Kỹ năng sống

Tình yêu gia đình tiếp lửa đam mê cho hoạ sĩ Anbecks

Đối diện với chiếc máy tính đang phát video dạy học về giải phẫu hình thể người trong hội họa, Thái Hà An (Anbecks, SN 1984) như đang "nuốt" từng lời giảng. Hơn 16 năm sinh sống tại Ba Lan, học kiến trúc rồi rẽ hướng sang kinh doanh, Anbecks chưa bao giờ nghĩ sẽ chọn hội họa như một công việc nghiêm túc.

Song, mọi thứ thay đổi từ bước ngoặt trở về Việt Nam đoàn tụ với gia đình. Khi đó, những bức tranh biếm họa hoạt hình dần trở thành công việc, đồng thời, là phương tiện để họa sĩ sinh năm 1984 truyền đi thông điệp về sự lạc quan, hạnh phúc trong cuộc sống.

Họa sĩ biếm họa hoạt hình Anbecks và câu chuyện về Việt Nam lập nghiệp ở tuổi 35. Video: Duy Phong

Bỏ cuộc sống ổn định về Việt Nam sống gần bố mẹ

Thay vì mỗi năm về Việt Nam một lần, năm 2015, tần suất di chuyển từ Ba Lan - Việt Nam của An rút xuống còn vài tháng. Đỉnh điểm, năm 2017, người đàn ông sinh năm 1984 về Việt Nam mỗi tháng bởi "thèm đồ ăn, cuộc sống ở nhà và nhớ bố mẹ".

An hồi tưởng cuộc sống hồi nhỏ gia đình bốn người lúc nào cũng quây quần và rộn rã tiếng cười. Sau này, khi anh định cư tại Ba Lan, em trai làm việc tại Mỹ, những lần đoàn tụ trở nên hiếm hoi hơn.

Người đàn ông U40 cũng xót xa khi mỗi lần về, anh lại thấy bố mẹ thêm già đi từng ngày. Nên dù có cuộc sống ổn định, thoải mái ở trời Tây, anh vẫn không yên lòng bởi ám ảnh những cuộc gọi lúc nửa đêm, lo lắng, bồn chồn vì nghĩ nhà có chuyện.

Theo anh, lý do duy nhất để ở lại Ba Lan là công việc. Nhưng công việc là điều có thể thay đổi được, còn gia đình, bố mẹ thì khó tách rời. "Phải chọn giữa công việc hay gia đình, tôi chọn gia đình nên quyết định về Việt Nam", anh nói. Quyết định đó khiến bố mẹ anh vui vì được gần con cái nhưng cũng lo lắng vì không biết con sẽ làm gì và liệu có thể thích nghi với cuộc sống ở Việt Nam sau quá nhiều năm xa quê.

Gia đình là điểm tựa giúp Anbecks trở về Việt Nam. Ảnh: NVCC

Gia đình là điểm tựa giúp Anbecks trở về Việt Nam. Ảnh: NVCC

Suốt những tháng đầu tiên sau khi đặt chân về nước, Anbecks cùng vợ và bố mẹ dành thời gian du lịch. "Mình trải nghiệm những thứ trước đây chưa từng làm, đến những địa điểm chưa từng đi", An nói. Mỗi sáng, anh cùng vợ chạy xe giữa những con phố tại Hà Nội để thưởng thức đồ ăn Việt - thức quà anh nhớ da diết khi còn ở trời Tây.

Đi xa lâu ngày trở về Việt Nam, có những khó khăn nhất định buộc An phải thích nghi. Anh không có quá nhiều mối quan hệ, chỉ có những người bạn thuở ấu thơ. Thời tiết Hà Nội, đặc biệt vào mùa hè cũng là thách thức anh phải vượt qua vì quen sống ở vùng khí lạnh lâu ngày.

"Mình là người Việt Nam, nên chỉ gặp khó khăn lúc đầu, nhưng đều có thể vượt qua", anh chia sẻ. An cũng cảm thấy may mắn vì trong mỗi quyết định đều có vợ đồng hành, sẻ chia vì cả hai đều yêu Việt Nam. Bố mẹ cũng là điểm tựa tinh thần trong mọi quyết định của anh.

"Học" vẽ ở tuổi 35

Lo lắng lớn nhất của Thái Hà An khi về Việt Nam là công việc. Năm 18 tuổi, anh đăng ký theo học kiến trúc bởi thích hội họa, nhưng sự khô khan, nặng về kỹ thuật nhiều hơn của nghề này không phải là điều An muốn theo đuổi. Sau khi học và làm kiến trúc vài năm, anh rẽ hướng kinh doanh, công việc mang cho anh sự ổn định về kinh tế nhưng khiến cuộc sống của anh diễn ra theo vòng lặp đều đều mỗi ngày.

Vài tháng sau khi trở về Việt Nam, trong một lần tình cờ vẽ tranh biếm họa hoạt hình các nhân vật trong bộ phim "Về nhà đi con", bức tranh được đón nhận ngoài sức tưởng tượng của An. Nhiều nghệ sĩ trong phim chia sẻ lại tranh anh vẽ trên trang cá nhân. "Một ý tưởng lóe lên trong đầu, mình có thể vẽ tranh như một công việc nghiêm túc", An nghĩ.

Bức tranh đầu tiên giúp Anbecks nhận ra niềm đam mê hội họa của mình. Ảnh: NVCC

Bức tranh đầu tiên giúp Anbecks nhận ra niềm đam mê hội họa của mình. Ảnh: NVCC

Sẵn niềm đam mê từ nhỏ với bút mực, màu sắc, toan vẽ của mẹ - một người họa sĩ truyền thống, An bắt đầu học lại ở tuổi 35. Anh đăng ký các khóa học trực tuyến ở nước ngoài, từ những lớp giải phẫu hình thể hội họa đến các lớp học về cách phối màu, tinh chỉnh bức tranh sao cho ưng mắt. Bắt đầu tìm ra niềm đam mê khi đã ở tuổi U40 nhưng mỗi ngày, anh đều học với tinh thần hối hả và nghiêm túc.

Đề tài trong tranh Anbecks có thể là bất cứ con người, sự kiện nào trong cuộc sống tạo cho anh ấn tượng mạnh. "Mình luôn nhìn các sự việc với thái độ tích cực. Thêm vào một nét vẽ đáng yêu, ngây thơ hồn nhiên, cuộc đời sẽ đẹp hơn nhiều", anh quan niệm.

Gần 2 năm kể từ khi vẽ tranh Về nhà đi con, An miệt mài học và có công việc kiếm được thu nhập đầu tiên từ tranh. Hiện, họa sĩ này làm song song việc vẽ tranh cho các đối tác, khách hàng và lan tỏa những hình ảnh tích cực, thú vị qua những bức họa trên fanpage. Trang cá nhân của Anbecks đạt hơn 380.000 lượt theo dõi, nhiều bức tranh theo dòng thời sự nhận được hàng nghìn chia sẻ từ cộng đồng mạng. Gia đình cũng là "fan cứng" khi thường xuyên chia sẻ những bức tranh anh vẽ với niềm tự hào.

"Đến với hội họa, mình được 'sống' với chính bản thân mình. Mình có thể làm việc say mê, làm việc không biết mệt mỏi", An hào hứng. Theo anh, đích đến của cuộc sống không phải là việc mình đạt được cái gì sau 10 năm, 20 năm. Mỗi ngày được làm công việc mình thích, sống cạnh những người thân yêu trên chính quê hương mình, đó là món quà.

Thái Hà An là đại diện tiêu biểu truyền cảm hứng cho tinh thần "Tiến bước sống đầy cùng gia đình", khi lựa chọn đi để trở về bên cạnh những người thân yêu. Gia đình cũng chính là điểm tựa giúp anh An tự tin hơn với niềm đam mê mới dành cho tranh biếm họa hoạt hình.

Bạn có thể trở thành nhân vật truyền cảm hứng của chuyên mục "Tiến bước sống đầy", thực hiện bởi VnExpress và FWD bằng cách chia sẻ câu chuyện tại đây.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm