Khoa học

Sinh viên rủ nhau sống xanh

Hàng ngàn bức ảnh ghi lại nhật ký 7 ngày sống xanh được các sinh viên chia sẻ trên mạng xã hội kèm theo hashtag #chiendichSongxanhTPHCM - Ảnh: NVCC

Hàng ngàn bức ảnh ghi lại nhật ký 7 ngày sống xanh được các sinh viên chia sẻ trên mạng xã hội kèm theo hashtag #chiendichSongxanhTPHCM - Ảnh: NVCC

Chỉ cần gõ hashtag #chiendichSongxanhTPHCM trên Facebook sẽ thấy hàng ngàn bài đăng vào cuối tháng 3-2024 của các bạn sinh viên TP.HCM. Mỗi bài đăng tương ứng với một ngày hoàn thành nhiệm vụ của từng bạn, kể lại chuyện đã vượt qua thử thách ra sao, những câu chuyện đặc biệt trong ngày và cảm nhận chia sẻ với bạn bè trên Facebook.

Sống xanh lan tỏa

Bạn Nguyễn Tiến Khôi - phó bí thư Đoàn Trường ĐH Tài chính - Marketing, tổ chức sân chơi này - cho biết mỗi ngày chuỗi thử thách có một chủ đề khác nhau. Ngày 1 - Nói không với ly nhựa, Ngày 2 - Tạm biệt túi nilông, Ngày 3 - Trồng một cây, Ngày 4 - Tái chế, Ngày 5 - Sống khỏe, Ngày 6 - Đi phương tiện công cộng, Ngày 7 - Tiết kiệm nước.

Tiến Khôi nói sinh viên có thể chọn bất cứ hoạt động nào phù hợp, không nhất thiết quá lớn lao, chỉ cần những hành động nhỏ, đơn giản nhưng dễ hình thành thói quen và có tính lan tỏa. Chẳng hạn ngày không dùng ly nhựa chỉ cần sinh viên mang theo một bình nước cá nhân đến trường; ngày giao thông xanh thì dẹp xe máy mà đi buýt, xe đạp hay đi bộ; ngày tái chế thì có thể gom pin cũ vốn luôn có trong mọi nhà để đem tới những địa điểm tái chế rác điện tử...

Mỗi sinh viên được xem là hoàn thành chuỗi thử thách và nhận được danh hiệu "Sống xanh" khi thực hiện nhiệm vụ 5/7 ngày.

Điều chúng mình bất ngờ nhất là sau 7 ngày, thử thách thu hút được hơn 15.000 lượt sinh viên tham gia, khoảng 2.000 lượt mỗi ngày. Nhiều bạn không phải là sinh viên của trường cũng hưởng ứng và chia sẻ những câu chuyện thú vị sau 1 tuần thử thách trên Facebook.
Nguyễn Tiến Khôi

7 ngày để hình thành thói quen

Mỹ Ngân (20 tuổi), sinh viên ngành marketing tại Trường ĐH Tài chính - Marketing, chia sẻ mỗi ngày thực hiện thử thách, ban tổ chức có đưa ra gợi ý những việc mà người chơi có thể thực hiện đúng với chủ đề. Không ít lần Ngân phải ồ lên vì biết được những thứ tưởng chừng rất nhỏ nhưng nếu duy trì sẽ tạo được tác động lớn.

Như trong ngày tiết kiệm nước, thử thách mách các bạn có thể dùng nước vo gạo tưới cây, rửa chén... Ngân nói đây là điều rất mới mẻ với bạn, vì từ trước đến nay bạn chưa từng nghĩ đến cách tiết kiệm nước này.

"Lúc đầu mình thấy lạ lắm nhưng sau đó mình cảm thấy mình quá phụ thuộc vào hệ thống tưới cây mà quên mất có những cách tận dụng vô cùng hữu hiệu lại không tốn kém" - Mỹ Ngân tâm sự.

Sau chuỗi thử thách sống xanh, Ngân không chỉ hình thành thói quen dùng nước vo gạo tưới cây mà còn siêng đem theo túi vải thay cho túi nilông, mang theo bình nước cá nhân khi mua cà phê, trà sữa thay vì nhận ly nhựa. Túi vải và bình nước cá nhân trở thành vật "bất ly thân" của Ngân cả trong lẫn ngoài giảng đường.

Còn Thảo My (21 tuổi) - sinh viên ngành marketing - kể bạn luôn tự ti vì mình không khéo tay. Nhưng tới ngày tái chế, bạn bạo dạn làm chậu cây từ chai nhựa và thành công ngoài mong đợi. Bức ảnh chậu cây "handmade" này nhận được nhiều lượt bình luận khen trên Facebook.

"Khi làm xong chậu cây tuy không được đẹp nhưng mình cảm thấy vô cùng tự hào vì mình không chỉ vượt qua được chính rào cản của bản thân mà còn giảm thiểu được rác thải nhựa và giúp khu vườn của mình thêm dễ thương" - My vui vẻ nói.

"7 ngày sống xanh" không chỉ là thử thách mà còn là bước đệm cho công việc của một số bạn. Thùy Trang (22 tuổi) - sinh viên ngành thương mại quốc tế - là một trong số đó.

Bạn kể mình đang làm thêm cho một doanh nghiệp logistics bền vững (ESG), ở đó các hoạt động của công ty luôn hướng đến mục tiêu giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Những trải nghiệm từ một tuần thử thách giúp bạn có thêm những bài học về môi trường để biến thành những chương trình cụ thể trong công ty.

Cụ thể, Thùy Trang đã "lôi kéo" các anh chị đồng nghiệp trong công ty cùng tham gia và được mọi người hưởng ứng rất tích cực. Trong ngày sống khỏe, cô bạn mạnh dạn cùng đồng nghiệp đăng ký tham gia một giải đi bộ tại Sài Gòn để hoàn thành thử thách. Hoạt động này không chỉ giúp Trang rèn luyện thể chất mà còn gắn kết tình đồng nghiệp.

Vượt ra ngoài khuôn khổ trường đại học

Thời gian gần đây, nhiều nhóm sinh viên tại các trường đại học ở TP.HCM bắt tay vào các dự án sáng tạo lan tỏa lối sống xanh. Đầu tháng 3-2024, các sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM đến nhiều chung cư tại huyện Nhà Bè tổ chức chương trình đổi rác lấy quà. Người dân chỉ cần mang 20 bao nilông hoặc 15 chai nhựa là được nhận một phần quà, có thể là ly sứ, chậu cây...

Sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng hưởng ứng những thử thách sống xanh do Đoàn trường phát động trong tháng 3 vừa qua. Những thử thách cũng không kém phần thú vị như học cách phân loại rác hay ý thức không lãng phí thức ăn bằng cách nấu ăn vừa đủ và ăn hết đồ ăn mỗi bữa. Sự kiện tạo được sự lan tỏa trong cộng đồng sinh viên nhà trường.

Còn ĐH Kinh tế TP.HCM cũng vừa tổ chức xong Ngày hội sống xanh (UEH Green Day) với chuỗi các hoạt động trong cùng một ngày, thu hút khoảng 5.000 sinh viên. Một trong những hoạt động tạo điểm nhấn trong ngày hội là Workshop Eco Fashion - nơi sinh viên được tự tay biến tấu vải từ những chiếc quần jean bỏ đi thành những phụ kiện thời trang độc đáo như giỏ, túi xách...

Cùng chuyên mục

Đọc thêm