Kỹ năng sống

Uống nước cốt chanh vào buổi sáng để thải độc có tốt?

Tóm tắt:
  • Nước cốt chanh cung cấp vitamin C, axit citric, flavonoid, polyphenol, và kali.
  • Uống nước cốt chanh khi đói không tốt, có thể gây tổn thương dạ dày.
  • Thói quen này không giúp thải độc, cơ thể tự thải qua gan và thận.
  • Nước chanh làm mòn răng, gây ê buốt nếu dùng lâu dài.
  • Uống nước chanh có lợi, nhưng cần cân đối và không thay thế bữa ăn.

Thành phần dinh dưỡng của nước cốt chanh

Báo Thanh Niên dẫn lời bác sĩ chuyên khoa 1 Đinh Trần Ngọc Mai, khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM giải đáp, thành phần dinh dưỡng của nước cốt chanh gồm:

Vitamin C: Một quả chanh (50ml nước cốt) cung cấp khoảng 30-40 mg vitamin C, giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống oxy hóa và hỗ trợ sản xuất collagen.

Axit citric: Hỗ trợ tiêu hóa, giúp hấp thụ khoáng chất như sắt và có thể giảm nguy cơ sỏi thận.

Flavonoid và polyphenol: Tác dụng chống viêm, bảo vệ tim mạch và giúp kiểm soát đường huyết.

Kali:Hỗ trợ duy trì huyết áp ổn định và cân bằng điện giải.

Uống nước cốt chanh buổi sáng khi đói rất hại sức khoẻ

Uống nước cốt chanh buổi sáng khi đói rất hại sức khoẻ

Uống nước cốt chanh vào buổi sáng để thải độc có tốt?

Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn lời ThS.BS Nguyễn Thu Yên, Phụ trách Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, thói quen uống nước cốt chanh để thải độc khi đói bụng không hề tốt cho sức khoẻ.

Hầu hết mọi người có thể ăn chanh hoặc uống nước chanh an toàn khi dùng đúng cách. Tuy nhiên, nếu uống nhiều nước cốt chanh với mục đích thải độc, chữa dạ dày, giảm cân là không có cơ sở khoa học.

Cơ thể chúng ta có cơ chế thải độc tự nhiên thông qua chức năng của gan và thận. Không có bất kỳ loại thực phẩm đơn lẻ nào, kể cả chanh, có khả năng thải độc hiệu quả theo cách mà các video trên mạng xã hội đang lan truyền.

Nước cốt chanh có tính acid rất cao. Đối với những người có vấn đề về dạ dày như viêm loét dạ dày, trào ngược acid, việc uống nước cốt chanh khi bụng đói sẽ càng làm tổn thương niêm mạc dạ dày, làm trầm trọng thêm các triệu chứng như ợ nóng, đau bụng, buồn nôn, có thể dẫn đến loét dạ dày nặng hơn, thậm chí dẫn đến chảy máu dạ dày nguy hiểm đến tính mạng. Giải thích "mới đầu chưa quen", "chanh cào màng độc tố" là hoàn toàn không có cơ sở khoa học và rất nguy hiểm.

Ngoài ra, nồng độ acid cao trong thực phẩm có thể làm mòn men răng theo thời gian. Việc uống nước cốt chanh thường xuyên, đặc biệt là khi chưa ăn gì sẽ làm tăng nguy cơ men răng bị bào mòn, dẫn đến răng ê buốt, nhạy cảm.

Tóm lại, uống một ly nước chanh ấm pha loãng vào buổi sáng có thể mang lại một số lợi ích. Nước chanh cũng là giải pháp nhanh chóng giúp giải khát và giảm mệt mỏi. Tuy nhiên, nếu chỉ uống nước cốt chanh vào buổi sáng và bỏ bữa ăn dễ dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng và có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe khác.

Các tin khác

Giá vàng đồng loạt giảm mạnh

Sáng nay (24/4), giá vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh sau khi lập đỉnh. Theo đó, vàng miếng SJC về mốc 119,5 triệu đồng/lượng còn vàng nhẫn về 118 triệu đồng/lượng.