia.
Triển lãm công nghệ và khởi nghiệp lớn nhất châu Á
Chia sẻ tại triển lãm GITEX ASIA x Ai Everything Singapore, bà Trixie LohMirmand, đại diện đơn vị tổ chức cho rằng các nền kinh tế số và AI đang chuyển mình mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu. Các quốc gia châu Á cũng không nằm ngoài dòng chảy đó.
"GITEX ASIA sẽ mở rộng mối quan hệ quốc tế bền chặt, thúc đẩy hợp tác đột phá để tận dụng tinh thần đổi mới và bản lĩnh kỹ thuật số của khu vực, từ đó mở ra những cơ hội mới, thị trường mới", bà Trixie LohMirmand nhấn mạnh.
Theo dự báo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (World Economic Forum), mục tiêu giá trị giao dịch hàng hóa số (GMV) đạt 1.000 tỉ USD vào năm 2030 của nền kinh tế số Đông Nam Á ngày càng khả thi. Một trong những động lực quan trọng tác động đến tiến trình này là tốc độ chuyển đổi số cao và sự đầu tư hậu thuẫn từ các chính phủ.
Statistics Research ước tính nguồn vốn đầu tư mạo hiểm của khu vực dự kiến đạt 13,7 tỉ USD vào năm 2025, trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng. Theo các chuyên gia, với nguồn vốn công nghệ dồi dào đang được đầu tư, các công ty châu Á đang bước vào giai đoạn phát triển sôi động khi tiếp cận được cả tài chính lẫn nhân tài. Đây là những nền tảng quan trọng để các startup gây chú ý trên toàn cầu và thể hiện sự ảnh hưởng của mình ở khắp các lĩnh vực.
Tại GITEX ASIA x Ai Everything Singapore, các chuyên gia, startup công nghệ, quỹ đầu tư sẽ tập trung thảo luận 8 nội dung chính liên quan đến AI (trí tuệ nhân tạo) và GenAI; An ninh mạng; Điện toán đám mây và Kết nối; Máy tính lượng tử; Công nghệ y tế sinh học; Công nghệ xanh và thành phố thông minh; Khởi nghiệp và đầu tư; Doanh nghiệp công nghệ vừa và nhỏ.
Dấu ấn Việt Nam trên sân chơi toàn cầu
Trong số hơn 700 doanh nghiệp toàn cầu góp mặt tại GITEX ASIA x Ai Everything Singapore, không khó để bắt gặp các đại diện của Việt Nam.
Trong phần giới thiệu của ban tổ chức, nhiều startup Việt được xem là nhân tố có khả năng "thay đổi cuộc chơi" trong tương lai.
Enfarm, công ty khởi nghiệp công nghệ nông nghiệp của Việt Nam từng đoạt nhiều giải thưởng, đang cách mạng hóa nền nông nghiệp bền vững với công nghệ chẩn đoán đất theo thời gian thực bằng cách áp dụng AI và loạt công nghệ tiên tiến.
Còn ADT Global VN, công ty đổi mới sáng tạo nằm trong top đầu về tương tác dựa trên AI, phương tiện truyền thông nhập vai và chuyển đổi thương hiệu của Việt Nam cũng thu hút sự chú ý lớn của khách tham quan.
Trong khi đó MedCAT, nền tảng chuyển đổi chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm thông qua khả năng hiểu tài liệu thông minh và tự động hóa dữ liệu y tế đang trở thành một trong những điểm nhấn thú vị tại triển lãm công nghệ lớn nhất châu Á.

Khách tham quan giải pháp công nghệ tại khu triển lãm của NIC trong khuôn khổ sự kiện GITEX ASIA x Ai Everything Singapore, hôm 23.4
ẢNH: KHƯƠNG NHA
Không dừng lại ở đó, GITEX Asia 2025 còn thiết kế riêng một chương trình mang tên Vietnam Spotlight Day để các đại diện đến từ Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC) và Touchstone Ventures chia sẻ về tham vọng công nghệ của đất nước trong kỷ nguyên mới. Tại đây, Việt Nam cũng giới thiệu với các nhà đầu tư toàn cầu về hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và những điểm hấp dẫn trong chính sách thu hút đầu tư, hợp tác.
Các startup Việt cũng góp mặt tại cuộc thi Supernova Challenge, có tổng giá trị giải thưởng 100.000 USD. Đây được xem là cánh cổng để các doanh nghiệp công nghệ trong nước bước ra sân chơi toàn cầu.
Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC đánh giá: "Việc tăng cường hiện diện trong hệ sinh thái công nghệ của khu vực sẽ giúp Việt Nam tạo ra chất xúc tác thúc đẩy đổi mới, kết nối và tạo nên làn sóng công nghệ mới tại châu Á và hơn thế nữa".