Kinh doanh

Tia hy vọng cho "gã khổng lồ" thương mại điện tử Trung Quốc

Biểu tượng Alibaba trên màn hình máy tính tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo báo cáo của Alibaba, doanh thu trong quý III, kết thúc vào ngày 30/9, đạt tổng cộng 236,5 tỷ NDT (tương đương 32,7 tỷ USD), tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng này thấp hơn con số dự báo 6,5% của hãng tin Bloomberg.

Giám đốc tài chính của Alibaba, ông Toby Xu, cho biết: “Tăng trưởng doanh thu trong quý này chủ yếu nhờ vào việc cải thiện hiệu quả kiếm tiền từ các nền tảng Taobao và Tmall. Chúng tôi tiếp tục đầu tư vào các hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động”.

Mặc dù mức tăng trưởng doanh thu không đạt kỳ vọng, thu nhập ròng dành cho cổ đông của Alibaba đã tăng mạnh 58%, đạt 43,9 tỷ NDT (6,1 tỷ USD), so với cùng kỳ năm ngoái.

Alibaba công bố kết quả tài chính trong bối cảnh chi tiêu tiêu dùng ở Trung Quốc bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, đặc biệt là trong dịp mua sắm Ngày độc thân 11/11, đặc biệt tăng trưởng doanh số bán lẻ tháng 10 đạt mức nhanh nhất kể từ tháng 2/2024.

Đây được xem là những tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế Trung Quốc, khi chính phủ nước này vừa công bố một loạt biện pháp kích thích kinh tế, bao gồm chương trình hoán đổi nợ để giảm bớt gánh nặng cho chính quyền địa phương, cắt giảm lãi suất thế chấp, và nới lỏng một số hạn chế đối với việc mua nhà.

Đầu tháng 9/2024, Alibaba thông báo các nền tảng nội địa Taobao và Tmall của Alibaba sẽ bắt đầu chấp nhận thanh toán bằng WeChat Pay của Tencent.

Trước đó Alibaba sử dụng công cụ thanh toán Alipay, vốn là sản phẩm của Ant Group, do Jack Ma sáng lập, và cũng là một công ty con của Alibaba. Do đó Alipay được coi là một phần của hệ sinh thái Alibaba. Trong khi đó Alipay và WeChat Pay được xem là đối thủ cạnh tranh chính trong lĩnh vực thanh toán trực tuyến tại Trung Quốc.

Tencent cũng là nhà đầu tư lớn vào các nền tảng thương mại điện tử khác, bao gồm cả JD.com và PDD Holdings, đối thủ của Alibaba. Cả JD.com và Pinduoduo đều đã cung cấp WeChat Pay như một lựa chọn thanh toán.

Theo thông báo của Alibaba, Taobao và Tmall (TTG) cũng đã thông báo cho các nhà giao dịch về dự thảo kế hoạch thêm WeChat Pay vào danh sách các phương thức thanh toán.

Tuy vậy, thông báo này không nêu rõ thời gian khi nào dịch vụ có thể được triển khai hoàn toàn cho người dùng và Alibaba cũng không trả lời các câu hỏi về thời điểm cụ thể.

Bên cạnh đó, Alibaba cho biết sẽ đầu tư 1 tỷ USD trong ba tài khóa tới để hỗ trợ khách hàng sử dụng điện toán đám mây. Theo Alibaba, kế hoạch đầu tư trên bao gồm "các ưu đãi tài chính và phi tài chính, chẳng hạn như tài trợ, giảm giá và các sáng kiến tiếp cận thị trường".

Alibaba cho biết cũng đang thiết lập một chương trình để giúp khách hàng bản địa hóa nhu cầu kinh doanh điện toán đám mây của họ tùy thuộc vào thị trường.

Theo Gartner, công ty tư vấn và nghiên cứu công nghệ có trụ sở tại Stamford (Mỹ), Alibaba có mảng điện toán đám mây lớn thứ ba thế giới sau Microsoft và Amazon. Mặc dù điện toán đám mây hiện là một phần nhỏ trong hoạt động kinh doanh tổng thể của Alibaba, nhưng ban lãnh đạo của tập đoàn coi đó là một động lực quan trọng đối với đà tăng trưởng và lợi nhuận của họ trong tương lai.

Thông báo đầu tư của Alibaba cũng là một phần trong nỗ lực của tập đoàn có trụ sở chính tại Hàng Châu, Trung Quốc nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh điện toán đám mây ra thị trường nước ngoài.

Trong vài năm qua, Alibaba đã mở các trung tâm dữ liệu mới bên ngoài Trung Quốc để thu hút khách hàng ở các thị trường khác như Singapore và Thái Lan.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm