Theo nhóm nghiên cứu Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, ngoại trừ năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thì tăng trưởng GDP quý I và II năm 2023 là những mức tăng rất thấp trong những năm trở lại đây. Tốc độ tăng trưởng đều không khả quan ở tất cả các khu vực, nhất là khu vực công nghiệp - xây dựng.
Sản xuất công nghiệp đối mặt với một năm đầy khó khăn trong bối cảnh giảm nhu cầu tiêu dùng tại nhiều nước đối tác thương mại lớn giảm do chính sách thắt chặt tiền tệ chống lạm phát. Giá trị tăng thêm toàn ngành 6 tháng đầu năm chỉ ở mức 0,44%, là mức tăng thấp nhất cùng kỳ các năm 2011 - 2023, và chỉ đóng góp 0,15 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
Trong số đó, công nghiệp chế biến, chế tạo vốn là ngành dẫn dắt tăng trưởng cũng chỉ tăng 0,37%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 1,79%, đóng góp 0,07 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,4%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 1,43% làm giảm 0,05 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Nhìn trong thời đoạn của gần 15 năm qua, có thể thấy được tăng trưởng của khu vực công nghiệp - xây dựng có mức biến động ngày càng lớn so với khu vực dịch vụ và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Nhóm nghiên cứu cho rằng, điều này phản ánh sự tham gia lớn nhất của khu vực công nghiệp vào thị trường thế giới, và là khu vực dẫn đầu trong hội nhập của nền kinh tế.
Cũng chính sự suy giảm mạnh ở khu vực công nghiệp - xây dựng, các chuyên gia cho rằng đây sẽ là một trong những yếu tố chính tác động đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong nửa cuối năm.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, với mức tăng trưởng GDP nửa đầu năm nay chỉ đạt 3,72%, thấp kỷ lục trong vòng 14 năm trở lại đây, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5% là rất khó.
Theo đó, các nhân tố kìm hãm tăng trưởng là khả năng suy thoái kinh tế thế giới; chính sách tiền tệ thắt chặt để kiểm soát lạm phát tại các nước phát triển; căng thẳng địa chính trị tại một số quốc gia và sự lan toả mang tính toàn cầu. Sản xuất công nghiệp theo đó sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề, công nghiệp chế biến chế tạo có nguy cơ vẫn sẽ mất vai trò tăng trưởng dẫn đầu.
Dựa trên diễn biến của nền kinh tế trong nửa đầu năm nay, nhóm nghiên cứu của Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh đưa ra 2 kịch bản cho tăng trưởng trong năm 2023. Ở kịch bản kém lạc quan, GDP có thể chỉ tăng 5,8 - 6,3%; còn kịch bản lạc quan, GDP có thể đạt mục tiêu Chính phủ đã đề ra, thậm chí có thể cao hơn là 6,5 - 6,8% trong năm nay.
PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cũng nhận định, dù còn nhiều khó khăn thách thức, song tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ đúng theo mục tiêu mà Chính phủ đề ra là 6,5%; lạm phát mục tiêu là 4,5% như dự báo của nhiều cơ quan chức năng.
Các chuyên gia cho rằng, tăng trưởng 2023 kỳ vọng sẽ được thúc đẩy nhờ một số yếu tố quan trọng từ phía cầu. Trong đó, có sự phục hồi của tiêu dùng cho nhiều hoạt động bị kìm nén trong những năm đại dịch vẫn chưa có dấu hiệu chững lại bất chấp những dự báo kém lạc quan về tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, những nỗ lực giải ngân đầu tư công có thể giúp hoạt động xây dựng và các hoạt động kinh tế có liên quan thêm tích cực trong nửa tháng cuối năm. Chính sách tiền tệ sẽ được nới lỏng mạnh tay hơn để kích cầu nền kinh tế sau những tháng đầu năm kiểm soát lạm phát.
Ngoài ra, sự mở cửa trở lại của thị trường Trung Quốc được kỳ vọng khôi phục chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời tạo ra nhu cầu nhập khẩu và du lịch đáng kể từ quốc gia tỷ dân này…