395 cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật
Ngày 19/7, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ dự kiến sẽ tổ chức phiên họp thứ 5. Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo đã có dự thảo báo cáo về công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2023, phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.
Bộ trưởng Nội vụ cho biết, theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2023, các bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành 178 văn bản, các địa phương đã ban hành 2054 văn bản để chỉ đạo, đôn đốc, quán triệt thực hiện tốt các nhiệm vụ cải cách hành chính trên từng lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà
Về cải cách chế độ công vụ, Bộ Nội vụ đang tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước; hoàn thiện Chiến lược quốc gia về thu hút và trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tham mưu Ban cán sự đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị Báo cáo kết quả thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý không phải là người địa phương…
Về tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm, chỉ đạo Bộ Nội vụ có những tham mưu, giải pháp cụ thể để thực hiện chủ trương của Đảng về kịp thời thay thế cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm quy định của Đảng, pháp luật về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2023, trên cơ sở báo cáo của 63 tỉnh, thành phố có 395 cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật.
Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ đang tích cực hoàn thiện để đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đảm bảo đồng bộ, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm xã hội, dân cư.
Đồng thời tiếp tục tổ chức thực hiện Quyết định về Đề án “Bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý là nữ của chính quyền địa phương ở nước ngoài giai đoạn 2022 - 2025”.
Nghỉ việc, tuyển dụng mới chủ yếu ở lĩnh vực giáo dục, y tế
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng cho biết, để giải quyết tình trạng công chức, viên chức có năng lực xin nghỉ việc, thôi việc, Bộ Nội vụ đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp đối với tình hình thôi việc và tuyển dụng mới đối với công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý.
Theo Bộ trưởng, các bộ, ngành, địa phương đã có báo cáo về tình hình thôi việc và tuyển dụng mới đối với công chức, viên chức từ ngày 01/7/2022 đến ngày 30/6/2023.
Cụ thể, tổng số công chức, viên chức thôi việc là 18.991 người, bình quân 1.899 người/tháng (cao hơn bình quân 1.318 người/tháng giai đoạn 1/2020 đến 6/2022).
Trong đó có 1.967 công chức, chiếm 10,36% (Bộ, ngành là 772 người, địa phương là 1.195 người) và 17.024 viên chức, chiếm 89,64% (Bộ, ngành là 2.793 người, địa phương là 14.231 người, chủ yếu là viên chức sự nghiệp giáo dục - đào tạo chiếm 54,2% và sự nghiệp y tế chiếm 26,5%; ở độ tuổi dưới 50 tuổi chiếm 86,25%; trình độ đào tạo Đại học chiếm 48,65% và Thạc sĩ chiếm 15,7%).
Các địa phương có số công chức, viên chức thôi việc nhiều nhất là: Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Lâm Đồng, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Tiền Giang (tổng số là 7.336 người, chiếm 38,63%).
Để thay thế số công chức, viên chức thôi việc, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tuyển dụng mới 64.980 người. Trong đó có 7.344 công chức và 57.636 viên chức – chủ yếu là viên chức ở lĩnh vực sự nghiệp giáo dục (35.297 người) và y tế (12.380 người) để tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Về phương hướng, nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng Nội vụ cho biết, các bộ, cơ quan sẽ đẩy nhanh tiến độ rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị trực thuộc, đáp ứng tiêu chí theo quy định của Chính phủ. Đồng thời tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-CP về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản nhà nước.
Bộ Nội vụ sẽ hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chí xác định số lượng cấp phó trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Khẩn trương tổ chức triển khai Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023 – 2030.
Cùng với đó sẽ triển khai Nghị định về tinh giản biên chế; Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM...
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 60 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; phối hợp các bộ, ngành hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập và xã hội hóa dịch vụ công ở các lĩnh vực có đủ điều kiện. |