Chiều 15-6, Ban Kinh tế- ngân sách HĐND TP.HCM đã có buổi giám sát về kết quả thực hiện pháp luật đầu tư công trên địa bàn TP và hiệu quả, tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách TP đối với Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP, Sở GTVT TP.HCM.
Tại buổi làm việc, phía Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP cho biết, tổng số dự án không đảm bảo thời gian thực hiện là 75 dự án. Trong đó, 67 dự án vướng mắc do công tác bồi thường giải phóng mặt bằng kéo dài; 8 dự án vướng mắc về thủ tục đầu tư.
Đại diện Ban quản lý cho biết nguyên nhân chủ yếu khiến các dự án giao thông chậm trễ là do công tác giải phóng mặt bằng.
Phía Sở GTVT TP.HCM cũng có nhiều ý kiến về việc các công trình chậm trễ do vướng công tác giải phóng mặt bằng.
Phía Sở cho hay, chi phí cho công tác giải phóng mặt bằng chiếm 50% tổng mức đầu tư), mất nhiều thời gian thực hiện các thủ tục trước khi thu hồi, bàn giao mặt bằng để triển khai thi công (thời gian từ 14 - 18 tháng, thậm chí có dự án kéo dài từ 2 - 3 năm).
Ông Bùi Hoà An, Phó giám đốc Sở GTVT TP chia sẻ, TP cần gỡ nút thắt về công tác giải phóng mặt bằng, trong đó chủ yếu tập trung vào công tác tái định cư.
Ông Bùi Hoà An, Phó giám đốc Sở GTVT TP góp ý kiến về công tác giải phóng mặt bằng. Ảnh: Thanh Tuyền
Theo ông, việc phê duyệt một phương án bồi thường phải tính toán ba phương án song song là về giá, chuyển đổi nghề nghiệp và tái định cư. Từng có 10 năm làm ở huyện Nhà Bè, ông nói chưa thấy trường hợp người dân chịu lên ở chung cư.
Ông đơn cử thêm một câu chuyện, các dự án kè đã 7-8 năm không phê duyệt được phương án tái định cư do người dân vì họ không chịu lên chung cư ở quận 7 hay quận 2.
Một điểm mâu thuẫn là tổng quỹ nhà tái định cư của TP là dư nhưng người dân không chịu ở.
Theo ông, khi người dân phải thay đổi cuộc sống, kéo theo luôn việc họ phải thay đổi sinh kế nên ảnh hướng rất lớn đến đời sống. Vì vậy, câu chuyện ổn định cuộc sống của người dân trong diện tái định cư cần được quan tâm nhiều hơn. Để làm được điều đó, cần phải có sự đồng thuận của người dân.
Ông cũng nói, Sở xây dựng đảm bảo bố trí đủ quỹ nhà tái định cư để lo cho người dân. “Nhưng người dân không nhận thì phải làm sao?”, ông Bùi Hòa An nói và cho rằng đây là câu chuyện cần quan tâm.
Ông cũng dẫn ra thêm một điểm bất cập, là khi người dân nhận tái định cư, phần nhà được bồi thường 40- 50 thước nhưng nền tái định cư là 80 thước.
“Điều này buộc người dân nhận tiền tái định cư rồi phải bỏ thêm tiền ra mua thêm phần dư ra ở nền nhận, có trường hợp người dân không còn tiền và phải xây nhà theo mẫu nên khiến người dân băn khoăn và khó đồng thuận”- ông nói.
Phó giám đốc Sở GTVT TP cho rằng, cần có cơ chế trong khu tái định cư phục vụ cho nhiều dự án để khi mình công bố, phê duyệt dự án thì người dân biết và đồng thuận.
Ông Bùi Hòa An cũng cho rằng, để đạt được hiệu quả trong công tác giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư phải coi công tác bồi thường là của mình chứ không phải là nhiệm vụ của quận, huyện.