Bộ Thương mại Mỹ thông báo số tiền dành cho khu phức hợp Fab 21 của TSMC để sản xuất chip ở Phoenix, Arizona. Đây là khoản tài trợ đầu tiên được hoàn tất trong Đạo luật CHIPS và Khoa học trị giá 52,7 tỷ USD, do Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành năm 2022.
TSMC đã đồng ý mở rộng đầu tư từ 25 tỷ lên 65 tỷ USD với ba xưởng đúc khác nhau, dự kiến hoàn thành năm 2030.
Khu phức hợp Fab 21 sẽ vận hành theo ba giai đoạn với các quy trình công nghệ khác nhau. Trong đó, ở giai đoạn một, nhà máy dự kiến sản xuất chip trên tiến trình N4 và N5 (4 nm và 5 nm) cùng các phiên bản cải tiến như N4P, N4X từ nửa đầu năm 2025. Giai đoạn hai bắt đầu năm 2028 sản xuất chip trên tiến trình N3 (3 nm) và các tiến trình cải tiến như N3E, N3P. Giai đoạn ba diễn ra cuối thập kỷ này với các chip tiên tiến nhất trên tiến trình N2 (2 nm) và A16 (1,6 nm)
Ông C.C. Wei, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành TSMC, cho biết: "TSMC đánh giá cao sự hợp tác liên tục với khách hàng, đối tác, cộng đồng địa phương và chính phủ Mỹ từ đầu năm 2020. Việc ký kết thỏa thuận giúp chúng tôi tăng tốc phát triển công nghệ sản xuất chất bán dẫn tiên tiến nhất tại Mỹ".
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói: "Thỏa thuận với TSMC, nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu thế giới, sẽ thúc đẩy 65 tỷ USD đầu tư tư nhân để xây dựng ba cơ sở hiện đại tại Arizona, tạo ra hàng chục nghìn việc làm vào cuối thập kỷ. Đây là khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất vào một dự án mới tại Mỹ".
Hồi cuối tháng 10, trong podcast The Joe Rogan Experience, Donald Trump nói: "Các bạn biết đấy, Đài Loan đã đánh cắp hoạt động kinh doanh chip của chúng ta, và giờ họ lại muốn được bảo vệ".
Theo CNBC, dù không đề cập trực tiếp đến doanh nghiệp cụ thể, ông có vẻ nhắm vào TSMC, hãng hiện gia công chip cho hầu hết công ty Mỹ như Apple, Nvidia.
Ông Trump chỉ trích Đạo luật CHIPS và Khoa học, cho biết sẽ áp dụng thuế quan với chip sản xuất từ Đài Loan nếu được bầu làm tổng thống. Ông nhấn mạnh các công ty nước ngoài không nên được phép vào Mỹ để sử dụng tiền của chính phủ. "Thỏa thuận bán dẫn đó quá tệ", ông nói. "Chúng ta bỏ ra hàng tỷ USD để những công ty giàu có vào mượn tiền và xây dựng công ty chip tại đây".
Theo nhà phân tích Stacy Rasgon của Bernstein, suy nghĩ các công ty từ đảo Đài Loan "đánh cắp ngành công nghiệp chip của Mỹ" khá nực cười, nhưng nhận định chiến thắng của Trump trong bầu cử Mỹ sẽ là tin xấu cho TSMC.
(theo Reuters, Tom's Hardware)