Thuyền tự hành (saildrone) là sản phẩm công nghệ cao do công ty Saildrone hợp tác cùng Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) chế tạo. Năm 2021, saildrone thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế khi quay thành công thước phim đầu tiên từ tâm siêu bão Sam - cơn bão dữ dội thứ năm trong lịch sử xuất hiện trên Đại Tây Dương.
Năm nay, NOAA quyết định triển khai 12 thuyền nhằm chuẩn bị cho mùa bão. Chúng sẽ lênh đênh trên biển trong 90 ngày. Hai trong số đó sẽ túc trực tại bờ để đề phòng các đợt bão bất chợt. Theo Greg Fotlz, nhà hải dương học của NOAA, việc hiểu cách đại dương tương tác với cơn bão rất quan trọng. Nhờ sự hỗ trợ của thuyền không người lái, ông hy vọng con người có thể hoàn thiện các mô hình dự đoán hướng đi và đo cường độ bão.
Fox News cho biết nhiều năm qua, Mỹ đã sử dụng phương tiện không người lái để tăng cường an ninh quốc gia hoặc nghiên cứu thảm họa như hỏa hoạn và bão.
Nhiều công nghệ hiện đại được tích hợp bên trong saildrone. Cấu tạo của thiết bị giống ván lướt sóng được trang bị thêm cột buồm, có thể di chuyển nhờ sức gió và năng lượng mặt trời. Saildrone sử dụng công nghệ máy học, hệ thống âm thanh, camera và hàng loạt cảm biến giúp ghi nhận dữ liệu suốt ngày đêm.
Theo nhà sản xuất, loại thuyền này có khả năng làm nhiệm vụ trong 12 tháng mà không cần quay về đất liền để bảo trì. Nó di chuyển với tốc độ trung bình 4-11 km/h, chịu được sóng cao đến 27 mét và gió giật ở vận tốc 160 km/h. Ngoài ra, vật liệu chế tạo thuyền cũng rất chắc chắn, bền bỉ.
"Những chiếc thuyền công nghệ này sẽ đi vào tâm bão ở Đại Tây Dương. Đây là một trong những môi trường vận hành nguy hiểm và khắc nghiệt nhất trên thế giới", ông Matt Womble, đại diện công ty Saildrone, nói.
Để theo dõi cơn bão, nhiều saildrone được sử dụng cùng lúc và di chuyển đến các vị trí khác nhau. Mỗi vị trí sẽ thu thập dữ liệu về nhiệt độ mặt nước, độ ẩm, độ mặn, nhiệt độ không khí bề mặt, áp suất, hướng gió, chiều cao sóng... Nhờ vậy, bức tranh toàn cảnh về bão sẽ được tái tạo trên máy tính ở đất liền.
Bà Heather Holbach, điều hành chương trình Hurricane Field của NOAA, cho biết cách duy nhất để nghiên cứu bão là quan sát từ tâm bão. Công việc này rất nguy hiểm, vì vậy phù hợp với loại phương tiện không người lái như saildrone.
Thông thường, saildrone mất 30 ngày để di chuyển đến các điểm trên đại dương kể từ bờ biển gần nhất. Thuyền sẽ luôn chịu sự giám sát từ trung tâm thông qua vệ tinh. Ngoài ra, saildrone cũng được trang bị bộ thu phát nhận dạng tự động (AIS), đèn định vị, phản xạ radar, màu sơn nổi bật nhằm tránh tối đa va chạm với các phương tiện hàng hải khác.
Theo Joseph Cione, nhà khí tượng học tại NOAA, giới nghiên cứu vẫn tiếp tục lái máy bay chuyên dụng để quan sát bão, như chiếc Hurricane Hunter. Tuy nhiên, ông nhận định tương lai sẽ chỉ có phương tiện không người lái đảm nhận vai trò này.
(theo Fox News)