Có tiền nhưng không biết giữ thì bao nhiêu cũng hết. Tiết kiệm là điều kiện căn bản của sự giàu có. Nếu bạn tự tin rằng tài sản hiện tại có thể giúp bạn sống sung sướng đến già thì cứ việc tiêu xài thoải mái, vô tội vạ. Còn nếu không đủ tự tin thì hãy bắt đầu kế hoạch tiết kiệm ngay lập tức.
Làm việc kiếm tiền phải đi đôi với tiết kiệm, nhờ vậy mới có thể tích lũy tài sản, chuẩn bị cho tương lai. Sống trên đời, bạn chẳng thể biết được ngày mai sẽ xảy ra chuyện gì. Một cơn bạo bệnh của bản thân hay gia đình cũng có thể khiến bạn lâm vào cảnh lầm than. Một khoản tiết kiệm sẽ phát huy tác dụng vào những lúc này.
Muốn có cuộc sống giàu sang và đủ đầy cảm giác an toàn, đặc biệt là giới trẻ mới bắt đầu đi làm, hãy nằm lòng 8 phương pháp tiết kiệm sau đây:
1. Tìm kiếm những thú vui giải trí miễn phí
Muốn tiết kiệm thì phải giảm thiểu chi phí cho việc giải trí. Công viên, bờ hồ, địa điểm có phong cảnh đẹp, tiệm sách, thư viện,... cũng là những nơi giúp chúng ta thư giãn, có không gian riêng để sống chậm lại một chút.
Đương nhiên, bạn cũng có thể đi quán cafe thưởng cho mình ly nước ngon, nhưng chỉ được áp dụng vào dịp cuối tuần, không được quá thường xuyên vì hiện nay giá một ly đồ uống cũng không phải là rẻ.
2. Học cách ghi chép chi tiêu
Đặt ra quy định ghi chép chi tiêu trong vòng 1 tuần hoặc 1 tháng (nhớ phân loại chi phí như nhu yếu phẩm hằng ngày, đồ ăn vặt, hoa quả, thực phẩm nấu ăn,...). Cuối cùng làm tổng kết, xem xét phần chi tiêu nào nên được loại bỏ để tiết kiệm.
Nhìn nhận tổng quan bảng ghi chép để điều chỉnh thói quen chi tiêu sao cho phù hợp với tiêu chí tiết kiệm.
3. Bán lại những món đồ không còn sử dụng
Ngày nay có rất nhiều nền tảng hoặc trang mạng chuyên cung cấp không gian để người dùng bán hoặc mua những món đồ secondhand. Bạn có thể lợi dụng cách này để bán đi những đồ dùng không sử dụng nhưng vẫn còn mới hoặc dùng tốt. Bán lại được một số tiền nhỏ, còn hơn việc bỏ xó một chỗ, sau đó toàn bộ bị hư hại rồi lại vứt bỏ.
4. Tích trữ nhu yếu phẩm theo số lượng lớn
Những thứ đồ cần thiết và sử dụng liên tục như giấy vệ sinh, kem đánh răng,... nên được mua theo thùng hoặc theo lô vì giá thành sẽ rẻ hơn mua lẻ. Hơn nữa, điều này cũng giúp ta tránh trường hợp phải đi mua liên tục vì các nhu yếu phẩm được sử dụng rất nhanh.
5. Áp dụng nguyên tắc trái mùa
Người khác mùa hè mua tủ lạnh, mùa đông mua áo da. Bạn thì mùa hè mua áo da, mùa đông mua tủ lạnh để nhận nhiều ưu đãi giảm giá. Đương nhiên, sắm thứ gì cũng phải để ý đến chất lượng và hạn sử dụng.
6. Tận dụng những vật bỏ đi
Những món mỹ phẩm dùng một nửa rồi chỉ để đó (có thể vì dùng không hợp, hoặc hết hạn, giữ lại thì không dùng, nhưng vứt đi lại tiếc), bạn có thể tận dụng để lau giày, lau túi, ghế sofa bằng da,... Hiệu quả không thua kém gì chất tẩy rửa chuyên dụng.
7. Rèn luyện lối sống lành mạnh
Không có gì tiết kiệm bằng lối sống lành mạnh. Không rượu chè, không hút thuốc, sống tối giản, tập luyện thể dụng thể thao mỗi ngày, ăn uống đơn giản (cân bằng dinh dưỡng, nên thiên về các món nhạt, ít dầu mỡ và gia vị),... vừa tiết kiệm chi phí vừa giữ gìn sức khỏe.
Một cơ thể không khỏe mạnh mang đến rất nhiều hệ lụy, tốn tiền thuốc men và khám bệnh, không thể làm việc hết hiệu suất dẫn đến giảm tiền lương, quan trọng nhất là không thể cảm nhận được hạnh phúc.
8. Duy trì và tìm cách tăng nguồn thu nhập
Tiết kiệm sẽ không đạt hiệu quả nhanh chóng nếu nguồn thu nhập bị cắt đứt hoặc thâm hụt.
Chính vì vậy, hãy cố gắng duy trì nguồn thu nhập hằng tháng, mỗi tháng trích ra một số tiền để dành riêng cho việc tiết kiệm. Nếu mọi chuyện nằm trong tầm kiểm soát thì hãy tìm cách để tăng nguồn thu nhập như đầu tư, kinh doanh,... Chỉ có vậy, tài sản mới tăng lên theo cấp số nhân, sớm đạt được mục tiêu.
(Nguồn: Zhihu)