Khoa học

Thúc đẩy mạnh mẽ công nghệ vũ trụ

Nhiều ứng dụng quan trọng

Ngày 7/9/2024, Yagi - cơn bão mạnh nhất nửa thế kỷ qua đổ bộ vào miền Bắc nước ta, gây ra tình trạng ngập lụt diện rộng ở nhiều tỉnh/thành phố. Cục Viễn thám Quốc gia đã vận hành hệ thống Sentinel Asia giám sát thiên tai trên lãnh thổ Việt Nam, xây dựng báo cáo nhanh hệ thống giám sát ngập lụt ở miền Bắc, hỗ trợ quan trọng cho việc ứng phó với thiên tai và ra quyết định.

PGS.TS Phạm Minh Hải, Phó Cục trưởng Cục Viễn thám Quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, những năm qua, công nghệ viễn thám (một lĩnh vực công nghệ vũ trụ) được ứng dụng rộng rãi trong giám sát nhanh thiên tai, giám sát các vùng biển đảo xa bờ, giám sát biến đổi mực nước các hồ chứa, thực hiện kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất. Với ưu thế chủ động đặt chụp trên toàn bộ lãnh thổ, thời gian chụp lặn lớn, dữ liệu lịch sử lớn giúp công nghệ viễn thám tạo ra được dữ liệu có ưu điểm khác biệt so với các loại hình điều tra cơ bản khác, mang lại hiệu quả quan trọng trong giám sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường, phòng chống thiên tai, phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

Theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ vệ tinh tại Việt Nam đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, tập trung vào các lĩnh vực thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc gia. Dữ liệu vệ tinh từ các hệ thống quốc tế và Việt Nam được sử dụng để giám sát thời tiết, quản lý tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với thiên tai. Dữ liệu viễn thám còn được dùng để hỗ trợ đánh giá sản lượng lúa Đồng bằng sông Cửu Long, cảnh báo lũ lụt ở miền Trung, tình trạng phá rừng ở Tây Nguyên. Ngoài ra, các vệ tinh viễn thông như VINASAT-1 và VINASAT-2 đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ liên lạc, đặc biệt tại các khu vực vùng sâu, vùng xa.

Thúc đẩy mạnh mẽ công nghệ vũ trụ ảnh 1

Vệ tinh LOTUSat-1 của Việt Nam đã sẵn sàng bay lên vũ trụ

PGS Tuấn cho rằng, trong tương lai, Việt Nam có thể mở rộng ứng dụng công nghệ vệ tinh vào nhiều lĩnh vực khác để tối ưu hóa hiệu quả. Trong nông nghiệp, dữ liệu vệ tinh có thể hỗ trợ giám sát độ ẩm đất, dự báo sâu bệnh, từ đó nâng cao năng suất và giảm thiểu rủi ro. Trong quản lý đô thị, vệ tinh có thể giúp quy hoạch lãnh thổ, giám sát giao thông và phát triển thành phố thông minh. Trong lĩnh vực hàng hải, dữ liệu vệ tinh hỗ trợ theo dõi tàu thuyền, bảo vệ ngư dân, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp.

Lãnh đạo Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho biết, hiệu quả mang lại từ công nghệ vũ trụ rất lớn, chỉ riêng việc giảm thiểu thiệt hại từ thiên tai có thể tiết kiệm hàng trăm triệu USD mỗi năm, chưa kể đến giá trị gia tăng từ các ứng dụng kinh tế và an ninh.

“Để làm được điều này, chúng ta cần tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế như Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Nhật Bản (JAXA), Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) để tiếp cận công nghệ tiên tiến và nâng cao năng lực ứng dụng”, PGS Tuấn nói.

Về ứng dụng dữ liệu vệ tinh, PGS.TS Phạm Anh Tuấn cho rằng, cần tích hợp dữ liệu ảnh vệ tinh vào “Hệ thống dữ liệu quốc gia”, coi đây là một nguồn tài nguyên chiến lược. Bên cạnh đó, cần thiết lập một cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành như Khoa học và Công nghệ, Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp và Môi trường để tránh trùng lặp trong đầu tư, tối ưu hóa nguồn lực và nâng cao hiệu quả nghiên cứu, đặc biệt trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế.

Ông chia sẻ thêm, tại Việt Nam, một số dự án nghiên cứu và phát triển vệ tinh quan trọng đã đánh dấu những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực này. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã thực hiện các dự án như Vệ tinh quang học VNREDSat-1 (2013), chế tạo và phóng vệ tinh nhỏ PicoDragon (2013), MicroDragon (2019) và NanoDragon (2021). Đây là những vệ tinh quan sát Trái Đất đầu tiên do Việt Nam tự phát triển, với mục tiêu thử nghiệm công nghệ và thu nhận dữ liệu viễn thám. Ngoài ra, vệ tinh LOTUSat-1, hợp tác với Nhật Bản đã hoàn thiện chế tạo và hiện đang chờ lịch phóng từ Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Nhật Bản (JAXA), hứa hẹn nâng cao năng lực quan sát thời tiết và quản lý thiên tai.

Thách thức lớn

Thúc đẩy mạnh mẽ công nghệ vũ trụ ảnh 2

Đội ngũ cán bộ, kỹ sư Việt Nam tham gia chế tạo, tích hợp vệ tinh MicroDragon. Vệ tinh này đã được phóng lên vũ trụ vào năm 2019

PGS Phạm Anh Tuấn nhận định, tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam ở nhóm tiên phong thiết kế, chế tạo vệ tinh nhỏ. Tuy nhiên, nếu xét về mức độ tự chủ công nghệ, chúng ta còn đi sau một số nước. Chẳng hạn, tại Indonesia, Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới Quốc gia (BRIN) - trước đây là Viện Hàng không và Vũ trụ Quốc gia (LAPAN) - đã tự chủ phát triển các vệ tinh trên 100 kg, như LAPAN-A3 (2016). Tại Thái Lan, Cơ quan Phát triển Công nghệ Không gian và Thông tin Địa lý (GISTDA) đã vận hành vệ tinh THEOS từ năm 2008. Trong khi đó, Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn tiếp nhận chuyển giao công nghệ và chưa đạt được khả năng tự chủ hoàn toàn, đặc biệt với các vệ tinh lớn hơn. “Để thu hẹp khoảng cách, chúng ta cần xác định rõ vệ tinh nhỏ tầm thấp là sản phẩm chiến lược của công nghệ vũ trụ và đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển công nghệ nội địa”, chuyên gia này cho hay.

Theo PGS Tuấn, một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là thu hút nhân tài cho hoạt động nghiên cứu, chế tạo vệ tinh do mức thu nhập chưa thực sự cạnh tranh so với các ngành công nghệ khác, khiến nhiều kỹ sư trẻ có xu hướng chuyển hướng sang các lĩnh vực có thu nhập cao hơn. Ngoài ra, ngành công nghệ vũ trụ đòi hỏi trình độ chuyên môn cao và thời gian đào tạo dài, trong khi cơ hội tiếp cận các dự án quốc tế còn hạn chế, dẫn đến việc một số nhân tài chọn làm việc ở nước ngoài.

Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số Quốc gia nêu nhiệm vụ, cần ban hành Chương trình phát triển công nghệ và công nghiệp chiến lược, Quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược, trong đó ưu tiên các lĩnh vực quốc phòng, không gian, năng lượng, môi trường, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, vật liệu tiên tiến, bán dẫn, công nghệ lượng tử, robot và tự động hóa.

Để xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghệ vũ trụ, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần triển khai các chính sách mang tính đột phá, cơ chế “đãi ngộ đặc biệt” như lương thưởng cạnh tranh, hỗ trợ nghiên cứu và các chính sách ưu đãi về nhà ở, học bổng cho các chuyên gia, kỹ sư. “Cần tạo môi trường làm việc thông thoáng, khuyến khích sáng tạo và đổi mới, xây dựng lộ trình phát triển nghề nghiệp rõ ràng để nhân tài có động lực gắn bó lâu dài với ngành”, PGS Phạm Anh Tuấn nói.

Xây dựng chiến lược dài hạn

Cùng với thu hút nhân tài, theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn, chúng ta cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp mang tính chiến lược. Trước hết, cần xây dựng một khung pháp lý rõ ràng, xác định không gian vũ trụ là một trong những không gian chiến lược bảo vệ chủ quyền quốc gia, từ đó tạo cơ sở cho các chính sách dài hạn. Tiếp theo, cần tăng cường hợp tác quốc tế để tiếp nhận chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực, đặc biệt trong việc thiết kế, chế tạo vệ tinh tầm thấp.

PGS.TS Phạm Anh Tuấn cho rằng, trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, ngành công nghệ vũ trụ của Việt Nam nên tập trung vào các lĩnh vực và dự án ưu tiên. Trước mắt, ưu tiên phát triển các vệ tinh nhỏ tầm thấp quan sát Trái Đất, tập trung vào ứng dụng thực tiễn như giám sát thiên tai, quản lý tài nguyên và hỗ trợ an ninh quốc gia. Một dự án quan trọng cần khẩn trương triển khai là Đề án “Tăng cường năng lực quốc gia về quan sát Trái Đất sử dụng vệ tinh nhỏ” nhằm phát triển các vệ tinh tiếp theo và xây dựng chùm vệ tinh quan sát Trái Đất quốc gia. Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đề xuất Chính phủ sớm phê duyệt Đề án quan trọng này nhằm thực hiện nhiệm vụ chiến lược tới 2030.

“Những dự án này không chỉ khả thi với nguồn lực hiện tại mà còn mang lại giá trị trực tiếp cho kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của ngành trong tương lai”, PGS Phạm Anh Tuấn nói.

NGUYỄN HOÀI

Các tin khác

Vietlott lại tìm ra vé số trúng độc đắc tiền tỷ

Vietlott vừa tìm thấy 1 vé số trúng độc đắc Jackpot 2 gần 3,7 tỷ đồng ở loại hình xổ số Power 6/55 vào tối nay. Hai kỳ quay liền trước của sản phẩm Power 6/55, Vietlott cũng liên tiếp tìm ra vé số trúng Jackpot tiền tỷ.

Giá vàng bật tăng

Sáng nay (24/5), giá vàng đồng loạt tăng. Hiện giá vàng trong nước cao hơn thế giới trên 15 triệu đồng/lượng.

Vân Đồn chuyển mình, sẵn sàng trở thành đặc khu kinh tế phía Bắc

Một vùng đảo từng lặng lẽ bên vịnh Bái Tử Long, nay đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành tâm điểm chiến lược mới của miền Bắc. Vân Đồn – mảnh đất nơi Đông Bắc Tổ quốc, giờ không chỉ được nhắc đến như một điểm đến nghỉ dưỡng, mà đang được định hình trở thành đặc khu kinh tế ven biển của phía Bắc giai đoạn 2025–2030.

Những khóa học đặc biệt giữa nơi xử lý rác

TP - Không chỉ là nơi xử lý rác thải quy mô lớn của thành phố, Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước thuộc Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam – VWS đang dần trở thành một “trường học đặc biệt”, nơi học sinh được dạy về môi trường, còn công nhân viên, người lao động được đào tạo kỹ năng cứu người.

Nửa thế kỷ là điểm đến tin cậy của bộ đội và nhân dân

Qua nửa thế kỷ hình thành và phát triển, Bệnh viện Quân y 175 đã có những bước đi vững chắc với nhiều thành tựu, từng bước khẳng định vị thế bệnh viện tuyến cuối quân đội, là điểm đến tin cậy của bộ đội và nhân dân.