TAND huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên) vừa đưa các bị cáo Nguyễn Minh Hưng (SN 1983, trú tại Thái Bình); Lê Văn Hùng (SN 1984, trú tại Thái Nguyên) và Phan Tuấn Anh (SN 1986, trú Thái Bình) về tội "Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp" ra xét xử.
Ba bị cáo tại phiên toà sơ thẩm
Theo hồ sơ vụ án, ngày 22-10-2021, Công an huyện Đại Từ kiểm tra Công ty sản xuất và thương mại thép Hùng Cường do bị cáo Hùng quản lý và phát hiện 8 cuộn tôn mạ màu dán tem nhãn của Công ty tôn Phương Nam (có địa chỉ tại TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai). Sau đó, cảnh sát trưng cầu giám định 8 cuộn tôn nêu trên, cho kết quả chúng không do Công ty tôn Phương Nam sản xuất và có giá trị tương đương số hàng thật là hơn 1,2 tỉ đồng.
Tại cơ quan chức năng, nhóm này khai Hưng là Trưởng phòng kinh doanh của Công ty tôn Vikor (ở Thái Bình) và Tuấn Anh là nhân viên kinh doanh dưới quyền. Cả 2 còn là cộng tác viên bán hàng cho Công ty Kim khí Thái Bình.
Tháng 9-2021, các bị cáo tới huyện Đại Từ gặp Hùng giới thiệu sản phẩm "Tôn Phương Nam" do Công ty tôn Vikor sản xuất với "hình dạng giống nhau" song có giá trị thấp hơn trên thị trường. Đến tháng 10-2021, Hùng đã liên hệ với Phan Tuấn Anh để đặt mua 8 cuộn tôn màu giả nhãn hiện tôn Phương Nam với giá 800 triệu đồng nhằm mục đích bán ra thị trường để kiếm lợi nhuận.
Lời khai ban đầu của bị cáo Hưng thể hiện anh ta báo lại đơn hàng cho lãnh đạo Công ty tôn Vikor và được đồng ý sản xuất, cung cấp 8 cuộn tôn giả nhãn hiệu "Tôn Phương Nam". Qua đó, lãnh đạo Công ty tôn Vikor đã đồng ý nhận đơn đặt hàng sản xuất nêu trên.
Sau đó, các bị cáo Hưng, Tuấn Anh đã giao số hàng này cho Hùng kèm phiếu thể hiện bên giao hàng là Công ty Kim khí Thái Bình. Phần mình, Hùng thuê người in mẫu tem phụ của Công ty Tôn Phương Nam, dán vào số tôn vừa mua song chưa kịp bán đã bị công an phát hiện.
Làm việc với cảnh sát, Công ty tôn Vikor phủ nhận việc sản xuất tôn Phương Nam và bán lô hàng nói trên. Cùng với đó, các bị cáo Hưng, Hùng, Tuấn Anh lại thay đổi lời khai, nói số hàng trên là mua trôi nổi, không giấy tờ từ một người tên Tú ở Hải Phòng với giá 480 triệu đồng.
Tại tòa, cả 3 bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng nêu, đồng thời xin lỗi đại diện Công ty Phương Nam vì buôn hàng giả với động cơ hám lợi. Cả 3 bị cáo khẳng định nguồn gốc số hàng giả được mua từ người tên Tú song không biết nhân thân, lai lịch của người này.
Được triệu tập đến toà với vai trò bị hại, kiêm nguyên đơn dân sự, đại diện Công ty tôn Phương Nam cho rằng không đồng ý với tội danh trên. Đại diện này, cho rằng 3 bị cáo phạm tội "Buôn bán hàng giả" như ban đầu cơ quan điều tra khởi tố (sau đó thay đổi tội danh-PV).
Tại phiên toà, luật sư của Công ty tôn Phương Nam cho rằng Nghị định 98/2020 thể hiện hàng giả bao gồm hàng hóa giả về "tem, nhãn, bao bì". Trong vụ án, 8 cuộn tôn bị thu giữ có tem, nhãn giả mạo tên thương phẩm nên là hàng giả.
Hội đồng xét xử sơ thẩm
"Các bị cáo Hưng và Tuấn Anh không có hành vi chiếm đoạt quyền sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu vì không tạo ra, tác động hay chuyển dịch bất hợp pháp nhãn hiệu Tôn Phương Nam. Do đó, nếu có ai phạm tội Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, đó là người sản xuất 8 cuộn tôn giả nói trên. Ngoài ra, việc xác định nguồn gốc các cuộn tôn giả là "vấn đề quan trọng" vì giúp răn đe, ngăn chặn và xử lý triệt để hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả cũng như tránh bỏ lọt tội phạm"- vị luật sư nhấn mạnh và đề nghị tòa trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung, xác định lại tội danh của từng bị cáo cũng như truy tìm người sản xuất ra 8 cuộn tôn bị thu giữ.
Về dân sự, đại diện Công ty tôn Phương Nam cho hay hành vi buôn bán hàng giả của các bị cáo gây thiệt hại trực tiếp 78 triệu đồng. Việc này còn xảy ra ở nhiều nơi gây thiệt hại cho người mua hàng; khiến công ty "khốn khổ" giảm niềm tin từ các khách hàng, doanh thu giảm mạnh, ước gần 2.000 tấn/tháng riêng tại thị trường phía Bắc, thiệt hại khoảng 158 tỉ đồng.
Về vấn đề này, chủ tọa cho hay phiên tòa chỉ giải quyết phần thiệt hại trực tiếp, các vấn đề khác sẽ được xem xét theo trình tự khác. Về phần mình, cả 3 bị cáo đồng ý bồi thường 78 triệu đồng cho doanh nghiệp.
Trong phần đối đáp, đại diện VKSND cho rằng nếu Công ty tôn Phương Nam chứng minh thiệt hại khác ngoài 78 triệu đồng, có thể khởi kiện dân sự 3 bị cáo yêu cầu bồi thường.
Về tội danh, theo đại diện VKSND, đây là vụ án có đồng phạm, các bị cáo dán tem giả của tôn Phương Nam vào sản phẩm nên phạm vào tội "Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp"; các chứng cứ khác cũng phù hợp quan điểm truy tố này. Do đó, giữ nguyên quan điểm với cáo trạng truy tố.