Theo báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô quý II/2023 của Chứng khoán Agribank (Agriseco), số liệu kinh tế vĩ mô nửa đầu năm đã cho thấy các yếu tố thuận lợi, khó khăn đan xen nhưng khó khăn nhiều hơn.
Tăng trưởng kinh tế nửa đầu 2023 thấp thứ hai trong 13 năm qua với sự suy yếu của hầu hết trụ cột như sản xuất công nghiệp tăng trưởng âm, xuất khẩu giảm hai chữ số hay tiêu dùng tăng chậm lại. Chỉ số PMI dưới mốc 50 điểm trong 7/8 tháng gần đây, cho thấy sự suy giảm rõ rệt của khu vực sản xuất. Số lượng doanh nghiệp đăng ký mới giảm trong khi số doanh nghiệp rút lui, giải thể tăng mạnh 20%.
Một vài điểm sáng cho nửa cuối năm như tình hình lạm phát vẫn ở mức thấp, mặt bằng lãi suất hạ nhiệt, tín hiệu tích cực từ giải ngân đầu tư công các tháng gần đây.
Theo nhóm phân tích, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% năm nay thì tốc độ tăng trưởng trong hai quý cuối năm cần đạt khoảng 9 – 10%; đây là mục tiêu rất thách thức. Dư địa có thể đến từ các chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đồng thời các chính sách kích cầu tiêu dùng của Chính phủ kỳ vọng thẩm thấu vào nền kinh tế.
Kỳ công bố kết quả kinh doanh bán niên 2023 đang đến gần và với các số liệu vĩ mô trên, có thể dự báo về kết quả kém tích cực của các doanh nghiệp trên sàn. Agriseco Research dự báo tổng lợi nhuận các doanh nghiệp trên cả 3 sàn có thể tiếp tục giảm nhẹ hoặc đi ngang sau khi đã giảm khoảng 20% trong quý I/2023.
Khi các thông tin kém tích cực được công bố có thể ảnh hưởng tới tâm lý thị trường trong ngắn hạn, mặc dù vậy dòng tiền vẫn sẽ phân hóa mạnh vào những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh khả quan.
Với mặt bằng lạm phát đang thấp, sức cầu hồi phục chậm; trong giai đoạn tới mặt bằng lãi suất tiền gửi, cho vay có thể tiếp tục hạ nhiệt để hỗ trợ nền kinh tế. Hạn mức tăng trưởng tín dụng cũng có thể được nới lỏng hơn trong các tháng cuối năm trong trường hợp thuận lợi.
Các yếu tố kể trên là nhân tố tích cực cho thị trường chứng khoán trên cả phương diện dòng tiền và ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh. Các nhóm có cơ hội là nhóm bluechip, ngân hàng hoặc các doanh nghiệp có tỷ lệ vay nợ cao.
Cũng theo các nhà phân tích của Agriseco Research, tỷ giá là yếu tố cần lưu tâm khi đang tăng gần 1% trong một tháng qua, kết hợp với việc khối ngoại đang bán ròng liên tục kể từ tháng 4 tới nay, đây là một trong những rủi ro tiềm ẩn cho thị trường chứng khoán nửa cuối năm.
Xuất khẩu mặc dù giảm tới 12% trong 6 tháng đầu năm nhưng vẫn có điểm sáng khi Việt Nam vẫn duy trì xuất siêu. Kỳ vọng một số nhóm ngành xuất khẩu cao trong nửa đầu năm sẽ duy trì đà tăng tốt trong nửa cuối năm 2023 như gạo, nông sản, rau củ quả và một số nhóm ngành phục hồi dần khi tình hình xuất khẩu dự báo khởi sắc hơn.
Bên cạnh đó, tiến độ giải ngân đầu tư công đã tăng tốc trong các tháng gần đây khi các dự án trọng điểm đồng loạt được triển khai. Trong bối cảnh các động lực tăng trưởng kinh tế như tiêu dùng, xuất nhập khẩu, đầu tư tư nhân chững lại, đầu tư công được coi là động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới cơ hội với nhóm DN vật liệu xây dựng, xây dựng.
Tăng trưởng số liệu về hàng không, du lịch cũng như lưu trú, ăn uống tăng trưởng so với cùng kỳ sẽ giúp cho kết quả kinh doanh các doanh nghiệp hàng không, dịch vụ du lịch , lưu trú khởi sắc hơn. Chính sách visa mới cũng kỳ vọng tạo cú hích cho ngành du lịch nửa cuối năm (hiệu lực từ 15/8).
Agriseco cũng lưu ý các chính sách hỗ trợ kỳ vọng hỗ trợ thị trường và các doanh nghiệp trong nền kinh tế trong nửa cuối năm. Bên cạnh các chính sách đã được ban hành, một số chính sách, luật mới cần lưu ý trong thời gian tới như Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh Bất động sản dự kiến; Chính sách giảm thuế VAT, chính sách tăng lương cơ bản, Luật tín dụng, Dự thảo sửa đổi Thông tư 41/2016 (nới lỏng tín dụng cho bất động sản khu công nghiệp, nhà ở xã hội).
Các chính sách mới nếu được thông qua kỳ vọng giúp phục hồi sức cầu nền kinh tế cũng như phục hồi thị trường bất động sản, qua đó tạo hiệu ứng tâm lý tích cực đến thị trường chung.