Theo KIS, các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế của chính phủ với chính tài khóa mở rộng và chính sách tiền tệ nới lỏng hơn dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa. Vì vậy, kỳ vọng vùng mục tiêu của VN-Index trong nửa cuối năm là 1.260 - 1.340 điểm.
Kinh tế tăng trưởng trong quý II diễn ra trong bối cảnh giai đoạn cuối của việc tăng lãi suất toàn cầu. Dù vậy, việc tăng động lực kinh tế sẽ cần nhiều thời gian hơn để hiện thực hóa do sự cải thiện không đáng kể của yếu tố bên ngoài và sự phục hồi yếu dần của tiêu dùng trong nước.
Tuy nhiên, đầu tư công sẽ tiếp tục là tâm điểm trong quý III, nhờ vào nỗ lực của chính phủ trong việc thực hiện khối lượng công việc cao hơn đáng kể so với năm trước. Bên cạnh đó, việc kiểm soát lạm phát tốt và tỷ giá ổn định cung cấp thêm không gian cho cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ theo đuổi xu hướng nới lỏng.
8 nhóm ngành có cơ hội đầu tư trong quý III
Trong bối cảnh đó, các cơ hội đầu tư đã dần xuất hiện từ quý II ở toàn thị trường, được hỗ trợ bởi các nhân tố vĩ mô và sự hồi phục của thị trường chứng khoán. Sang quý III, KIS nhận thấy cơ hội đầu tư tại 8 nhóm ngành cổ phiếu.
Thứ nhất, các doanh nghiệp nhiệt điện đang được hưởng lợi từ El-Nino. Sản lượng điện huy động các nhà máy nhiệt điện trong 6 tháng đầu năm chiếm 62% trong cơ cấu nguồn điện, tăng 12% so với con số trung bình năm 2022. Đáng chú ý, quý II do thiếu hụt nguồn cung đáng kể tại miền Bắc, Trung tâm Điều độ hệ thống điện đã buộc phải huy động phụ tải đỉnh từ các nhà máy nhiệt điện chạy dầu tư khu vực phía Nam (vốn có chi phí phát điện cao).
Phần lớn các doanh nghiệp điện than đã công bố số liệu cũng cho thấy sự tăng trưởng khả quan trong sản lượng huy động nửa đầu năm như Vĩnh Tân, Mông Dương, Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP), Uông Bí.
Giá điện thị trường có xu hướng tăng trong 6 tháng đầu năm, tuy nhiên dự báo giảm trong quý III. Bối cảnh nhu cầu phụ tải tăng cao, nguồn cung thủy điện giảm cùng một số nhà máy lớn đang bảo dưỡng cũng mang lại sự hưởng lợi kép cho các doanh nghiệp nhiệt điện.
Dự báo các doanh nghiệp điện than vẫn sẽ duy trì được đà tăng trưởng sản lượng (so với cùng kỳ) khả quan trong quý III. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp điện than tại khu vực miền Bắc như Nhiệt điện Quảng Ninh và Nhiệt điện Hải Phòng (HND).
Tại ngành nông nghiệp, giá trị xuất khẩu cây trồng trong quý II tăng 21% so với cùng kỳ và 21% so với quý I, đạt 6,4 tỷ USD, góp phần vào sự tăng trưởng mạnh của giá trị xuất khẩu rau quả và gạo. Bên cạnh đó, KIS đánh giá triển vọng khả quan của ngành nông nghiệp còn đến từ việc giá gạo tiếp tục tăng trong quý II, giá trị xuất khẩu rau quả tăng và ngành chăn nuôi quý II phục hồi từ đáy.
Thứ ba là ngành thủy sản với kỳ vọng xuất khẩu cải thiện. Trong quý II, xuất khẩu thủy sản ghi nhận giảm so với mức cao cùng kỳ năm trước. KIS dự báo doanh thu ngành thủy sản có thể giảm 10-40% so với cùng kỳ do sản lượng xuất khẩu sang các nước trọng điểm giảm.
Triển vọng xuất khẩu thủy sản quý III sẽ được cải thiện so với 6 tháng đầu năm. Theo VASEP, kỳ vọng nhu cầu thủy sản tại thị trường Mỹ sẽ dần cải thiện chủ yếu do lượng hàng tồn kho tiêu thụ đang giảm dần so với nửa đầu năm. Tuy nhiên, nhu cầu của thị trường Trung Quốc sau sự kiện mở cửa trở lại không mạnh như KIS kỳ vọng. Như vậy, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc trong nửa cuối năm 2023 có nhiều biến động khó lường, nhóm phân tích thận trọng cho rằng xuất khẩu thủy sản sang thị trường này có thể tăng trưởng nhẹ trong quý III.
Tương tự, đối với ngành dầu khí, các chuyên gia cũng kỳ vọng sẽ có sự hồi phục sau khi lợi nhuận ngành này giảm mạnh trong quý II. Các cổ phiếu lĩnh vực trung và hạ nguồn như GAS và BSR đã trượt so với chỉ số VN-Index trong quý II do tác động của lợi nhuận cao trong quý II/2022.
Trái lại, cổ phiếu các công ty lĩnh vực thượng nguồn như PVD và PVS đã vượt trội nhờ kỳ vọng phê duyệt dự án Lô B - ô Môn, tiềm năng điện gió ngoài khơi cũng như tỷ lệ ngày thuê cao. KIS tin rằng giá cổ phiếu lĩnh vực trung và hạ nguồn sẽ cải thiện trong quý III do tác động của việc giảm đi lợi nhuận, trong khi cổ phiếu lĩnh vực thượng nguồn có thể tiếp tục tích cực.
Ngân hàng cũng được KIS đưa vào danh sách nhóm ngành có triển vọng với kỳ vọng tăng trưởng tín dụng quý III nhanh hơn và NIM dần hồi phục. Nợ xấu quý II và quý III có thể được kiểm soát nhờ Thông tư 02 và các chính sách hỗ trợ của chính phủ.
Bên cạnh đó, chính phủ đã ban hành Nghị định 08 và Nghị quyết 33 để tạo điều kiện huy động vốn và phát triển dự án dễ dàng hơn. Qua đó, kỳ vọng thị trường trái phiếu và bất động sản phục hồi dẫn đến phục hồi khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và và tín dụng bất động sản.
Theo KIS, giá cổ phiếu của một số ngân hàng có thể tăng khi thông tin tăng trưởng lợi nhuận quý II hay thông tin bán cổ phần chiến lược. Nhóm ngân hàng như VPB, TCB, HDB, MSB và OCB bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu có thể tăng trở lại với sự phục hồi của thị trường rõ ràng hơn.
Hai đại diện ngành vật liệu xây dựng gồm thép và xi măng cũng có những cơ hội nhất định. Ở ngành thép, do sự ảnh hưởng của mùa mưa, kỳ vọng sản lượng bán hàng sẽ ở mức thấp trong quý III. Dự báo tổng sản lượng bán hàng ở mức 5,8 triệu tấn, tăng 8% so với với nền thấp trong 2022. Kỳ vọng các công ty sẽ đạt lợi nhuận dương nhờ giá nguyên vật liệu ở mức thấp. Ngành thép cũng được kỳ vọng phục hồi giá bán trong quý IV và quý I/2024.
KIS nhận thấy sẽ không có sự gia tăng giá than vào quý III, do đó biên lợi nhuận ngành xi măng sẽ cải thiện. Tương tự như các vật liệu xây dựng khác, tổng sản lượng bán hàng của ngành này có thể thấp hơn trong quý III bởi mùa mưa. Tuy vậy, hiện tượng El Nino có thể tăng ngày khô ráo trong quý, dẫn đến cải thiện tiêu thụ xi măng. Dự báo tổng sản lượng tiêu thụ sẽ ở mức 23,8 triệu tấn, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.
Cuối cùng, tại lĩnh vực nhà ở, sau nhiều giải pháp từ chính phủ vào quý I, các tỉnh/chính quyền cấp dưới chịu trách nhiệm cấp phép dự án quyết liệt hơn để giải quyết các vấn đề kéo dài của các dự án nhà ở. Các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, TP HCM đang phối hợp với các bộ ngành liên quan tháo gỡ quy hoạch tổng thể các dự án của DIC Corp (DIG), Novaland (NVL) hay Nam Long (NLG). KIS lạc quan hơn về triển vọng của các dự án đang chờ xử lý tại TP HCM và dự án có thể giải phóng tới 100.000 đơn vị nhà ở trong 2024-2025.