Khoa học

Việt Nam xây dựng trung tâm dữ liệu Top 10 Đông Nam Á

Tóm tắt:
  • Trung tâm dữ liệu tại Tân Phú Trung, TP. Hồ Chí Minh, quy mô lớn, Top 10 Đông Nam Á, dự kiến vận hành 2026.
  • Dự án khởi công nhân dịp kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, diện tích gần 4 ha, công suất 140MW.
  • Trung tâm đạt tiêu chuẩn quốc tế Uptime Tier III, công suất rack lên tới 60 kW, cao gấp 2,5 lần trung bình Việt Nam.
  • Đóng vai trò thúc đẩy phát triển hạ tầng số, đô thị thông minh, chính quyền số, công nghệ AI, 5G, IoT, Big Data.
  • Giai đoạn 1 dự kiến vận hành năm 2026, hoàn thành toàn dự án trước 2030 theo nghị quyết phát triển công nghệ số quốc gia.

Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) vừa tổ chức Lễ khởi công Trung tâm dữ liệu & Nghiên cứu phát triển công nghệ cao Viettel tại Khu công nghiệp Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh. Đây sẽ là trung tâm dữ liệu quy mô siêu lớn, thuộc Top 10 khu vực Đông Nam Á.

Công trình đánh dấu một bước tiến của hạ tầng dữ liệu Việt Nam, được khởi công trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975–2025).

Dự án được triển khai trên diện tích gần 4 hecta, tổng công suất thiết kế lên tới 140MW điện với khoảng 10.000 rack.

Đây là trung tâm dữ liệu đầu tiên của Việt Nam đạt công suất trên 100MW hay còn gọi là quy mô siêu lớn, tương đương với các trung tâm dữ liệu lớn trên thế giới.

Trung tâm Dữ liệu Tân Phú Trung được thiết kế và vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế Uptime Tier III. Trung tâm có mật độ công suất trung bình 10kW/rack, cao gấp 2,5 lần mức trung bình tại Việt Nam. Công suất rack cao nhất lên tới 60 kW, đáp ứng nhu cầu tính toán hiệu năng cao của các mô hình và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) quy mô lớn.

Việt Nam xây dựng trung tâm dữ liệu Top 10 Đông Nam Á ảnh 1

Mô hình Trung tâm dữ liệu siêu lớn tại TPHCM.

Theo Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan, Dự án sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho Thành phố trong phát triển hạ tầng số, xây dựng đô thị thông minh và chính quyền số.

Trung tâm này sẽ thúc đẩy ứng dụng các công nghệ tiên tiến như AI, mạng 5G, điện toán đám mây, IoT, Blockchain, an ninh mạng và Big Data; đồng thời góp phần hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số và tạo ra việc làm giá trị cao phục vụ phát triển kinh tế số – xã hội số của Thành phố.

Giai đoạn 1 của dự án dự kiến đi vào vận hành trong Quý I/2026, và toàn bộ dự án sẽ hoàn thành trước năm 2030.

Trước đó, ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số Quốc gia, trong đó nêu quan điểm cần phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng số, công nghệ số trên nguyên tắc "hiện đại, đồng bộ, an ninh, an toàn, hiệu quả, tránh lãng phí"; làm giàu, khai thác tối đa tiềm năng của dữ liệu, đưa dữ liệu thành tư liệu sản xuất chính, thúc đẩy phát triển nhanh cơ sở dữ liệu lớn, công nghiệp dữ liệu, kinh tế dữ liệu.

Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ có hạ tầng công nghệ số tiên tiến, hiện đại, dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng ngang tầm các nước tiên tiến.

Các tin khác

Giá vàng đồng loạt giảm mạnh

Sáng nay (24/4), giá vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh sau khi lập đỉnh. Theo đó, vàng miếng SJC về mốc 119,5 triệu đồng/lượng còn vàng nhẫn về 118 triệu đồng/lượng.