Công an Hà Nội vừa khởi tố vụ án để điều tra hành vi thao túng chứng khoán với ba mã cổ phiếu API của Công ty CP Đầu tư châu Á Thái Bình Dương, IDJ của Công ty cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam và APS của Công ty cổ phần Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương.
Điểm chung của nhóm trên đều là các công ty liên quan Tập đoàn APEC Group ( APS và API là công ty thành viên, còn IDJ là công ty liên kết). Và còn có một điểm chung khác là diễn biến "nổi sóng" của ba mã này.
Trước năm 2020, APS và IDJ được xếp vào nhóm penny, có thị giá thấp nhất sàn HNX khi chỉ giao dịch quanh vùng 1.000-2.000 đồng. API biến động mạnh hơn khi vượt mệnh giá giai đoạn 2017-2019, sau đó cũng giảm về dưới 5.000 đồng cuối năm 2020.
Tuy nhiên, chỉ một năm sau đó, nhóm này trở thành hiện tượng trên thị trường. Cùng với nhịp tăng của VN-Index, nhiều cổ phiếu ghi nhận biên độ tăng hai chữ số. Riêng nhóm API, APS và IDJ ghi nhận mức tăng gấp nhiều lần chỉ sau thời gian ngắn. Thời điểm mà nhóm cổ phiếu liên quan tới APEC Group được chú ý cũng đồng thời với sự thăng hoa của các mã nhóm FLC hay "họ Louis".
Từ tháng 8 đến tháng 11/2021, cổ phiếu API tăng từ vùng giá 7.600 đồng lên gần 50.000 đồng, IDJ tăng từ 7.500 đồng lên hơn 42.000 đồng hay APS cũng tăng đột biến gấp nhiều lần. Nếu tính từ đầu năm 2021 và mức giá trước điều chỉnh do phát hành thêm, mức tăng của nhóm này đạt hơn 10 lần.
Cuối tháng 11/2021, trong phiên họp cổ đông thường niên của Apec Securities (APS), ông Nguyễn Đỗ Lăng, Tổng giám đốc APS, cho biết nguyên nhân khiến cổ phiếu công ty này nói riêng và nhóm APEC nói chung tăng mạnh là do "thiên thời, địa lợi, nhân hòa".
Trong đó, yếu tố "địa lợi" được nhấn mạnh là nhờ các công ty trong hệ sinh thái APEC Group có quỹ đất rất lớn và giá cổ phiếu của những công ty này cũng tăng mạnh.
Ông Nguyễn Quang Huy, thành viên Hội đồng quản trị APS khi đó còn kêu gọi cổ đông đưa cụm từ "gồng lãi" vào khẩu hiệu của công ty bên cạnh những động từ khác như "sáng tạo", "cống hiến", "phụng sự" hay "quyết tâm".
Tuy nhiên, sau nhịp tăng mạnh, nhóm này đồng loạt điều chỉnh cùng đà giảm sâu của thị trường. Liên tục từ đầu năm ngoái, khi thị trường lao dốc sau những thông tin khởi tố các vụ án thao túng chứng khoán, API, APS và IDJ cũng liên tục tìm đáy mới.
Một năm sau đó, API thậm chí còn về thấp hơn mức giá trước khi tăng, chỉ còn 5.500 đồng. APS từ mức đỉnh gần 60.000 đồng cũng giảm về mức thấp nhất giữa tháng 11/2022, còn hơn 4.000 đồng mỗi cổ phiếu. Thị giá mã IDJ cũng chia 10 lần từ mức đỉnh cuối năm 2021.
Dù vậy, đến quý II năm nay, nhóm này một lần nữa được chú ý khi trở thành tâm điểm của nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội. Những luận điểm về kỳ vọng vào mảng bất động sản hay khả năng tăng mạnh như giai đoạn trước được nhắc tới. Từ tháng 3 đến đầu tháng 6 năm nay, thị giá API, APS, IDJ lại tăng gần gấp đôi.
Phiên giao dịch cuối tuần trước, ngày 23/6, ba mã cổ phiếu thuộc "họ APEC" đều giữ sắc xanh, với API tăng 3,3%, IDJ 3,1% và APS 2,9%.
Một ngày sau khi cơ quan công an công bố khởi tố vụ án để điều tra hành vi thao túng chứng khoán với ba mã cổ phiếu API, IDJ và APS, ba công ty này đồng loạt công bố thông tin khẳng định không phải chủ thể có liên quan.
Theo các doanh nghiệp này, sự việc hoàn toàn không tác động hoặc làm thay đổi các định hướng dài hạn, cũng như hoạt động bình thường của API, APS và IDJ. Quyền lợi, lợi ích hợp pháp của khách hàng, cổ đông, các đối tác đang được đảm bảo.
Ủy ban chứng khoán Nhà nước cũng cho biết vụ án là sự việc đơn lẻ liên quan tới một số tổ chức và cá nhân. Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn hoạt động bình thường, ổn định, thông suốt. Cơ quan này đã yêu cầu ba công ty trên thực hiện công bố thông tin và báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán theo quy định.