Công nghệ

Tiến sĩ AI về Việt Nam khởi nghiệp với quần áo cũ

Sau 10 năm học tập và sinh sống tại Nhật Bản, Trần Vũ Anh có một công việc ổn định trong công ty lớn. "Đến một ngày, tôi nghĩ nếu cứ sống trong vùng an toàn, sau này sẽ rất hối hận và thấy cần phải làm gì đó", nhà sáng lập kiêm CEO SSSMarket nói.

Trần Vũ Anh là một trong 10 lãnh đạo công nghệ trẻ 2022, được VnExpress vinh danh ngày 17/6. Ảnh: Quỳnh Trần

Trần Vũ Anh là một trong 10 lãnh đạo công nghệ trẻ 2022, được VnExpress vinh danh ngày 17/6. Ảnh: Quỳnh Trần

Anh cho biết từ những ngày đầu đi du học rồi trở thành tiến sĩ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, anh vẫn về Việt Nam thường xuyên để cập nhật thay đổi của đất nước và chứng kiến sự lớn mạnh của làn sóng khởi nghiệp. Năm 2019, quyết định rời Nhật về Việt Nam trở thành cú sốc với gia đình. "Khi đó bố mẹ tôi đã bay sang Nhật để nói chuyện thẳng thắn, can ngăn nhưng không được. Sau khi thuyết phục gia đình, tôi đưa vợ con về Việt Nam sống thử ba tháng, thấy ổn và ở lại đến tận bây giờ", Vũ Anh chia sẻ.

Trước khi sáng lập SSSMarket - sàn thương mại điện tử chuyên về thời trang cũ (secondhand) lớn bậc nhất Việt Nam, anh từng đảm nhiệm vị trí CTO tại một số startup đình đám như Logivan, Waves8. "Sau khi tham gia hai startup, tôi nghĩ đã đến lúc làm gì đó của riêng mình và phục vụ được nhiều người hơn. Tôi tìm thấy tiềm năng ở thị trường thời trang. Không nhiều người làm công nghệ dấn thân ở lĩnh vực này, trong khi trải nghiệm mua sắm thời trang của người dùng trên sàn thương mại điện tử còn hạn chế", anh nói.

Điểm giao giữa công nghệ và thời trang

Theo Trần Vũ Anh, thời trang và công nghệ có nhiều tiềm năng kết hợp nhưng ít người quan tâm. Bán lẻ thời trang luôn là lĩnh vực nhiều thách thức, phụ thuộc vào người mẫu, quảng cáo, sự kiện hoặc cửa hàng để tiếp thị. Nhưng công nghệ ra đời đã thay đổi nhiều thứ. Trước đây để mua sắm, mọi người phải ra cửa hàng để chọn, nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, mọi thứ đã có thể giao dịch trực tuyến thông qua sàn thương mại điện tử, mạng xã hội.

"Tuy nhiên, trải nghiệm mua sắm vẫn ít thay đổi. Các sản gần như chỉ tập trung vào việc mua bán, còn mọi người mua bằng cách xem ảnh, video rồi đặt hàng", CEO sinh năm 1987 nói. Ngoài ra, các sàn thương mại điện tử chỉ tập trung hầu hết vào những thương hiệu thời trang lớn, còn nhu cầu chia sẻ tủ đồ cá nhân vẫn bị bỏ ngỏ. Đó là lý do SSSMarket hướng đến xây dựng một nền tảng trao đổi thời trang cũ.

Ứng dụng SSSMarket có giao diện tương tự TikTok, cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm bằng việc dùng AI phân tích màu sắc, kiểu dáng, xu hướng ăn mặc của từng người.

Điểm đặc biệt của ứng dụng là chức năng tìm kiếm bằng hình ảnh. Theo Vũ Anh, thời trang vốn là thứ khó gọi tên, không như mỗi chiếc điện thoại có sẵn tên, thương hiệu, giá tiền. "Rất khó mô tả thời trang bằng từ ngữ rồi tìm kiếm thông thường. Do đó, tôi phát triển AI, tích hợp tính năng tìm bằng hình ảnh - khác biệt lớn nhất của SSSMarket so với các sàn thương mại điện tử khác", anh nói.

Trải nghiệm thực tế cho thấy tìm kiếm hình ảnh trên SSSMarket khá dễ dùng. Nếu muốn tìm một mẫu quần áo bất kỳ, người dùng chỉ cần chụp hoặc lưu ảnh về máy sau đó tải ảnh lên công cụ tra cứu. Kết quả sẽ trả về các model tương tự kèm thông tin người bán, giá sản phẩm... Thuật toán cho kết quả khá chính xác, nhưng không phải món đồ nào cũng có sẵn vì còn phụ thuộc vào một số yếu tố, như chất lượng hình ảnh, lượng hàng hóa được đưa lên sàn...

Tính năng tìm kiếm bằng hình ảnh trên SSSMarket. Ảnh: Khương Nha

Tính năng tìm kiếm bằng hình ảnh trên SSSMarket. Ảnh: Khương Nha

Sau gần một năm ra mắt, SSSMarket hiện thu hút nửa triệu người dùng, mỗi ngày có khoảng 10.000 người dùng thường xuyên. Trên cửa hàng của Google và Apple, ứng dụng nhận được nhiều phản hồi tốt nhờ trải nghiệm thân thiện, tích hợp nhiều xu hướng mới như livestream, quản lý hàng tồn kho, thống kê doanh thu.

Mai Hương, người mẫu ảnh lookbook tại TP HCM, cho biết đặc thù công việc khiến cô luôn phải thay đổi phong cách thời trang, tủ đồ liên tục chật kín quần áo, giày dép. Trước đây, cô thường thanh lý đồ cũ trên mạng xã hội nhưng tốn nhiều thời gian và thiếu các công cụ hỗ trợ. "Trên SSSMarket, thao tác mua bán diễn ra dễ dàng hơn nhiều. Mình không chỉ đăng tải món đồ cần bán mà còn có thể tiếp cận khách hàng thông qua các từ khóa, hình ảnh", Hương chia sẻ. Theo cô, trải nghiệm ấn tượng nhất trên ứng dụng này là có thể tìm thấy những người có cùng gu thời trang để trao đổi, làm mới kho đồ.

Khác biệt trong văn hóa khởi nghiệp Việt - Nhật

Sau 10 năm học tập, làm việc tại Nhật Bản và khởi nghiệp ở Việt Nam, Trần Vũ Anh nhận thấy nhiều khác biệt thú vị trong văn hóa startup ở hai nước.

"Khác biệt đầu tiên có thể thấy ngay là tinh thần khởi nghiệp của giới trẻ Việt Nam sôi sục hơn rất nhiều. Người trẻ Việt thích làm ra cái gì đó của riêng mình còn ở Nhật, mọi người thích khởi nghiệp trong lòng công ty. Họ thích tạo ra cái mới mẻ, tối ưu quy trình hoạt động cho tổ chức", Vũ Anh nói.

Theo anh, Nhật Bản luôn đề cao làm việc theo quy trình nên nhiệt huyết thường không cao như ở Việt Nam. Mặt tích cực là nhiều người trẻ Việt Nam chưa đến 30 tuổi đã có thể làm quản lý, trong khi ở Nhật, đà thăng tiến rất chậm, thường phải khoảng hơn 30-40 tuổi mới có thể đạt vị trí này, thậm chí phải chờ đến 40-60 tuổi. Tuy nhiên, điểm hạn chế là người Việt thường xuyên nhảy việc, chỉ gắn bó với tổ chức vài năm sau đó tìm kiếm cơ hội ở những công ty mới nếu nhận được phúc lợi cao hơn.

"Ngoài ra, văn hóa Nhật đề cao tính quy trình, nên chuyện khởi nghiệp sẽ có những bước đi rõ ràng, nhận được nhiều hỗ trợ hơn từ cộng đồng. Ở Việt Nam, cộng đồng khởi nghiệp khá manh mún, nhỏ lẻ, dễ làm, dễ bỏ cuộc do không được hỗ trợ tốt về nguồn vốn cũng như đào tạo kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm", anh nói.

Theo Trần Vũ Anh, trước khi khởi nghiệp, các bạn trẻ nên đặt ra hai câu hỏi lớn. Thứ nhất là mô hình kinh doanh của mình có tốt không, có thể phát triển, nhân rộng trong tương lai không. Thứ hai là sản phẩm mình làm có phù hợp nhu cầu của thị trường không. Nếu thiếu một trong hai, startup khó có thể thành công và nên cân nhắc thay vì khởi nghiệp một cách mù quáng.

Từ ngày 13/6 đến 22/7, VnExpress mở cổng tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi Startup Việt 2022.

Startup Việt là sự kiện thường niên do VnExpress tổ chức nhằm tìm kiếm các công ty, dự án khởi nghiệp tiềm năng tại Việt Nam. Trong lần thứ sáu tổ chức, chương trình mang chủ đề "Kỷ nguyên sáng tạo - The Innovation Era".

Cùng chuyên mục

Đọc thêm