Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, lũy kế thanh toán vốn đầu tư công từ đầu năm đến hết tháng 2 là trên 53.064 tỷ đồng, đạt 7,65% tổng kế hoạch vốn.
Ước thanh toán đến hết tháng 3 trên 89.874 tỷ đồng, đạt 12,96% tổng kế hoạch; đạt 13,67% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2023 cả về số tương đối (năm ngoái đạt 10,35%) và tuyệt đối (cao hơn 16.500 tỷ đồng).
Có 4/44 bộ, cơ quan trung ương và 30/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt gồm: Bộ Xây dựng (41,44%); Đài Truyền hình Việt Nam (trên 40%); Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (29,6%); Tiền Giang (30,51%); Phú Thọ (30,08%); Hậu Giang (29,4%); Sơn La (29,1%)…
23 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân 0%
Đáng chú ý, theo Bộ Tài chính, vẫn còn 23 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân 0%, có 15 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 10%.
Trong khi đó, kết quả giải ngân các dự án quan trọng quốc gia đạt tỷ lệ giải ngân thấp hơn tỷ lệ bình quân chung tháng 2 của cả nước với tổng số vốn giải ngân của 9 dự án quan trọng quốc gia ngành Giao thông vận tải là trên 7.332 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 8,3% kế hoạch năm 2024 được giao (trên 88.032 tỷ đồng).
Có 20/44 bộ, cơ quan trung ương và 35/63 địa phương chưa phân bổ hoặc phân bổ chưa hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là 25.654,7 tỷ đồng, chiếm, 3,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Hơn nữa, việc chưa phân bổ một lượng vốn tương đối lớn đã ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn NSNN những tháng đầu năm 2024, bởi tính đến thời điểm báo cáo còn khoảng 25.654,7 tỷ đồng chưa phân bổ chi tiết, bằng 3,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã phân bổ chi tiết cho các dự án nhưng không đủ điều kiện...
Theo Bộ Tài chính giải ngân vốn đầu tư chậm là do các vướng mắc đã tồn tại trong thời gian dài về cơ chế chính sách, công tác giải phóng mặt bằng với trọng tâm là việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, giá nguyên liệu...
Đồng thời, trong những tháng đầu năm, chủ đầu tư các dự án khởi công mới đang tập trung triển khai hoàn thiện thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà thầu, thiết kế chi tiết... Vì vậy, các dự án hầu hết chưa có nhiều khối lượng công việc hoàn thành để nghiệm thu, thanh toán giải ngân.
Giải ngân đầu tư công có thể về đích năm 2024
Nhìn nhận kết quả này, ông Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho biết, đầu tư công đã có một quá trình rất dài suốt mấy năm nay để tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
Chính phủ cùng các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố đều rất quyết liệt thúc đẩy giải ngân. Đặc biệt, tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm cũng được đẩy nhanh trên khắp cả nước.
Với tốc độ và tiến độ như thời gian vừa qua, ông Đinh Trọng Thịnh tin tưởng giải ngân đầu tư công có thể về đích trong năm 2024. Tuy vậy, nếu một khâu bị chậm sẽ kéo theo toàn bộ tiến độ dự án bị chậm và giảm tăng trưởng. Vì vậy, các địa phương và chủ dự án cần có sự chuẩn bị và kết hợp tốt hơn.
Cụ thể, các chủ đầu tư dự án và người đứng đầu các địa phương phải thường xuyên trao đổi với nhau, để tìm ra những rào cản và chủ động giải quyết. Nếu không giải quyết được, cần yêu cầu các đơn vị liên quan xử lý ngay, tạo điều kiện thông thoáng nhất cho quá trình thực thi dự án.
Còn chủ đầu tư phải là người “đi sâu, đi sát” kiểm tra, giám sát chất lượng của các dự án, xác định và kí kết các khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành. Từ đó, giúp cho các doanh nghiệp thi công có văn bản gửi cho cơ quan cấp tiền nhằm thực hiện nhanh hơn vòng quay vốn cho doanh nghiệp.
“Nếu có vướng mắc về điều kiện thi công như nguyên liệu, máy móc thiết bị, chính quyền địa phương là người kết hợp với chủ dự án để điều phối các nguồn lực từ các dự án khác đến các dự án đang gặp khó khăn. Lúc đó mới đáp ứng được yêu cầu vừa giải ngân được đúng tiến độ, vừa đảm bảo chất lượng của dự án.” ông Thịnh nhấn mạnh.
"Hầu hết các dự án đến phải vay vốn đầu tư và phải trả lãi ngân hàng. Nếu không có mặt bằng sạch thì không thể triển khai được dự án xây dựng. Vì vậy, có những dự án mất 2 năm giải phóng mặt bằng, không chỉ lãng phí tiền của của dự án thi công mà còn khiến cho dự án chậm hoàn thành khi đưa vào sử dụng và khiến hiệu quả kinh tế xã hội kém đi", ông Thịnh nêu rõ.
Vì vậy, vị chuyên gia này cho rằng, đối với các dự án đang gặp khó khăn mà bộ ngành và địa phương không giải quyết được, người đứng đầu cần thông tin đến Tổ công tác của Thủ tướng - nơi tháo gỡ khó khăn một cách nhanh nhất. Về lâu dài, cơ quan làm luật cần phải sửa đổi các hệ thống văn bản pháp luật, cần thay đổi những quy định để thủ tục đầu tư đơn giản hơn, đặc biệt là thủ tục về điều chỉnh đầu tư cũng cần đơn giản hơn.