Công nghệ

eJoy đoạt giải quán quân Startup Việt 2022

Chung kết Startup Việt 2022 diễn ra chiều 14/12 tại TP HCM, thu hút hàng trăm người tham dự, trong đó có đại diện các công ty khởi nghiệp và các chuyên gia trong ngành. Chương trình do VnExpress tổ chức thường niên này được đánh giá là một trong những sự kiện lớn nhất của giới khởi nghiệp.

Điểm nhấn sự kiện là vòng thi pitching của Top 5 startup, gồm SSSMarket, Gadget, eJoy, SaleMall và Metain. Đại diện các đội thuyết trình trực tiếp dự án trên sân khấu và phản biện hội đồng chuyên môn, trước sự chứng kiến của hàng trăm khán giả và hàng chục nghìn độc giả theo dõi qua livestream của VnExpress.

5 startup tham gia pitching

Mở đầu là Trần Vũ Anh trình bày dự án SSSMarket mang tham vọng thay đổi ngành hàng thời trang. Theo nhà sáng lập này, thị trường thời trang đang có tiềm năng lớn, đạt doanh thu cao trên các sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên đây cũng là ngành tạo nên khả năng gây ô nhiễm khi mỗi năm có hơn 400 tỷ USD sản phẩm thời trang bị bỏ đi, hơn 80% số quần áo trong tủ đồ mỗi người không được dùng. Do đó SSSMarket ra đời mong muốn hướng đến thời trang bền vững, trải nghiệm mua sắm tốt đẹp hơn, kết hợp các yếu tố: social, cộng đồng, trải nghiệm mua sắm, chia sẻ.

Trước câu hỏi của ban giám khảo về sự khác biệt, Vũ Anh cho biết điểm nhấn SSSMarket được tạo bởi việc ứng dụng AI, cá nhân hóa khám phá, đa dạng hóa, hợp tác với các đơn vị thời trang xanh. Đồng thời đơn vị cũng lên kế hoạch thu mua, chế biến lại các rác thải thời trang, tái tạo vòng đời sản phẩm. Ý tưởng này cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực từ hội đồng chuyên môn và khán giả.

Bà Nguyễn Quỳnh Trâm - Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam đặt câu hỏi cho các đội thi. Ảnh:Quỳnh Trần

Bà Nguyễn Quỳnh Trâm - Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam đặt câu hỏi cho các đội thi. Ảnh:Quỳnh Trần

Tiếp đến là đại diện Gadget trình bày giải pháp công nghệ Callio chuyên cung cấp giải pháp quản lý nhân viên kinh doanh, nhân viên quản lý khách hàng của doanh nghiệp, giúp tương tác với khách hàng thông qua Internet. Tuy nhiên theo ban giám khảo, mô hình này có thể khiến người dùng đối diện nhiều cuộc gọi rác. Về vấn đề này, đại diện Callio cho biết hệ thống đã phát triển tính năng chặn cuộc gọi rác. Hiện những doanh nghiệp muốn tư vấn qua tổng đài phải đăng ký với Bộ Thông tin và Truyền thông. Callio cũng áp dụng hình thức này để tăng kiểm soát, tránh tình trạng cuộc gọi rác.

Còn Điệp Bùi - đại diện eJoy - cho biết dự án này ra đời xuất phát từ nhu cầu mong muốn học cách học tiếng Anh qua các chương trình phim ảnh, bài hát..., tạo ra giải pháp phát triển dựa trên nội dung Netflix và YouTube. Sự khác biệt trong mô hình này không chỉ tạo ra khóa học mà còn giúp người dạy tự thiết kế chương trình học. Dự án nhận nhiều câu hỏi từ hội đồng chuyên môn về vấn đề công nghệ và bản quyền. Đại diện eJoy cho biết đang hợp tác với những nhà phát triển nội dung để hoàn thiện, phát triển công nghệ tích hợp, dùng công cụ chia sẻ, kết nối đến eJoy để tạo bài học, đảm bảo vấn đề bản quyền, cá nhân hóa chương trình học thông qua hai yếu tố AI và từ chính người dùng.

"Người dùng cũng có thể tận dụng nhiều nguồn lực trên ứng dụng để thay đổi bài giảng của mình chứ không bó hẹp trong giáo trình. Tức con người có thể tự chủ động thay đổi, cá nhân hóa cho bài giảng", Diệp Bùi nhấn mạnh.

Startup thứ tư tham gia pitching là Salemall. CEO Salemall cho biết, bức tranh về thương mại điện tử tại Việt Nam có hướng phát tiển tốt, cho phép doanh nghiệp phát triển đa nền tảng có cơ hội lớn. Được giám khảo đặt vấn đề về doanh thu và chiến lược trong thời gian tới, vị này chia sẻ nền tảng đang có mức doanh thu ổn định, đang tập trung phát triển ở thị trường Việt Nam và Đông Nam Á. Năm 2021, nền tảng này thu lợi nhuận đạt 500.000 USD.

Phần thuyết trình cuối cùng đến từ Metain. Trần Nhân, CEO công ty, cho biết mình khao khát tạo ra một nền tảng đầu tư bất động sản mà giải quyết đồng thời ba câu hỏi:bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, có bên thứ ba quản lý‎, có bên thứ ba giữ tài sản? Mất ba năm, Nhân đã tìm ra lời giải: Metain ứng dụng blockchain đề bình đẳng hóa cơ hội đầu tư cho nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Khi được hỏi về vấn đề pháp lý, CEO Metain cho biết, đi theo mô hình thành lập công ty và đăng ký tại Ủy ban chứng khoán ở Mỹ, sau đó là thành lập công ty tại Việt Nam sở hữu tài sản việt Nam, theo mô hình công ty nước ngoài đàu tư vào công ty Việt Nam.

Đại diện eJoy nhận giải quán quân Startup Việt 2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Đại diện eJoy nhận giải quán quân Startup Việt 2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Sau quá trình đánh giá, chấm điểm, ban tổ chức đã công bố eJoy - ứng dụng học tiếng Anh trên đa nền tảng, đã trở thành quán quân Startup Việt 2022, nhận giải gồm 50 triệu đồng tiền mặt và gói truyền thông trị giá 200 triệu đồng.

Xem diễn biến chính

Cùng chuyên mục

Đọc thêm