Ngày 4-4, Thường trực Thành ủy Cần Thơ có buổi làm việc với Sở Lao động -Thương binh và Xã hội về việc giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động trên địa bàn năm 2024.
Theo báo cáo của Sở Lao động -Thương binh và Xã hội trong quý I/2024, thành phố đã giải quyết việc làm cho 14.775 lao động (đạt 29,2% chỉ tiêu kế hoạch năm 2024), tăng 15,92% so với năm 2023.
Thành phố có 28 doanh nghiệp đang hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong 3 tháng đầu năm, các doanh nghiệp đã đưa 224 lao động đi làm việc ở ngoài nước theo hợp đồng tại các thị trường: Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và các thị trường khác (đạt 47,66% so với kế hoạch năm).
Bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, cho hay vừa qua HĐND TP thông qua Nghị quyết số 11/2023/NQ-HĐND và có quy định người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ được vay tối đa 100 triệu đồng.
Tuy nhiên, bà Mai cũng nhìn nhận thành phố chủ yếu cung cấp nguồn lực lao động phổ thông là nhiều, đối với lao động có kỹ năng nghề và lao động chất lượng cao thì chưa đáp ứng cho thị trường trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, đề nghị đối với các chính sách từ Nghị quyết số 11 thì quận, huyện, phường, xã cần tuyên truyền, phố biến sâu rộng cho người lao động biết để thực hiện và thụ hưởng chính sách.
Đối với việc người lao động được vay tối đa 100 triệu đồng nêu trên, Bí thư Thành ủy đề xuất Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tìm nguồn vốn từ ngân sách hoặc các nguồn lực bên ngoài để hỗ trợ lãi vay cho người lao động, họ chỉ cần trả dần tiền gốc. Điều này nhằm thúc đẩy nhiều người lao động đi làm việc tại nước ngoài, cải thiện kinh tế gia đình và nâng cao tay nghề.
"Không để người lao động "tự bơi" mà chúng ta phải có chính sách đồng hành cùng họ. Đồng thời, cần hỗ trợ để người lao động có kiến thức, kỹ năng khi tham gia thị trường lao động trong và ngoài nước" – ông Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh.
Hiện nay TP Cần Thơ đang triển khai khu công nghiệp VSIP, dự kiến cuối năm nay bàn giao cho nhà đầu tư thứ cấp và xây dựng nhà máy. Đồng thời, sắp tới thành phố còn nhiều khu công nghiệp khác khi đó sẽ rất cần nhu cầu lao động, nhất là lao động có tay nghề. Vì vậy, Bí thư Nguyễn Văn Hiếu yêu cầu phải có chương trình đưa người lao động làm việc tại nước ngoài và khi họ trở về chính là nguồn nhân lực của thành phố.
Nhiều hỗ trợ cho người lao động đi làm việc tại nước ngoài
Ngày 8-12-2023, HĐND TP Cần Thơ thông qua Nghị quyết 11/2023/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp, việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp.
Tại Điều 5 của nghị quyết quy định người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có mức vay bằng 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ký kết giữa người lao động và doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và không vượt quá 100 triệu đồng; người lao động vay vốn tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP Cần Thơ để ký quỹ đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS có mức vay bằng mức tiền ký quỹ được thỏa thuận giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam với Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc, không vượt quá 100 triệu đồng.
Ngoài ra, người lao động còn được hỗ trợ 100% học phí của khóa học (nhưng không vượt quá 2 triệu đồng/người/khóa học), tiền học ngoại ngữ (3 triệu đồng/người/khóa học); tiền đi lại (200.000 đồng/người/khóa học, nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi thường trú từ 15 km trở lên) và chi phí khám sức khỏe (750.000 đồng/người).