Tuần trước, giao dịch cổ phiếu PGB của Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) gây chú ý khi có phiên giao dịch lịch sử với thanh khoản lớn nhất từ trước đến nay, gần 52% vốn PGB được “sang tay” thoả thuận trong phiên ngày 11/7.
Trong số 155 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng này, chỉ mới có gần 8 triệu cổ phiếu được công bố thông tin do là giao dịch của người nhà Phó Tổng Giám đốc, Ủy viên HĐQT ông Đinh Thành Nghiệp, người đang sở hữu hơn 3 triệu cổ phiếu PGB, tương đương tỷ lệ sở hữu 1,03%.
Diễn biến này cùng với loạt biến động về nhân sự cấp cao của PG Bank diễn ra sau khi ngân hàng có loạt cổ đông lớn mới khi nhận chuyển nhượng cổ phiếu từ Petrolimex. Ba cái tên được nhắc đến trong thương vụ thoái vốn này là CTCP Quốc Tế Cường Phát (mua 40,6 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 13,54%); CTCP Thương Mại Vũ Anh Đức (hơn 40 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 13,36%); Công ty TNHH Xuất Nhập Khẩu Và Phát Triển Thương Mại Gia Linh (39,3 triệu cổ phiếu, sở hữu 13,1%).
Ước tính với mức giá thành công bình quân 21.400 đồng/cp, số tiền mà ba tổ chức này phải chi ra để mua lại số cổ phần từ tay Petrolimex là 2.568 tỷ đồng, là một số tiền không nhỏ.
Ba công ty tăng vốn nghìn tỷ sau khi trúng đấu giá
Những cái tên này đều xa lạ với ngành ngân hàng cũng như thị trường nói chung, tuy nhiên có một điểm tương đồng đó là cả ba doanh nghiệp trên đều có động thái tăng vốn thần tốc trong những ngày cuối tháng 4/2023, ngay sau thời điểm công bố đấu giá thành công là 7/4.
Tổng số tiền cả ba pháp nhân trên bơm vốn thêm ngay trong năm nay là 2.577 tỷ đồng, tương đương gần với số bỏ ra để mua thêm cổ phần PG Bank.
Qua tìm hiểu của người viết, CTCP Quốc tế Cường Phát được thành lập tháng 2/2015 với vốn điều lệ 10 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực vận tải hàng hóa bằng đường bộ, có địa chỉ tại xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Cường Phát có 4 cổ đông sáng lập gồm ông Nguyễn Văn Mạnh, ông Nguyễn Trường Sơn; ông Nguyễn Bá Thao và ông Nguyễn Văn Túc. Trong đó ông Nguyễn Văn Mạnh là Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Giám đốc, người đại diện theo pháp luật.
Ngày 20/4, Quốc tế Cường Phát bất ngờ tăng vốn lên thành 882 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không được công bố.
Còn Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển Thương mại Gia Linh thành lập tháng 10/2010 với vốn điều lệ ban đầu là 8 tỷ đồng, trong đó bà Phạm Thị Phương, Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật góp nhiều nhất (90%), còn lại là ông Võ Trọng Phú (10%).
Ngày 28/4/2023, một cổ đông mới xuất hiện là ông Nguyễn Tiến Dũng đã góp 845 tỷ đồng để nâng vốn điều lệ của Gia Linh lên 853 tỷ đồng.
Tương tự, Công ty TNHH Thương mại Vũ Anh Đức cũng đã tăng vốn ngay trong tháng 4/2023 từ 40 tỷ đồng lên 900 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông mới không được công bố.
Thương mại Vũ Anh Đức được thành lập từ tháng 6/2010 và do ông Nguyễn Văn Đạt là Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật, vốn điều lệ ban đầu 5 tỷ đồng, với đăng ký ngành nghề chính là khai thác đất đồi.
Những đồn đoán liên quan đến TC Group?
Những ẩn số về các doanh nghiệp này đã khiến thị trường đặt dấu chấm hỏi về tiềm lực của họ và có chăng mối liên hệ nào với một “cá mập” nào trên thương trường?Tập đoàn Thành Công (TC Group) là một nhân tố được cho là có mối liên hệ với thương vụ này.
Trả lời câu hỏi của cổ đông tại đại hội thường niên về nghi vấn có sự tham gia của TC Group trong thương vụ mua cổ phần từ Petrolimex, Chủ tịch Ngân hàng PG Bank Nguyễn Quang Định (tại thời điểm đó) chỉ cho biết "không thấy tên Tập đoàn Thành Công trong danh sách đấu giá".
Tuy vậy, cả ba doanh nghiệp trúng đấu giá và trở thành cổ đông lớn của PG Bank đều có mối liên hệ nhất định tới TC Group.
Theo tìm hiểu của người viết, ông Nguyễn Văn Mạnh, người đại diện pháp luật tại CTCP Quốc tế Cường Phát cũng là cổ đông sáng lập của PL Iro, một thành viên trong hệ sinh thái của TC Group.
Trong khi đó, tại công ty Vũ Anh Đức, ông Vũ Văn Nhuân, người đang nắm giữ chức Chủ tịch HĐQT từ tháng 5/2022 từng là Tổng Giám đốc và đại diện pháp luật của CTCP Khu công nghiệp Tổ hợp Công nghệ Thành Công Việt Hưng – một doanh nghiệp thành lập tháng 8/2018 và cũng là thành viên TC Group.
Trong cơ cấu cổ đông CTCP Sản xuất ô tô Huyndai Thành Công Việt Nam – thuộc TC Group, cũng từng xuất hiện cái tên Nguyễn Tiến Dũng, cùng với 5 cá nhân khác góp vốn.
Tại Công ty Gia Linh, cái tên Nguyễn Tiến Dũng lại lần nữa xuất hiện với vai trò là cổ đông mới và nắm tỷ lệ sở hữu lớn nhất tại điểm hiện tại khi bơm thêm hàng trăm tỷ đồng cho Gia Linh.
TC Group có tiềm lực tài chính ra sao?
TC Group là một trong 10 tập đoàn kinh tế tư nhân lớn nhất Việt Nam, với 3 trụ cột kinh doanh cốt lõi là lĩnh vực công nghiệp ô tô, đầu tư - kinh doanh bất động sản và dịch vụ.
Bắt đầu từ năm 2009, TC Group thành lập CTCP Hyundai Thành Công sau khi trở thành đối tác chính thức của Hyundai Motor Company (HMC) về phân phối, sản xuất, lắp ráp xe du lịch tại Việt Nam. Đây là đơn vị duy nhất nhận chuyển giao công nghệ lắp ráp chính hãng và được phân phối xe du lịch Hyundai ở Việt Nam.
Trong lĩnh vực bất động sản, TC Group cũng đang đầu tư một số các dự án và công trình khu resort nghỉ dưỡng tại Quảng Nam, các tổ hợp dịch vụ và căn hộ cho thuê tại Hà Nội và TP HCM như Thành Công Tower, The Five Residences Hanoi, The Five Villas & Resort Quangnam Danang, Shilla Monogram Quangnam Danang,…
Trong mảng bất động sản khu công nghiệp, TC Group đã hoàn thiện và đưa vào vận hành nhiều dự án trọng điểm phục vụ cho hệ sinh thái ô tô như nhà kho linh kiện 3,8 ha và nhà kho thành phẩm 13,6 ha tại Khu công nghiệp Gián Khẩu, Ninh Bình.
Ngoài lĩnh vực bất động sản, bắt đầu từ năm 2019, TC Group bắt đầu đầu tư lấn sân vào mảng ngân hàng khi tiến hành gom cổ phiếu của Eximbank và trở thành cổ đông lớn.
Tháng 4/2021, bà Lê Hồng Anh – phu nhân của Chủ tịch TC Group Nguyễn Anh Tuấn đã góp mặt HĐQT nhiệm kỳ mới của Eximbank. Bà đã rút khỏi vào tháng 2/2023 sau khi nhóm Thành Công thoái vốn tại ngân hàng này.
Theo công bố mới nhất, doanh thu năm 2022 của TC Group đạt 118.000 tỷ đồng. Trong khi đó, công ty nộp ngân sách 22.000 tỷ, tăng 41% so với 2021. Con số nộp ngân sách nhà nước của TC Group bằng 73% so với Thaco Group của tỷ phú Nguyễn Bá Dương.