Ngày 14/12, Báo Xây dựng phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo “Động lực phát triển kinh tế Việt Nam 2023”.
Tại hội thảo, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhắc lại mục tiêu xuyên suốt của Việt Nam là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thúc đấy phục hồi và tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã hội.
Ông đánh giá mọi việc diễn ra thuận lợi đến đầu quý III, sau đó từ nửa cuối quý III xuất hiện nhiều thách thức khiến việc thực hiện đầy đủ các mục tiêu trên khó khăn hơn rất nhiều.
Theo TS. Võ Trí Thành, từ đầu năm đến đầu quý III, kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh hơn kỳ vọng rất nhiều. Trong quá trình phục hồi đó ẩn chứa nhiều vấn đề như hệ thống ngân hàng xuất hiện vấn đề thanh khoản, tín dụng tăng nhanh trong khi huy động tăng chậm. Tính trung bình, ngân hàng huy động được 100 đồng thì cho vay đến 90 đồng.
Giữa nhiều áp lực, Ngân hàng Nhà nước buộc phải tăng lãi suất điều hành hai lần, chấp nhận để cho VND mất giá gần 9%.
“Hệ thống ngân hàng hiện nay tốt hơn rất nhiều so với giai đoạn 2012-2013, tuy nhiên vấn đề về thanh khoản cùng với một số sai phạm cũng ít nhiều gây ra rung lắc với một số ngân hàng”, ông nói.
Về việc nới room tín dụng, ông cho rằng đây là tín hiệu tích cực cho thấy Chính phủ luôn sẵn sàng linh hoạt chính sách. Khi thanh khoản, tỷ giá đỡ áp lực hơn, Fed và một số nền kinh tế giảm cường độ tăng lãi suất, chúng ta ngay lập tức linh hoạt nới room.
Nhận định về năm tới, ông cho rằng áp lực về tỷ giá, lãi suất sẽ giảm đi nhưng áp lực lạm phát vẫn còn đó.
“Cần lưu ý lạm phát cơ bản (không tính biến động giá năng lượng, thực phẩm) – chỉ số rất nhạy cảm với chính sách tiền tệ nhiều năm đều ở mức dưới 1% thì nay đã tăng trên 4%. Ngoài ra sắp tới gần như chắc chắn chúng ta sẽ điều chỉnh giá điện sau 3 năm giữ nguyên và 1/7/2023 sẽ tăng lương cơ sở”, TS. Võ Trí Thành nói.
Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh dư địa chính sách tiền tệ không còn quá nhiều, trong khi đó dư địa tài khóa khá dồi dào.
Dự báo về một số lĩnh vực, ông cho rằng đầu tư tư nhân khó có đột biến do vẫn còn nhiều khó khăn, lĩnh vực du lịch khó đạt mục tiêu đón 5 triệu khách nước ngoài năm nay. Ngoài ra, xuất khẩu năm tới chắc chắn sẽ vẫn giảm do thế giới có nguy cơ suy thoái. Ông cũng kỳ vọng nhiều vào đầu tư công và nhấn mạnh đây sẽ là động lực quan trọng.
Một vấn đề khác nữa được TS. Võ Trí Thành đề cập đến là nhìn trong giai đoạn 3 năm, thì không phải cung tiền bị thắt chặt. "Năm 2020 và 2021 cung tiền đều tăng khoảng 10%, năm nay tính đến nay tăng khoảng 7%, tín dụng tăng 14% và ước tăng trưởng kinh tế là 8%", ông nói.