Tài chính

Đại hội bất thường LPBank duyệt nhiều vấn đề quan trọng: Rời trụ sở chính, mua tối đa 5% vốn FPT, chia cổ tức tỷ lệ 16,8%

 Toàn cảnh đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 16/11 của LPBank. (Ảnh: LPBank).

Chiều nay (16/11), Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank - Mã: LPB) họp đại hội đồng cổ đông bất thường tại Ninh Bình với tỷ lệ cổ đông tham dự đạt hơn 86% số cổ phần có quyền biểu quyết.

Đại hội đã thông qua một số nội dung quan trọng như: thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính, miễn nhiệm và bầu bổ sung thành viên HĐQT, sửa đổi phương án tăng vốn điều lệ và thông qua việc đầu tư cổ phiếu FPT.

Cụ thể, đại hội cổ đông đã thông qua việc điều chỉnh phương án tăng vốn điều lệ năm 2024. Trước đó đại hội đồng cổ đông thướng niên năm 2024 đã phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ từ 25.576 tỷ lên 33.576 tỷ đồng thông qua việc chào bán 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Tuy nhiên căn cứ tình hình thị trường và định hướng phát triển của LPBank, đảm bảo lợi ích của cổ đông và của LPBank, HĐQT đã họp và quyết định trình phương án điều chỉnh phương án tăng vốn điều lệ thông qua hình thức phát hành cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 16,8%. Vốn điều lệ sau khi tăng tối đa là 29.873 tỷ đồng.

 

Bên cạnh đó, Hội đồng Quản trị LPBank cũng đã trình đại hội phê duyệt việc chuyển địa điểm trụ sở chính hiện tại của LPBank từ LPB Tower, số 210 đường Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội sang một địa điểm khác trên lãnh thổ Việt Nam phù hợp với định hướng phát triển ngân hàng trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.Địa điểm cụ thể sẽ được uỷ quyền cho HĐQT LPBank toàn quyền quyết định.

 Ban chủ toạ Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 16/11. (Ảnh: LPBank).

Dự chi gần 10.000 tỷ mua tối đa 5% vốn cổ phần của FPT

Ngân hàng cũng trình cổ đông phương án đầu tư tối đa 5% vốn điều lệ của CTCP FPT. Theo đó, ban lãnh đạo LPBank cho biết bên cạnh hoạt động kinh doanh ngân hàng đóng vai trò trung tâm, ngân hàng muốn đầu tư vào cổ phiếu niêm yết nhằm giúp đa dạng hóa kênh đầu tư và tối ưu hóa vốn góp của cổ đông.

Qua đánh giá, HĐQT LPBank nhận thấy cổ phiếu Công ty cổ phần FPT (Mã: FPT) có tiềm năng mang lại tỷ suất sinh lời hấp dẫn.

Đóng cửa phiên 15/11, thị giá cổ phiếu FPT dừng ở mức 133.900 đồng/cp. Ước tính với mức giá này, giá trị 5% vốn cổ phần của FPT (73 triệu cổ phiếu) có giá trị khoảng gần 9.800 tỷ đồng.

 Diễn biến giá cổ phiếu FPT từ đầu năm đến nay. (Nguồn: Tradingview).

LPBank đánh giá FPT là công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam, có nền tảng kinh doanh bền vững với tốc độ tăng trưởng cao được duy trì trong thời gian dài. Công ty ngày càng dịch chuyển cao hơn trên chuỗi giá trị công nghệ nhờ tập trung vào Al, Cloud, Big Data và những lĩnh vực chuyên ngành nhiều tiềm năng phát triển.

Cùng với đó, cổ phiếu FPT là một trong số ít cổ phiếu duy trì đà tăng giá ổn định qua các năm, chi trả cổ tức đều đặn. Hiện nay, cổ phiếu FPT đang có thanh khoản tốt, thuộc danh mục thành phần chỉ số VN30.

Ngân hàng dự kiến vốn đầu tư dự kiến là tối đa 5% vốn điều lệ của FPT tại thời điểm triển khai. Tổng giá trị đầu tư không vượt quá tỷ lệ đầu tư được phép theo quy định của pháp luật.

Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2024, 2025 hoặc thời điểm phù hợp sau khi có chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, quy định của pháp luật và tình hình thực tế.

Tại đại hội bất thường này, HĐQT LPBank đã trình đại hội phê duyệt việc miễn nhiệm và bầu bổ sung hai thành viên HĐQT nhằm đáp ứng sớm Luật các tổ chức tín dụng. 

Theo đó, trước đại hội ngân hàng cho biết đã nhận được đơn từ nhiệm của hai thành viên HĐQT là Lê Hồng Phong và ông Lê Minh Tâm vì lý do cá nhân. Đại hội cũng đã bầu bổ sung hai thành viên HĐQT độc lập là bà Vương Thị Huyền và ông Phạm Phú Khôi (có thay đổi so với phương án trước đó là ông Yew Teong Soon Alan - Thành viên HĐQT độc lập của Chứng khoán LPBank).

 Hai thành viên HĐQT độc lập được bầu tại đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 16/11. (Ảnh: Diệp Bình).

Bà Vương Thị Huyền (sinh năm 1974) có 28 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực ngân hàng. Bà từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng như Giám đốc Khối, Phó Tổng Giám đốc tại Ngân hàng VIB. Từ tháng 10/2019 đến nay bà là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Giải pháp Fast Capital.

Ông Phạm Phú Khôi (sinh năm 1963) có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng. Ông từng công tác tại nhiều tổ chức quốc tế như Ngân hàng Barclays - London, Hong Kong (Trung Quốc), Standard Chartered Singapore, làm Tổng Giám đốc Chứng khoán ACB, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc khối VPBank, Chủ tịch CTCO Chứng khoán VPBank.

Từ tháng 6/2022 đến nay, ông Khôi đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT CTCP Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam, từ tháng 9/2024 ông được bầu làm Chủ tịch HĐQT - Thành viên HĐQT độc lập CTCP Chứng khoán LPBank.

Sau khi bầu bổ sung, HĐQT của ngân hàng gồm có 7 thành viên, trong đó ông Nguyễn Đức Thuỵ làm Chủ tịch, ông Hồ Nam Tiến, ông Nguyễn Văn Thuỳ và ông Bùi Thái Hà làm Phó Chủ tịch.

 Danh sách HĐQT của LPBank tính đến 30/9/2024. (Nguồn: BCTC LPBank).

Cùng chuyên mục

Đọc thêm