Công nghệ

Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vì sự hưng thịnh của Việt Nam

Tóm tắt:
  • Khoa học công nghệ (KHCN) là yếu tố quan trọng giúp quốc gia hưng thịnh.
  • Việt Nam cần phát triển KHCN để trở thành cường quốc.
  • KHCN phải gắn liền với đổi mới sáng tạo và hiện đại hóa đất nước.
  • Ngân sách KHCN sẽ ưu tiên cho doanh nghiệp, tập trung vào ứng dụng thực tiễn.
  • Các nghiên cứu cần hướng tới giải quyết vấn đề lớn của quốc gia và nâng cao đời sống nhân dân.

Muốn trở thành cường quốc, Việt Nam phải mạnh về KHCN

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng vừa chủ trì các cuộc làm việc với 3 đơn vị trong Bộ là Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên (gọi tắt là Vụ Nghiên cứu khoa học); Vụ Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ (gọi tắt là Vụ Phát triển công nghệ); và Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia (Quỹ Nafosted).

Cùng dự còn có các Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, Phạm Đức Long, Lê Xuân Định, Hoàng Minh, Bùi Hoàng Phương; đại diện một số đơn vị trong Bộ cùng toàn bộ cán bộ, nhân viên của 3 đơn vị.

W-nghien cuu khoa hoc va phat trien cong nghe 3.jpg
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, giai đoạn trước mắt, Việt Nam đẩy mạnh đổi mới sáng tạo để phát triển nhanh, nhưng gốc vẫn phải là nghiên cứu cơ bản. Ảnh: Lê Anh Dũng

Trên toàn cầu, theo phân tích của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, khoa học công nghệ (KHCN) đang phát triển nhanh chưa từng có và thời gian tới sẽ còn nhanh hơn. Nhiều công nghệ đột phá đang thay đổi cuộc chơi, phá hủy các hệ thống, thay đổi tư duy, cách phát triển và cả cách cạnh tranh. Cạnh tranh công nghệ trở thành mặt trận cạnh tranh chính giữa các quốc gia, và có thể nó sẽ làm thay đổi trật tự toàn cầu. 

Khẳng định tầm quan trọng của KHCN, người đứng đầu ngành KH&CN chỉ rõ, một quốc gia chỉ có thể hưng thịnh khi KHCN của quốc gia đó hưng thịnh, KHCN có mạnh thì quốc gia mới mạnh. Cho nên, làm KHCN không phải vì KHCN mà vì sự hưng thịnh của quốc gia, đóng góp vào sự phát triển của nhân loại.

Việt Nam muốn trở thành cường quốc thì phải là cường quốc về KHCN. Việt Nam muốn trở thành nước phát triển thì phải phát triển KHCN. Cho nên, hiện đại hóa Việt Nam phải gắn rất chặt với hiện đại hóa KHCN, và phải lấy hiện đại hóa KHCN làm nền tảng để tạo ra hiện đại hóa đất nước.

Với quan điểm lãnh đạo hoạt động ngành KH&CN chủ yếu thông qua các tư tưởng, định hướng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu yêu cầu các cán bộ, nhân viên của ngành, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt phải nhận thức được những chuyển dịch, thay đổi của hoạt động KHCN Việt Nam giai đoạn hiện nay so với trước.

Đó là, KHCN hướng tới đổi mới sáng tạo, trong đó nghiên cứu khoa học hướng ít hơn và phát triển công nghệ hướng nhiều hơn; KHCN phải được đặt trong bối cảnh chuyển đổi số đất nước; KHCN phải hướng tới đầu ra, tới kết quả cuối cùng là nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tăng năng suất lao động, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nâng cao năng lực quản trị quốc gia.

W-tram 5G Viettel 3 1.jpg
Một chuyển động quan trọng của hoạt động KHCN là hướng vào doanh nghiệp nhiều hơn, thể hiện qua cơ cấu mới trong chi ngân sách KHCN là 80% cho doanh nghiệp và 20% cho viện trường. Ảnh minh họa: Đ.T

Cụ thể hơn, KHCN còn phải hướng tới giải quyết những bài toán lớn của quốc gia như: tăng trưởng 2 con số để đưa Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình, cách mạng tinh gọn bộ máy, tăng trưởng chất lượng cao, giải quyết ô nhiễm môi trường, tăng tiềm lực quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc và gìn giữ hòa bình lâu dài.

Đồng thời, KHCN phải hướng tới làm chủ các công nghệ chiến lược Việt Nam, và Bộ KH&CN phải ban hành được danh sách các công nghệ chiến lược cần làm chủ cũng như thúc đẩy để Việt Nam từng bước làm chủ một số công nghệ chiến lược.

Cùng với yêu cầu tự lực, tự chủ, tự cường về KHCN, người đứng đầu ngành KH&CN còn yêu cầu cán bộ, nhân viên của ngành thay đổi tư duy, cụ thể là chuyển sang nghiên cứu để thay đổi một cái gì đó trong cuộc sống, với các nhiệm vụ phải gắn với yêu cầu cụ thể của ngành, địa phương, doanh nghiệp và có đầu ra, có đối tác tiếp nhận.

Bên cạnh đó, KHCN không chỉ đi “từ trên trời xuống đất” như trước đây, mà sẽ chủ yếu là “đi từ dưới đất lên trời”, lấy thực tiễn làm mảnh đất để phát triển, tập trung nhiều hơn vào những nghiên cứu ảnh hưởng đến cuộc sống để giúp đất nước phát triển.

“Chính vì đi từ thực tiễn nhiều hơn, bài toán đánh giá kết quả cuối cùng của các đề tài nghiên cứu cũng trở nên dễ hơn, bởi được đo bằng những con số”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phân tích.

Hãy tư duy về cái gốc để tiếp tục vươn xa

Dành nhiều thời gian để hướng dẫn lãnh đạo chủ chốt 3 cơ quan hiểu một cách cặn kẽ các khái niệm cơ bản, cốt lõi của lĩnh vực đơn vị mình quản lý thông qua hỏi – đáp có sự hỗ trợ của trợ lý ảo, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ, phương pháp luận là muốn đi xa thì phải về gần, phải nắm vững cái gốc, cái hồn để từ đó mà đi xa.

Theo Bộ trưởng, ngay từ tên gọi của 3 đơn vị, tốt nhất là tên gọi nói được bản chất, cái gốc của đơn vị. Lãnh đạo 3 đơn vị được yêu cầu cân nhắc việc đổi tên ngắn hơn với nội hàm rộng là Vụ Nghiên cứu khoa học, Vụ phát triển công nghệ và Quỹ nghiên cứu phát triển.

Nhân sự của các đơn vị cũng được khuyến nghị sử dụng trợ lý ảo hỗ trợ công việc, với lưu ý là cần vững kiến thức nền và biết cách hỏi để có thể lọc được những “hạt vàng” từ công cụ tập hợp thông tin, tri thức của hàng tỷ người trên toàn cầu.

Học định nghĩa, học qua từ điển là cách các cán bộ, nhân viên trong Bộ KH&CN được gợi mở để bồi đắp nhanh kiến thức nền.

W-nghien cuu khoa hoc va phat trien cong nghe 2.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ: Cần chuyển đổi số toàn diện công tác KHCN và quản lý KHCN. Ảnh: Lê Anh Dũng

Nhắc lại cam kết “Nếu đất nước tăng trưởng 10% thì ngành KH&CN chịu trách nhiệm thúc đẩy ít nhất 5% tăng trưởng, chiếm trên 50% mục tiêu tăng trưởng của đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị người đứng đầu các đơn vị phải thay đổi tư duy, chú trọng vào kết quả cuối cùng, đo tác động và sự đóng góp của KHCN với nền kinh tế đất nước.

Một lần nữa nhấn mạnh Bộ KH&CN phải có trách nhiệm với đất nước, người đứng đầu ngành KH&CN lưu ý phải kiểm soát chặt đầu ra của các đề tài, nhiệm vụ; truyền tới các nhà khoa học, nhà nghiên cứu một thông điệp khuyến khích họ nghiên cứu để tạo ra kết quả cuối cùng. Hai Vụ chuyên môn được yêu cầu phải làm phép đo, tính toán hiệu quả chi KHCN; ban hành các tiêu chí đánh giá.

Từ phân tích những khác biệt của khoa học và công nghệ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ khoa học là khám phá bí quyết của trời, còn phát triển công nghệ dựa trên tri thức, là không gian của con người và sáng tạo ở đây là vô hạn. Sự khác nhau này đòi hỏi ứng xử với khoa học và công nghệ cũng phải khác nhau.

Cụ thể, tính kết quả đầu ra với những nghiên cứu mang tính công nghệ, còn với nghiên cứu khoa học cơ bản, không nên đo hiệu quả quá nhiều mà cần chú trọng đặt hàng các bài toán của quốc gia như đổi mới mô hình quản trị quốc gia trong bối cảnh chuyển đổi số; hay ảnh hưởng của yếu tố văn hóa đến chiến lược phát triển của một quốc gia...

W-nghien cuu khoa hoc va phat trien cong nghe 1.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ, nhân viên của Vụ Nghiên cứu khoa học, Vụ Phát triển công nghệ và Quỹ Nafosted. Ảnh: Lê Anh Dũng

Lãnh đạo các đơn vị cũng được lưu ý về những chuyển động quan trọng của hoạt động KHCN cần được triển khai trong thực tế, đó là: Phải cân bằng giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội vì một nghiên cứu khoa học xã hội đóng góp cho sự phát triển của một quốc gia không kém gì khoa học tự nhiên và thậm chí nhiều bài toán khoa học xã hội còn giúp đất nước phát triển bền vững; dành 70 - 80% ngân sách nhà nước chi KHCN cho đối tượng doanh nghiệp; chuyển toàn bộ hoạt động nghiên cứu khoa học cơ bản về đại học bởi đây là nơi có nhân lực tốt và dồi dào nhất...

Trong khuôn khổ buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã tháo gỡ các khó khăn và giải đáp băn khoăn, thắc mắc của các đơn vị. Theo đó, trước lo lắng của nhân sự Vụ Phát triển công nghệ về vướng mắc trong quá trình tham gia xây dựng Luật KHCN và ĐMST, Bộ trưởng hướng dẫn rõ: Luật này bản chất có một số điểm mới căn bản, vì thế khi làm luật thì trước hết cần nắm chắc những tư tưởng đổi mới của nó.

Mong muốn các cán bộ, nhân viên của 3 đơn vị sẽ có năng lượng mới dựa trên nhận thức mới, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng yêu cầu lãnh đạo cấp trưởng của từng tổ chức phải quan tâm từ những điều nhỏ nhất để biến cơ quan thành ngôi nhà thứ hai, tạo cho đội ngũ nhân sự sự hứng thú làm việc, tạo ra giá trị đóng góp vào sự phát triển đất nước. 

Các tin khác

Văn Phú - Invest: Kỳ vọng chuyển mình trong bối cảnh kinh tế phục hồi

Những dấu hiệu phục hồi của thị trường bất động sản thời gian qua, cùng một số yếu tố thuận lợi từ nền kinh tế vĩ mô, giúp ban lãnh đạo và cổ đông Văn Phú – Invest tự tin hướng tới mục tiêu doanh thu và lợi nhuận cả năm 2025 lần lượt ở mức 2.450 tỷ đồng và 350 tỷ đồng, tăng 29% và 15% so với mức thực hiện năm 2024.

Giá vàng đồng loạt giảm mạnh

Sáng nay (24/4), giá vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh sau khi lập đỉnh. Theo đó, vàng miếng SJC về mốc 119,5 triệu đồng/lượng còn vàng nhẫn về 118 triệu đồng/lượng.

Tin xem nhiều