
Nhiệt độ của dung nham trong một số vụ phun trào núi lửa có thể lên tới 1.100 độ C, cao hơn cả bề mặt của sao Kim và đủ sức nung chảy nhiều loại vật chất - Ảnh: REUTERS
Mỗi ngày, thế giới thải ra hàng triệu tấn rác thải, con số khổng lồ khiến các quốc gia đau đầu tìm cách xử lý. Mọi giải pháp đều được áp dụng: bãi chôn lấp, lò đốt, tái chế và hạn chế rác thải nhựa… nhưng rác thải vấn là một bài toán khó của loài người.
Một câu hỏi đầy tính "sáng tạo" từng được đặt ra: Tại sao chúng ta không ném hết rác vào núi lửa để đốt? Núi lửa đủ nóng để thiêu rụi cả đá, chẳng phải đó là lò đốt tự nhiên lý tưởng hay sao?
Núi lửa: Lò đốt tự nhiên, nhưng không hề đơn giản
Trên lý thuyết, nhiệt độ của dung nham trong một số vụ phun trào núi lửa, như tại Kilauea (Hawaii), có thể lên tới 1.100 độ C, cao hơn cả bề mặt của sao Kim và đủ sức nung chảy nhiều loại vật chất. Đây cũng là mức nhiệt tương đương với các lò đốt rác thải công nghiệp.
Tuy nhiên, không phải tất cả dung nham đều đạt đến mức nhiệt đó. Một số núi lửa như Mount St. Helens (bang Washington, Mỹ) chỉ tạo ra dung nham dạng đặc, với nhiệt độ bề mặt khoảng 700 độ C, thấp hơn nhiều. Điều này khiến khả năng đốt cháy rác bị hạn chế, đặc biệt với các vật liệu như thép, niken hay sắt, vốn yêu cầu nhiệt độ rất cao mới có thể bị nung chảy.
Một vấn đề khác là không phải núi lửa nào cũng "có sẵn lò đốt" tự nhiên. Số lượng núi lửa có "hồ dung nham" hoạt động rất ít. Trong hàng nghìn núi lửa trên Trái đất, chỉ có khoảng 8 nơi được ghi nhận có hồ dung nham còn hoạt động, trong đó có Kilauea (Hawaii), Erebus (Nam Cực) và Nyiragongo (CHDC Congo). Phần lớn núi lửa còn lại chỉ có miệng núi đầy đá nguội hoặc nước, không phù hợp để xử lý rác.
Điều này có nghĩa là, giả sử có thể đốt rác trong núi lửa thì cũng không phải quốc gia nào cũng có "lò đốt tự nhiên" đó. Việc gom rác từ quốc gia này sang quốc gia khác, châu lục này sang châu lục khác để đốt rác cũng sẽ tiêu tốn vô cùng lớn tiền bạc và nhân lực.
Nguy hiểm rình rập nếu "ném rác vào núi lửa"

"ném rác vào núi lửa" là một ý tưởng có thể nghe hấp dẫn, nhưng trên thực tế không khả thi, không an toàn và gây nhiều hệ lụy môi trường, văn hóa - Ảnh: AI
Ngay cả khi có thể tiếp cận một hồ dung nham thì việc ném rác vào đó cũng vô cùng nguy hiểm. Dung nham thường có một lớp vỏ cứng phía trên, nhưng bên dưới vẫn đang sôi sục. Khi một vật thể nặng (như khối rác) rơi xuống, nó có thể làm vỡ lớp vỏ, gây ra các vụ nổ nhỏ, phun trào khí nóng, đá và thậm chí cả dung nham ra xung quanh.
Trong quá khứ, tại Kilauea, việc các khối đá rơi vào hồ dung nham đã từng dẫn đến những vụ nổ như vậy.
Khi rác cháy, đặc biệt là nhựa và kim loại, sẽ thải ra hàng loạt khí độc hại như dioxin, furan và các hợp chất hữu cơ bay hơi. Bản thân núi lửa cũng đã thải ra các khí độc như lưu huỳnh, clo, CO₂. Nếu kết hợp thêm khí độc từ rác, mức độ ô nhiễm không khí xung quanh sẽ tăng vọt, đe dọa sức khỏe của con người và hệ sinh thái gần đó.
Cuối cùng, nhiều núi lửa được coi là nơi linh thiêng đối với các cộng đồng bản địa. Ví dụ, người Hawaii coi miệng núi lửa Halemaʻumaʻu (Kilauea) là nơi ngự trị của nữ thần lửa Pele. Việc vứt rác vào đây không chỉ là hành động gây ô nhiễm mà còn là sự xúc phạm lớn tới văn hóa và tín ngưỡng địa phương.
Do đó, "ném rác vào núi lửa" là một ý tưởng có thể nghe hấp dẫn, nhưng trên thực tế không khả thi, không an toàn và gây nhiều hệ lụy môi trường, văn hóa.
Thay vào đó, chúng ta cần tập trung vào các giải pháp quản lý rác bền vững hơn: giảm tiêu thụ, phân loại, tái chế và đổi mới công nghệ xử lý rác.