Thời sự

Hiện tượng mạng Kaito Kid tiếp tục gây bão khi đoán trúng đề Văn tốt nghiệp

Ngay sau khi các thí sinh kết thúc môn thi cuối cùng - tiếng Anh của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, nhân vật bí ẩn mạng xã hội với nickname Kaito Kid lại xuất hiện và đưa ra giải mã về dự báo đề thi Ngữ văn trước khi diễn ra.

Lời giải này tiếp tục gây choáng váng bởi đáp số lại chính là "Vợ nhặt" - tác phẩm được ra trong đề thi Ngữ văn năm nay.

Cụ thể, trong bài viết về "Blue Sapphire", nhân vật ẩn danh Kaito Kid đưa ra 2 dãy số 10124027 và 14370212. Ban đầu, dãy số này được bắt nguồn từ nhân vật truyện tranh Kaito Kid được mệnh danh là "siêu trộm 1412" trong bộ truyện tranh nổi tiếng "Thám tử lừng danh Conan".

Hiện tượng mạng Kaito Kid tiếp tục gây bão khi đoán trúng đề Văn tốt nghiệp - Ảnh 1.

Lý giải của Kaito Kid về dự đoán đề Văn trước đó.

Với cách lý giải về hình tượng học đầy rắc rối, Kaito Kid đưa ra đáp án dãy số 10124027 được dịch là "Vợ nhặt"; dãy số 14370212 được dịch là "Kim Lân" - tên nhà văn sáng tác tác phẩm này.

Đi kèm lời giải thích, tài khoản ẩn danh này còn đăng tải thêm một bức ảnh được cho là chụp lại màn hình Zalo trao đổi với họa sĩ thiết kế bức ảnh dự đoán. Thời gian được hiển thị là 18h18 ngày 27/6, cách thời điểm đăng bức ảnh dự đoán gần 3 tiếng.

Bài viết của nhân vật ẩn danh này nhanh chóng lan truyền trên mạng và nhận về hàng chục ngàn lượt tương tác chỉ sau vài giờ đồng hồ.

Bên cạnh một số ý kiến đồng tình với cách lý giải của Kaito Kid thì nhiều người lại bình luận coi đây là trò đùa, suy luận không đáng tin cây. Trước đó, mọi suy đoán và phân tích về hình ảnh mà Kaito Kid chia sẻ trên facebook đều nói đến tác phẩm "Người lái đò sông Đà".

Hiện tượng mạng Kaito Kid tiếp tục gây bão khi đoán trúng đề Văn tốt nghiệp - Ảnh 2.

Kaito Kid chia sẻ thêm đoạn chụp màn hình tin nhắn để chứng thực cho lời giải thích trên.

Đánh giá về đề tốt nghiệp Ngữ văn năm nay, cô Phạm Thị Thanh Nga, giáo viên dạy Văn trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết, cấu trúc đề thi có phần quen thuộc, đảm bảo tính phân hóa tốt và có đất cho học sinh khá giỏi thể hiện.

Về phần Đọc hiểu, cô Nga đánh giá ngữ liệu giàu hình ảnh, gợi cảm xúc, gần gũi với thí sinh. Các câu hỏi được sắp xếp theo các mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao. Riêng câu 4, thí sinh cần suy ngẫm, tổng hợp.

Ở câu nghị văn học, cô Nga đánh giá dạng bài quen thuộc, không làm khó thí sinh với 2 lệnh đề. Ở lệnh đề thứ nhất, thí sinh nắm chắc kiến thức, có kỹ năng phân tích đoạn trích, hiểu được giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn trích đặt trong chỉnh thể tác phẩm.

Ở lệnh đề thứ 2, đây là lệnh đề mang tính phân hóa, học sinh khá, giỏi sẽ có đất để thể hiện, có cơ hội để bật điểm lên từ lệnh đề này. “Nhìn chung, đề thi năm nay vừa sức, không đánh đố hay làm khó thí sinh”, cô Thanh Nga đánh giá.

Theo TS Trịnh Thu Tuyết, giáo viên hệ thống giáo dục HOCMAI, đề chia theo bốn mức độ nhận thức: Nhận biết – Thông hiểu – Vận dụng – Vận dụng cao.

Nhìn chung, phần Đọc hiểu khá vừa sức với thí sinh nhưng có thể sẽ khó tìm được những bài làm sáng tạo, độc đáo, trước hết bởi hệ thống câu hỏi vẫn theo hướng giảm tải như nhiều năm nay khi đưa ra tới 2 câu hỏi ở mức độ nhận biết.

Câu hỏi vận dụng về cơ bản lặp lại yêu cầu như câu hỏi số 3 trong đề thi tốt nghiệp THPT năm 2022; câu hỏi vận dụng cao một mặt có thể giúp những thí sinh có sự trải nghiệm và suy tư sâu sắc thể hiện được quan điểm, chính kiến của mình về cách nghĩ, cách sống, nhưng mặt khác cũng có thể tạo điều kiện cho một số thí sinh đưa ra những suy nghĩ hời hợt, khuôn mẫu và sáo rỗng.

Khả năng phân loại của đề vẫn là sự phân loại của các mức độ đọc hiểu và cảm thụ văn bản, sự phân loại chủ yếu được ghi nhận bởi cách đánh giá tinh tế, chính xác của giám khảo.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm