Phong cách sống

Tỉnh táo đi, đây là 3 cách khiến bạn rất dễ trở thành “chúa chổm” thông qua thẻ tín dụng

Có người dùng thẻ tín dụng, không những không mắc nợ mà ngược lại, còn “tiết kiệm” được tiền nhờ tận dụng tính năng ưu đãi hoàn tiền; nhưng đồng thời, cũng có người dùng thẻ tín dụng rồi ngập trong nợ nần, mãi không thể thoát ra.

Đâu là sự khác biệt giữa hai nhóm người này? Câu trả lời đơn giản, dễ hiểu nhất có lẽ là sự tỉnh táo. Người không mắc nợ thẻ tín dụng có mục tiêu, quy tắc rõ ràng khi dùng thẻ; nhóm còn lại thì không.

Để bản thân không rơi vào “nhóm còn lại” ấy, bạn cần hiểu rõ thủ thuật kiếm lời của ngân hàng từ dịch vụ thẻ tín dụng.

Về vấn đề này, Nguyễn Hữu Trí - Founder Học viện kỹ năng Awake Your Power, từng là 1 trong 3 sinh viên tốt nghiệp với thành tích cao nhất tại trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS), đã có những chia sẻ cụ thể như sau, về những “cái bẫy” của thẻ tín dụng.

Tỉnh táo đi, đây là 3 cách khiến bạn rất dễ trở thành “chúa chổm” thông qua thẻ tín dụng- Ảnh 1.

Nguyễn Hữu Trí

1 - Ảo tưởng dư dả

Mỗi ngân hàng sẽ có một quy định khác nhau về lịch sử tín dụng, cũng như mức lương tối thiểu với khách hàng có nhu cầu mở thẻ tín dụng. Điểm chung ở đây chính là hạn mức tín dụng có thể cao gấp nhiều lần thu nhập của bạn trong một tháng. Đây chính là cái bẫy ảo tưởng dư dả.

Ví dụ, lương của bạn là 15 triệu/tháng, ngân hàng có thể cấp cho bạn thẻ tín dụng với hạn mức 50 triệu. Điều này không có nghĩa là bạn đang có 50 triệu, nhưng bạn lại có cảm giác như thể mình đang thực sự có 50 triệu. Lúc này, hành vi tiêu dùng của các bạn sẽ nương theo con số 50 triệu; chứ không còn nằm ở 15 triệu nữa.

“Chỉ cần bạn duy trì hành vi tiêu dùng như vậy trong một vài năm, thậm chí là vài tháng, chẳng mấy chốc sẽ đến lúc mức chi tiêu hàng tháng của bạn sẽ vượt qua mức thu nhập hàng tháng. Đó chính là lúc ngân hàng sẽ kiếm được những đồng tiền lãi suất đầu tiên” - Nguyễn Hữu Trí chia sẻ.

Tỉnh táo đi, đây là 3 cách khiến bạn rất dễ trở thành “chúa chổm” thông qua thẻ tín dụng- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Trong trường hợp mức chi tiêu của bạn tăng rất chậm và không vượt quá mức thu nhập, đồng thời, luôn duy trì việc thanh toán toàn bộ dư nợ đúng hạn, ngân hàng chắc chắn sẽ có “những sự điều chỉnh”.

“Ngân hàng có thể tăng hạn mức thẻ tín dụng của bạn, từ 50 triệu lên 70 triệu, hoặc từ 70 triệu lên 100 triệu,...” - Nguyễn Hữu Trí khẳng định.

Lúc này, nếu không có đủ tỉnh táo để từ chối nâng hạn mức, hoặc không duy trì được việc thanh toán dư nợ đầy đủ, đúng hạn, cũng chẳng mấy chốc, bạn sẽ rơi vào vòng xoáy tiêu nhiều hơn kiếm, và rồi phải trả cả đống tiền lãi cho ngân hàng vì không có khả năng “trả nợ”.

2 - Nới dài thời gian không tính lãi suất

Nguyễn Hữu Trí gọi đây là “điều chỉnh tinh tế thứ 2” của các ngân hàng với dịch vụ thẻ tín dụng.

“Ban đầu, thời gian miễn lãi suất có thể là 30 ngày, rồi sau đó là 45 ngày, 55 ngày,... Sự điều chỉnh này là rất thiện chí với người dùng thẻ, nhưng mặt trái của nó chính là với thời gian lâu như vậy, bạn hoàn toàn có thể quên mất các khoản chi tiêu của mình, không có ý thức tiết kiệm để trả lại số tiền mình đã tiêu. Qua thời gian miễn lãi, nếu không chuẩn bị để có đủ tiền thanh toán thẻ tín dụng, đương nhiên bạn sẽ phải trả lãi cho ngân hàng” - Nguyễn Hữu Trí giải thích.

3 - Thanh toán dư nợ tối thiểu

Thay vì thanh toán toàn bộ số tiền đã sử dụng từ thẻ tín dụng, ngân hàng sẽ cho phép bạn thanh toán một phần - gọi là dư nợ tối thiểu, thường là 5% tổng số tiền bạn đã chi tiêu từ thẻ.

Nguyễn Hữu Trí gọi đây là “phương thức dễ thương và khéo léo”.

“Thực hiện thanh toán mức tối thiểu đó, bạn sẽ không bị liệt vào nhóm nợ xấu, không bị khóa thẻ tín dụng. Tháng sau, nếu thẻ của bạn còn hạn mức, bạn vẫn có thể chi tiêu. Tuy nhiên, nêú chỉ trả đúng mức tối thiểu, ngân hàng sẽ có thể áp được lãi suất 40% trên toàn bộ dư nợ” - Nguyễn Hữu Trí giải thích.

Tỉnh táo đi, đây là 3 cách khiến bạn rất dễ trở thành “chúa chổm” thông qua thẻ tín dụng- Ảnh 3.

Nguyễn Hữu Trí

Sau khi chỉ ra 3 phương thức ngân hàng kiếm lời từ dịch vụ thẻ tín dụng, Nguyễn Hữu Trí cũng chia sẻ kinh nghiệm dùng thẻ tín dụng của bản thân, gói gọn trong 2 điều.

Thứ nhất, luôn thanh toán toàn bộ dư nợ tín dụng, thay vì thanh toán dư nợ tối thiểu.

Thứ hai, luôn đảm bảo: Thu nhập hàng tháng + Tiết kiệm khẩn cấp >= Hạn mức tín dụng. Việc này nhằm đảm bảo khả năng thanh toán toàn bộ dư nợ tín dụng trong trường hợp bạn dùng hết hạn mức thẻ tín dụng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm