Tại cuộc họp báo, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Phó cục trưởng Cục C03 nói, vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á và các đơn vị, địa phương liên quan, có 6 nhóm tội danh. Theo đó, cơ quan điều tra đang tập trung vào hành vi sai phạm trong sản xuất, phân phối, thông đồng để nâng khống giá kit test COVID-19. Bên cạnh đó là đề tài nghiên cứu, sản xuất kit test COVID-19 do Học viện Quân y phối với Công ty Việt Á thực hiện là kit test PCR, chứ không phải kit test nhanh.
Ông Phan Quốc Việt (trái) khi chưa bị bắt.
Do đó, đại diện C03 khẳng định, số 3 triệu kit test nhanh COVID-19 Công ty Việt Á nhập về không liên quan đến vụ án. "Theo chúng tôi biết, Việt Á đã nhập 3 triệu kit test nhanh COVID-19 từ Trung Quốc thông qua một đơn vị để tài trợ chứ không có chuyện trà trộn, dán tem Việt Á để bán, hoàn toàn không liên quan đến vụ án này", Thiếu tướng Thành nói.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an tổ chức đấu tranh chuyên án với đường dây vi phạm pháp luật trong việc sản xuất, kinh doanh bộ trang thiết bị y tế chẩn đoán virus xét nghiệm COVID-19 xảy ra tại Công Việt Á và các đơn vị, địa phương có liên quan.
Kết quả điều tra và đấu tranh với các đối tượng xác định, tháng 4/2020, Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm kit test COVID-19. Tính đến 18/12/2021, Công ty Việt Á đã cung ứng kit test COVID-19 cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước, với doanh thu khoảng gần 4.000 tỷ đồng.
Để chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt và các đối tượng của Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/kit; thỏa thuận và chi tiền phần trăm hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm.