Trước thành tích đáng ngưỡng mộ, bạn Nguyễn Việt Dũng (lớp K68CLC, khoa Toán - Tin, Đại học Sư phạm Hà Nội) nhận được "cơn mưa" lời khen từ bạn bè. Với danh hiệu thủ khoa , nam sinh Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ một số kinh nghiệm học tập giúp đạt kết quả điểm GPA gần tuyệt đối :
"Khi biết tin đạt danh hiệu Thủ khoa, mình cảm thấy vui và tự hào lắm! Kết quả này sẽ trở thành nguồn động lực và niềm tin để mình phấn đấu nhiều hơn nữa trong tương lai. Nhân đây, mình muốn gửi tặng kết quả này như một món quà cảm ơn đến gia đình, thầy cô và các bạn lớp K68CLC, khoa Toán - Tin đã đồng hành cùng mình trong suốt 4 năm học qua."
Với điểm GPA đạt gần tuyệt đối, Việt Dũng chia sẻ bí quyết vượt qua các môn học khó nhớ một cách dễ dàng và đạt điểm cao.
"Về bí quyết học tập, mình muốn chia sẻ một phương pháp mà cá nhân đã sử dụng trong 4 năm đại học, hy vọng sẽ có giá trị tham khảo hữu ích để các bạn sinh viên có thể học tập hiệu quả hơn.
Cụ thể, trong suốt quá trình học tập, mình luôn thực hiện 3 việc: Luôn đặt ra câu hỏi, luôn học hỏi và tự học. Nhiều người thế hệ trước cũng đã từng nói rằng: "Điểm khác biệt giữa học ở dưới mái trường phổ thông và giảng đường đại học là yêu cầu về sự tự học cao hơn". Và mình cho rằng, yếu tố không thể thiếu trong quá trình tự học là tìm kiếm tài liệu. Ngoài nghiên cứu các giáo trình, sách vở trong chương trình, có thể tìm kiếm thêm các tài liệu ngoài, các tài liệu tham khảo và tài liệu tiếng Anh. Đặc biệt, khi học tập bằng tài liệu tiếng Anh, vừa có cơ hội trau dồi ngoại ngữ, vừa bổ sung nhiều kiến thức thú vị khác ngoài giáo trình.
Về việc học hỏi, mình không ngại đặt câu hỏi cho các thầy cô giảng viên, đặc biệt đối với các môn chuyên ngành. Các thầy cô luôn vui vẻ, nhiệt tình và khuyến khích sinh viên đặt câu hỏi và đưa ra ý kiến phản biện trong suốt quá trình học tập. Cuối cùng, về việc đặt câu hỏi, khi đối diện với bất cứ kiến thức nào, mình luôn cố gắng đặt câu hỏi để đào sâu, mở rộng và phản biện nó. Ví dụ như phần đảo của một định lý nào đó, hay kiến thức này sẽ tương ứng với kiến thức gì trong chương trình giáo dục phổ thông..."
Nguyễn Việt Dũng là thủ khoa ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2022. - Ảnh: Đoàn TN - Hội SV Trường ĐHSP Hà Nội.
Dũng cho biết ngoài việc học tập, nam sinh còn tham gia nghiên cứu khoa học vào năm 3 và năm 4. Ngoài ra, còn tham gia hoạt động nghiệp vụ sư phạm cấp Khoa và dự Kỳ thi Giải Toán sơ cấp cấp Trường trong vòng 4 năm.
Để cân bằng việc học, hoạt động ngoại khoá và làm thêm, Dũng có thói quen lập thời gian biểu và tuân thủ nghiêm ngặt theo thời gian biểu: Trong 1 ngày, sẽ phân ra thời gian học trên giảng đường và thời gian tự học mỗi môn ở nhà. Sau đó, sắp xếp sao cho mỗi môn đều được học ít nhất mỗi tuần 1 lần. Quan trọng, cố gắng không để bản thân lâm vào tình trạng đến gần thi mới học để tránh việc ôn thi vội vàng và không hiệu quả.Dũng cho biết ngoài việc học tập, nam sinh còn tham gia nghiên cứu khoa học vào năm 3 và năm 4. Ngoài ra, còn tham gia hoạt động nghiệp vụ sư phạm cấp Khoa và dự Kỳ thi Giải Toán sơ cấp cấp Trường trong vòng 4 năm.
Khép lại hành trình 4 năm học đại học, Việt Dũng bật mí về dự định tiếp theo, đó là muốn trở về Trường THPT Chuyên Hạ Long (Quảng Ninh) - nơi cậu bạn từng học tập và trưởng thành để làm việc. "Mình muốn được đồng hành cùng các thầy, cô trong việc giáo dục thế hệ kế tiếp ở trường Chuyên Hạ Long nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung. Sau khi tích lũy được kinh nghiệm giảng dạy , mình sẽ quay trở lại trường ĐH Sư phạm để học lên Cao học, tiến gần đến những thành công cao hơn trong sự nghiệp "trồng người".
Theo: Đoàn TN - Hội SV Trường ĐHSP Hà Nội