Tài chính

Ưu đãi thuế, hỗ trợ báo chí phát triển - Kỳ 4: Báo chí phát triển, xã hội được hưởng lợi

Ưu đãi thuế, hỗ trợ báo chí phát triển - Kỳ 4: Báo chí phát triển, xã hội được hưởng lợi - Ảnh 1.

Bạn trẻ đọc báo điện tử - Ảnh: Q.ĐỊNH

Ông Lê Quốc Minh - ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, tổng biên tập báo Nhân Dân, chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ. 

Ông Minh nói: Từ cuối năm 2022, nhiều cơ quan báo chí cho biết nguồn thu bị sụt giảm khoảng 30 - 40%, có những đơn vị còn sụt giảm nhiều hơn. Đây là tình trạng chung trên toàn thế giới chứ không riêng ở Việt Nam.

Ưu đãi thuế, hỗ trợ báo chí phát triển - Kỳ 4: Báo chí phát triển, xã hội được hưởng lợi - Ảnh 2.

Ông Lê Quốc Minh - ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, tổng biên tập báo Nhân Dân, chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam

Miếng bánh quảng cáo online đa số rơi vào túi các tập đoàn nước ngoài

* Nhưng khó khăn của báo chí không chỉ xuất hiện mới đây, thưa ông?

- Tình trạng sa sút của báo in đã bắt đầu từ nhiều năm trước. Có những tờ báo mất đi, có những tờ báo bị suy giảm, tới mức có lúc người ta thậm chí phỏng đoán khả năng báo in sẽ bị chết. Dù tình trạng ấy chưa xảy ra nhưng khó khăn của báo in là điều rất rõ ràng và càng ngày càng khó hơn.

Phát thanh - truyền hình cũng không sáng sủa gì hơn. Ngay cả báo điện tử tưởng chừng có thể nổi lên và tạo ra sân chơi mới nhưng cũng đang cực kỳ khó khăn. Các cơ quan báo chí đều phát triển đa nền tảng nhưng doanh thu từ digital rất nhỏ, không bù đắp được cho phần mất đi từ quảng cáo báo in, phát thanh - truyền hình.

Đã vậy, miếng bánh quảng cáo online đa số rơi vào túi các tập đoàn công nghệ lớn như Meta (Facebook), Alphabet (Google), Amazon... Trong khi đầu tư nội dung cho các nền tảng mới tại các cơ quan báo chí càng ngày càng tốn kém, nhất là trong cuộc chạy đua ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).

* Theo ông, vì sao hoạt động báo chí ngày càng khó khăn, nhất là báo in?

- Khó khăn của báo chí đến từ sự thay đổi quá nhanh của công nghệ, đặc biệt là mạng xã hội. Sự thay đổi của công nghệ trong khoảng 10 năm qua đe dọa báo chí nói chung trên toàn thế giới. Từ cuối năm 2022, thế giới bắt đầu chứng kiến sự bùng nổ của AI tạo sinh, khiến báo chí - truyền thông thay đổi rất nhiều.

Bên cạnh đó còn phải đề cập đến sự thay đổi trong thói quen của người dùng. Chỉ ít năm trước, các khảo sát cho thấy những người từ 65 tuổi trở lên vẫn trung thành với báo in và truyền hình. Nhưng gần đây, nhóm công chúng báo chí này đã chuyển sang dùng điện thoại thông minh và máy tính bảng rất nhiều để tiếp nhận thông tin.

Ngoài ra, ngay sau đại dịch COVID-19, kinh tế thế giới và Việt Nam đều gặp khó khăn, các doanh nghiệp giảm bớt ngân sách quảng cáo, giảm bớt chi phí quảng cáo cho báo chí và tìm đến các kênh quảng cáo khác.

Khó khăn của báo chí còn xuất phát từ nguyên nhân chủ quan là các cơ quan báo chí chưa chủ động đa dạng hóa nguồn thu, phần lớn vẫn trông cậy vào nguồn thu quảng cáo.

Khi kinh tế khó khăn, doanh nghiệp thắt chặt hầu bao, báo chí lập tức bị ảnh hưởng.

Nhiều cơ quan báo chí trên thế giới đã quay sang chú trọng nguồn thu từ độc giả, không chỉ là thu phí đọc báo mà nhiều cách thức khác, dù khá khó khăn nhưng là nguồn thu bền vững.

Nhiều cơ quan báo chí còn tạo nguồn thu bằng cách tổ chức sự kiện, kinh doanh dữ liệu, kết hợp với các nhãn hàng để triển khai tiếp thị liên kết, thậm chí tham gia đầu tư hoặc tổ chức hoạt động giáo dục... Những cơ quan báo chí sớm có biện pháp đa dạng hóa nguồn thu sẽ gặp khó khăn ít hơn.

Cần tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí phát triển

* Các cơ quan báo chí đang đề nghị Nhà nước giảm thuế để giảm bớt khó khăn, ông có ủng hộ đề xuất này không?

- Trên thế giới, nhiều cơ quan báo chí hoạt động theo cơ chế thị trường, sở hữu tư nhân. Khi gặp khó khăn, phải đóng cửa. Nhưng báo chí Việt Nam có đặc thù là báo chí cách mạng, có sứ mệnh quan trọng là tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, là kênh phản biện của người dân. Vì thế không thể nói chuyện khó khăn là ngừng hoạt động mà phải duy trì hoạt động hiệu quả.

Điều đáng nói là nhiệm vụ ngày càng nhiều, đòi hỏi ngày càng lớn, cần sản xuất ra nhiều nội dung đa dạng hơn để phục vụ độc giả khó tính hơn và dễ bị xao lãng bởi có quá nhiều nguồn tin, nhưng kinh phí lại rất hạn hẹp, hầu như không thay đổi so với nhiều năm trước. Nhiều cơ quan báo chí thậm chí phải triển khai lộ trình hướng tới tự chủ hoàn toàn.

Ở góc độ Hội Nhà báo Việt Nam, chúng tôi cho rằng Nhà nước cần tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí phát triển, không thể coi các cơ quan báo chí như những doanh nghiệp bình thường trong việc áp thuế. Nếu chưa giảm thuế sâu được, cũng phải giảm tối đa và gộp chung một mức thuế cho mọi loại doanh thu của các cơ quan báo chí.

Ưu đãi thuế, hỗ trợ báo chí phát triển - Kỳ 4: Báo chí phát triển, xã hội được hưởng lợi - Ảnh 3.

Khi sự thay đổi quá nhanh của công nghệ, của mạng xã hội đã làm những tờ báo giấy thêm phần khó khăn - Ảnh: Q.ĐỊNH

* Nhưng giảm thuế cũng chỉ là một trong những giải pháp hỗ trợ cho báo chí, thưa ông?

- Trong thực tế, nhiều cơ quan báo chí thậm chí còn không có tiền mà đóng thuế, nên có giảm thuế cũng chẳng giúp được gì. Do đó cần có những chính sách để báo chí có cơ hội tăng nguồn thu.

Vừa qua, Chính phủ có chủ trương rất đúng đắn là yêu cầu đẩy mạnh truyền thông chính sách, vì thế các bộ, ngành, địa phương cần chủ động dành ngân sách để chi trả cho báo chí làm tốt công tác truyền thông.

Báo chí phát triển, cả chính quyền, doanh nghiệp, người dân, xã hội đều được hưởng lợi. Chi 1 đồng đầu tư cho báo chí sẽ mang lại lợi ích nhiều đồng. Chứ để báo chí èo uột, không tồn tại được, mất mát sẽ rất lớn.

Tất nhiên, báo chí cũng phải chủ động đổi mới, phải tạo ra nội dung chất lượng cao, có giá trị cho xã hội. Thậm chí phải mạnh dạn đầu tư cho đội ngũ của mình để tạo ra sự khác biệt và thu hút được nguồn lực.

* Nhiều cơ quan báo chí còn đang loay hoay với câu chuyện tồn tại, làm sao có nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu và phát triển..., thưa ông?

- Sử dụng ngân sách để đầu tư cho tất cả các cơ quan báo chí là điều bất khả thi và cũng không phải là cách mà nên làm. Do vậy, ngân sách nhà nước cần phải đầu tư trọng điểm cho một số cơ quan báo chí lớn, có tầm ảnh hưởng trong xã hội.

Phải tính đúng, tính đủ để dành ngân sách thỏa đáng cho các cơ quan báo chí đó phát triển mạnh mẽ, trở thành những mũi nhọn quan trọng trong công tác thông tin, truyền thông phục vụ đất nước, phục vụ địa phương.

Thậm chí phải mạnh dạn đầu tư cho một số cơ quan báo chí đủ tầm cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. Trong khi đó, tạo chính sách cho các cơ quan báo chí phát triển theo cơ chế thị trường để đa dạng nguồn thu, gia tăng sức mạnh, nâng cao chất lượng chuyên môn. Khi báo chí phát triển mạnh mẽ, có thể đóng thuế trở lại, tạo nhiều công ăn việc làm. Cũng cần phải thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp.

Quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp là mối quan hệ tương hỗ, bên này hỗ trợ bên kia. Tuy nhiên do sự phát triển của công nghệ, doanh nghiệp giờ đây có nhiều cách thức tiếp cận người dùng và quảng bá thương hiệu/sản phẩm chứ không chỉ trông cậy vào báo chí. Lại thêm khó khăn kinh tế sau đại dịch COVID-19 nên doanh nghiệp giảm ngân sách quảng cáo, đồng thời giảm cả chi phí quảng cáo trên báo chí.

Do đó báo chí cần chủ động xây dựng nội dung quảng bá sáng tạo và có các cách thức quảng cáo mới mẻ, hấp dẫn để kéo doanh nghiệp trở lại.

Doanh nghiệp cũng cần ý thức rằng phải góp phần "nuôi dưỡng" báo chí bởi đây là kênh chính thống, tạo niềm tin và sự xác tín cho người dùng. Báo chí lớn mạnh chỉ càng tốt cho doanh nghiệp...

Tỉ lệ lớn thông tin trên mạng xã hội đến từ báo chí

* Nhiều ý kiến cho rằng không cần báo chí nữa, cứ lên mạng xã hội sẽ biết hết mọi chuyện, thưa ông?

- Điều này không hoàn toàn đúng vì một tỉ lệ lớn thông tin trên mạng xã hội chính là đến từ báo chí. Ngoài ra tin giả, tin xấu độc, xàm xí trên mạng xã hội ngày càng nhiều, rất khó phân biệt thật - giả. Với tốc độ phát triển của AI, số lượng tin giả e rằng sẽ còn tăng với cấp số nhân.

Nhưng chính trong bối cảnh này, người dùng lại trông cậy vào các cơ quan báo chí chính thống để lựa chọn giúp họ những thông tin cần thiết nhất cho cuộc sống và công việc.

Nhờ sự phát triển của công nghệ, các cơ quan chính quyền hoặc doanh nghiệp, tổ chức đều có thể chủ động cung cấp thông tin website, tài khoản mạng xã hội, nhưng những kênh thông tin đó không thể thay thế được vai trò của báo chí ở chức năng phản biện, phản ánh đa chiều.

Báo chí truyền bá chính sách của Nhà nước, là tiếng nói của nhân dân và kênh phản biện chính sách rất quan trọng. Nói đến báo chí là nói đến trách nhiệm xã hội, đến việc đưa tin một cách trung thực hay phản biện vấn đề với mục đích góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm