ĐHĐCĐ thường niên diễn ra ngày 24/6 của CTCP Nam Việt (Mã: ANV) đã thông qua việc giảm chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2023 còn 300 tỷ đồng, từ mức 500 tỷ đồng trước đó. Kế hoạch tổng doanh thu bán hàng giữ nguyên 5.200 tỷ đồng. So với kết quả năm 2022, chỉ tiêu lợi nhuận năm 2023 đã điều chỉnh thấp hơn 61%.
Quý I/2023, ANV ghi nhận tổng doanh thu bán hàng là 1.157 tỷ và lợi nhuận trước thuế gần 108 tỷ đồng. Như vậy, ba quý còn lại, ANV phấn đấu lãi 192 tỷ thì sẽ hoàn thành được kế hoạch cả năm.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, ông Doãn Tới, Tổng Giám đốc ANV từng nâng kế hoạch lợi nhuận trước thuế của công ty từ 720 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng và cam kết duy trì được mức lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng trong nhiều năm sau.
- TIN LIÊN QUAN
-
Thuỷ sản Nam Việt (ANV) lên kế hoạch lợi nhuận giảm 35% năm nay, muốn tăng gấp đôi vốn điều lệ 11/04/2023 - 20:41
-
Thuỷ sản Nam Việt (ANV) muốn phát hành hơn 133 triệu cổ phiếu để tăng vốn 01/06/2023 - 11:17
Trong báo cáo Chứng khoán Vietcombank (VCBS) mới công bố, ANV đang duy trì các đơn hàng ổn định, đảm bảo 100% công suất cho đến hết tháng 6/2023. Sau khi có kết quả của đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 19, công ty sẽ lên kế hoạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ mạnh mẽ hơn và bán được sản phẩm chủ đạo của mình với giá gấp đôi so với các thị trường cũ, giúp biên lợi nhuận của doanh nghiệp được cải thiện trong tương lai.
Bên cạnh đó, ANV cũng kỳ vọng giá ở thị trường Trung Quốc sẽ được cải thiện khi nguồn hàng tồn kho cạn dần và tiêu dùng được cải thiện khi nền kinh tế Trung Quốc hồi phục trở lại.
VCBS cho biết công ty đã kết nối được một tập khách hàng mới ở Trung Quốc, lên kế hoạch tăng trưởng doanh thu 35% tại quốc gia này.
Không giống như những gì kỳ vọng về sau sự mở cửa của Trung Quốc, thực tế đà giảm của xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam vẫn chưa thể dứt. Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), tính đến hết tháng 4, xuất khẩu thủy sản đạt trên 2,6 tỷ USD, thấp hơn 31% so với cùng kỳ năm 2022.
Doanh nghiệp thủy sản vẫn bị áp lực nặng nề vì thị trường tiêu thụ lao dốc, giá xuất khẩu sụt giảm mạnh trong khi sản xuất, chế biến trong nước bị gánh nặng chi phí sản xuất tăng cao, nhất là thức ăn, con giống và các chi phí cơ bản khác.
Xuất khẩu sang Trung Quốc - thị trường được đặt nhiều kỳ vọng rằng sẽ “kéo” ngành thuỷ sản khỏi chuỗi nhiều tháng lao dốc, lại khiến nhiều doanh nghiệp thất vọng. Tính đến hết tháng 4, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc ước đạt 363 triệu USD, giảm 31%, theo số liệu từ Tổng Cục Hải quan.
Nguyên nhân chính là xuất khẩu cá tra sang thị trường này chưa hồi phục vì giá trung bình xuất khẩu giảm. Hơn nữa, nhu cầu tiêu thụ của thị trường này hồi phục chậm hơn so với dự đoán.
Theo kế hoạch năm nay của ANV, mảng Collagen và Gelatin (C&G) sau khi hoàn thành giai đoạn 1 cho nhà máy Amicogen, công ty dự định sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 và 3 để nâng công suất từ 780 lên 1.200 và 2.400 tấn/ năm. Do mới bước đầu khai thác mảng C&G nên ANV được kỳ vọng sẽ còn nhiều dư địa để mở rộng biên lợi nhuận cho mảng này. Mảng C&G đem về doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 85 tỷ và 4,25 tỷ đồng cho ANV trong năm 2023.
Với mảng điện, dù dự án điện mặt trời bị đẩy lùi do vướng mắc chính sách của nhà nước. Tuy nhiên, nếu được chính phủ phê duyệt vào năm 2025, doanh thu mảng điện mặt trời sẽ đạt 628 tỷ đồng (tăng khoảng 436% so với năm 2024) nhờ việc cải thiện được công suất lưới điện.