Khoa học

Phát hiện thêm bò tót ở Vườn quốc gia Phước Bình

Bò tót được thiết bị bẫy ảnh chụp được trong rừng tự nhiên của Vườn quốc gia Phước Bình - Ảnh: Vườn quốc gia Phước Bình

Bò tót được thiết bị bẫy ảnh chụp được trong rừng tự nhiên của Vườn quốc gia Phước Bình - Ảnh: Vườn quốc gia Phước Bình

Ngày 3-4, ông Nguyễn Ngọc Minh - phó giám đốc phụ trách Ban quản lý Vườn quốc gia Phước Bình - cho biết từ tháng 10-2023 đến nay, qua điều tra, vườn đã ghi nhận có thêm bò tót.

Theo ông Minh, kết quả điều tra thử nghiệm ghi nhận tại hai tuyến giám sát ở suối Gia Nhông và suối Đá Đen đã phát hiện dấu chân, dấu phân thải, bãi nghỉ, vết cà xước trên cây của bò tót.

Mỗi điểm ước lượng có dấu vết từ 4 đến 7 con bò tót trưởng thành.

Bò tót có tên khoa học là Bos gaurus, Sách đỏ Việt Nam xếp bò tót vào nhóm nguy cấp (EN) và nhóm IB, Danh lục đỏ IUCN xếp vào nhóm sắp nguy cấp (VU).

Ngoài ra, Vườn quốc gia Phước Bình cũng phát hiện thêm nhiều vượn đen má vàng và chà vá chân đen.

"Để có được những kết quả trên, các chuyên gia đã sử dụng phương pháp điều tra theo tuyến, điểm, lắp đặt bẫy ảnh chụp, quay phim giám sát sự hoạt động của bò tót, các loài động vật khác với thời gian theo dõi liên tục ít nhất 2 tháng.

Những thông tin ghi nhận nhiều con bò tót và động vật quý hiếm, sẽ là nền tảng khoa học tin cậy để thực hiện các nhiệm vụ quản lý về bảo tồn đa dạng sinh học trong giai đoạn tiếp theo" - ông Minh nói.

Vườn quốc gia Phước Bình có tổng diện tích khoảng 25.000ha, là một trong hai vườn quốc gia của tỉnh Ninh Thuận có vị trí đặc biệt trong bảo tồn đa dạng sinh học. 

Khu vực này là nơi chuyển tiếp, giao thoa giữa hệ sinh thái rừng thường xanh núi cao của khu vực cao nguyên Langbiang và hệ sinh thái đất thấp Nam Việt Nam.

Bò tót đực phát hiện trước đây để lại nhiều bò tót lai ở Phước Bình

Ông Minh cho biết riêng bò tót, từ năm 2009 đến năm 2015, tại vùng đệm của Vườn quốc gia Phước Bình có một con bò tót đực thường xuyên xuất hiện, nhập vào đàn bò của nông dân ở thôn Bạc Ray 2.

Con bò tót trên có chiều cao 1,7 mét, thân dài hơn 2 mét, nặng khoảng 1 tấn.

Sau hơn 6 năm, con bò tót đực trên lai tạo với đàn bò cái nhà, sinh sản đàn bê lai khoảng 20 con.

Những bê lai bò tót mau lớn hơn các bê nhà cùng độ tuổi; về ngoại hình, bê không có u vai và yếm rốn; đầu hơi nhỏ, trán rộng và lõm; mặt hình chữ V; sừng nhọn và phát triển sớm. Sau 3 - 4 tháng tuổi, màu lông bê lai chuyển dần sang nâu đen toàn thân.

Cá thể bò tót lai được nuôi dưỡng khỏe mạnh tại Vườn Quốc gia Phước Bình - Ảnh: DUY NGỌC

Cá thể bò tót lai được nuôi dưỡng khỏe mạnh tại Vườn quốc gia Phước Bình - Ảnh: DUY NGỌC

Tuy nhiên, sau đó vào năm 2015, con bò tót đực đã chết do già yếu. Tiêu bản gồm có bộ da, cặp sừng và bộ xương con bò tót được trưng bày giới thiệu tại Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường rừng.

Từ năm 2013, dự án nuôi bò tót lai tại Vườn quốc gia Phước Bình với tổng vốn đầu tư gần 2 tỉ, được triển khai tại 2 tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm