Sáng 19/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ và sơ kết công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2023.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, công tác cải cách hành chính (CCHC) thời gian qua tiếp tục được cải thiện, có tiến bộ; tuy nhiên, vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế, dẫn tới ách tắc trong giải quyết công việc…
Từ đó, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá, làm rõ những kết quả đạt được và đề xuất các giải pháp thời gian tới để khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phục hồi, phát triển đất nước.
Với các cơ quan, đơn vị, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục rà soát lại các công việc trên tinh thần "việc gì có lợi cho dân thì ta hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh", làm sao để người dân, doanh nghiệp tiếp cận, thực hiện các thủ tục, công việc một cách nhanh chóng, thuận lợi nhất, tiết giảm chi phí, thời gian, công sức, tránh phiền hà, sách nhiễu, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý những ách tắc trong giải quyết công việc…
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà báo cáo về công tác CCHC 6 tháng đầu năm.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo CCHC, tính từ năm 2021 đến nay, các bộ, cơ quan ngang bộ đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 2.352 quy định kinh doanh tại 191 văn bản quy phạm pháp luật.
Chính phủ đã ban hành 26 nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các bộ, ngành. Hiện, Bộ Nội vụ đang tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước; hoàn thiện Chiến lược quốc gia về thu hút và trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm, chỉ đạo Bộ Nội vụ có những tham mưu, giải pháp cụ thể để thực hiện chủ trương của Đảng về kịp thời thay thế cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm quy định của Đảng, pháp luật về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu, các địa phương đã kỷ luật 395 cán bộ, công chức, viên chức. Một số địa phương có nhiều cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật như: Hà Tĩnh (138 người), Quảng Bình (68 người), Đồng Nai (51 người), Đà Nẵng (25 người), Cao Bằng (16 người), Hà Nội (15), Quảng Ngãi (14 người), Yên Bái (13 người), Thái Nguyên (12 người) …
Về nhiệm vụ thời gian tới, Ban Chỉ đạo cho biết sẽ tiếp tục xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách phát hiện, trọng dụng nhân tài. Tiếp tục cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; ban hành Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 04 về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản nhà nước.