Vì sao mưa nhiều nhưng TP.HCM vẫn hầm hập nóng?
Sáng 18.4, nhiều người dân TP.HCM thích thú tấp vào lề đường để chiêm ngưỡng, dùng điện thoại ghi lại cảnh những chiếc trực thăng của Bộ Quốc phòng mang theo cờ Tổ quốc và cờ Đảng cùng các loại khí tài khác hợp luyện trên bầu trời TP.HCM, chuẩn bị cho lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm ngày đất nước thống nhất. Anh Nguyễn Trung Hiếu, một nhân viên văn phòng ở Q.4, hào hứng kể: "Đợt diễn tập trước tôi không có cơ hội xem, nay nhìn thấy thật đã mắt. Nhưng hôm nay trời nhiều mây đen quá nên chụp ảnh bằng điện thoại không được đẹp. Hy vọng trong những ngày tổng duyệt tới, thời tiết sẽ tốt hơn và đặc biệt là vào dịp đại lễ, thời tiết sẽ ủng hộ để tất cả chúng ta có những ngày lễ hội thật trọn vẹn và ý nghĩa".

Thời tiết tại TP.HCM được dự báo sẽ thuận lợi cho các hoạt động chào mừng 50 năm đất nước thống nhất
Ảnh: Nhật Thịnh
Từ nay đến cuối tháng 4, đầu tháng 5 là giai đoạn chuyển từ mùa khô sang mùa mưa. Mùa khô năm nay dù nắng không quá gay gắt như năm 2024, thêm vào đó mưa trái mùa xuất hiện liên tục nhưng những ngày gần đây, nhiều người dân TP.HCM vẫn cảm thấy nắng nóng hầm hập rất khó chịu. Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ (Đài Nam bộ) cho biết so với những ngày trước, nắng nóng có xu hướng mở rộng hơn. Đợt nắng nóng ở TP.HCM và cả Nam bộ nói chung có thể kéo dài đến ngày 22.4. Khu vực trung tâm TP.HCM như các quận 1, 2, 4, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Phú Nhuận, Thủ Đức có nắng nóng 36 - 37 độ C, những nơi còn lại nhiệt độ từ 35 - 36 độ C. Ngoài ra, tại miền Đông, nhiều nơi cũng nắng nóng 36 - 37 độ C như Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai… Còn các tỉnh miền Tây như Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ nắng nóng 36 - 37 độ C.
Trời nhiều mây do nhiễu động gió đông trên cao vẫn tồn tại nhưng giảm về cường độ. Vì cường độ giảm nên mây giông vẫn còn dù khả năng gây mưa hẹp về diện và lượng mưa ít. Trong khi đó, áp thấp nóng phía tây đang hoạt động mạnh, mở rộng về phía đông nam, khiến nhiệt độ trong không khí gia tăng. Trong những ngày tới, nhiễu động gió đông trên cao tan đi nên trời quang mây, còn áp thấp nóng phía tây tiếp tục phát triển và mở rộng về phía đông; khiến cho nắng gay gắt hơn và nhiệt độ tiếp tục tăng.
Đối với TP.HCM, đặc biệt là các quận trung tâm, nhiệt độ cảm nhận thường cao hơn khoảng 4 độ C so với nhiệt độ khí tượng do mức độ đô thị hóa cao, lượng phương tiện giao thông nhiều và các hoạt động sản xuất kinh doanh sôi động. Những yếu tố này tạo ra hiện tượng "đảo nhiệt đô thị", làm cho nhiệt hấp thụ và giữ lại trong các khối bê tông rồi thải trở lại môi trường vào chiều tối, tạo ra tình trạng nóng bức hầm hập suốt cả ngày. Các chuyên gia khuyến cáo đợt nắng nóng hiện tại còn kéo dài nhiều ngày tới, người dân nên hạn chế ra đường vào thời điểm từ 11 - 15 giờ, uống đủ nước và sử dụng các biện pháp chống nắng phù hợp.
Thời tiết giai đoạn đại lễ thế nào?
Cũng theo Đài Nam bộ, từ khoảng ngày 22.4, một đợt không khí lạnh ở phía bắc tràn xuống ảnh hưởng đến nước ta khiến áp thấp nóng phía tây suy yếu. Thêm vào đó, rãnh áp thấp xích đạo hoạt động mạnh dần và nâng trục lên phía bắc. Hai hình thế trên khiến nhiệt độ cao nhất ở TP.HCM giảm xuống chỉ còn khoảng 33 - 34 độ C và tạo ra một đợt mưa trái mùa kéo dài từ ngày 24 - 27.4. Đây là đợt mưa chuyển mùa trên địa bàn TP.HCM và Nam bộ. "Trong những ngày tiếp theo, nhiều khả năng thời tiết diễn biến thuận lợi cho các hoạt động ngoài trời, đặc biệt là sự kiện lớn. Từ nay đến ngày chính thức diễn ra đại lễ còn khá xa và sẽ có nhiều thay đổi nhưng về cơ bản là thuận lợi. Để phục vụ các hoạt động mừng đại lễ được tốt nhất với độ chính xác cao, từ ngày 21.4, chúng tôi sẽ chính thức ra bản tin đặc biệt phục vụ sự kiện này", ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng Dự báo Đài Nam bộ, cho biết.
Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia dự báo khí tượng thủy văn, cho biết: Đợt mưa chuyển mùa từ 24 - 27.4 xảy ra trên diện rộng khắp Nam bộ. Người dân cần đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như giông, sét, mưa đá, vòi rồng... Sau đợt mưa chuyển mùa trên thì mưa trái mùa chỉ còn xảy ra rải rác một vài nơi. Nhờ có mưa trên diện rộng và không có dấu hiệu xuất hiện áp thấp nóng Ấn - Miến lấn sang nên nền nhiệt độ cũng không quá cao như hiện nay. "Tại thời điểm này tôi thấy các yếu tố thời tiết trong những ngày lễ 30.4 khá thuận lợi cho các hoạt động ngoài trời", bà Lan lạc quan.
Trong dài hạn, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết: La Nina đã kết thúc và hiện tượng ENSO đang trong điều kiện trung tính, với chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển khu vực xích đạo trung tâm Thái Bình Dương ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Trạng thái trung tính này có thể kéo dài đến tháng 7 với xác suất từ 70 - 90%.
Trong tháng 5, nắng nóng có khả năng xuất hiện trên phạm vi toàn quốc, từ tháng 6, nắng nóng suy giảm tại khu vực Tây nguyên và Nam bộ. Riêng khu vực Bắc bộ và Trung bộ còn duy trì đến khoảng tháng 8, cường độ nắng nóng tương đương với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Nhiệt độ trung bình từ tháng 5 - 7 trên cả nước phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm. Có khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Đặc biệt, trong các đợt không khí lạnh vào thời kỳ chuyển mùa tạo nên tình trạng thời tiết biến đổi thất thường; hiện tượng nắng nóng, mưa lớn và giông, lốc, sét có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất và sức khỏe cộng đồng. Các đợt mưa vừa mưa to có khả năng xuất hiện ở khu vực Bắc bộ, bắc Trung bộ, Tây nguyên và Nam bộ. Trên khu vực Nam bộ, gió mùa tây nam có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động của tàu thuyền. Trong tháng 5, riêng khu vực Tây nguyên và Nam bộ tổng lượng mưa phổ biến cao hơn từ 5 - 20% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Thời tiết dị thường, vừa lo nắng nóng vừa phòng chống sạt lở
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: Ngày 18.4, ở khu vực từ Nghệ An đến Phú Yên có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 - 37 độ C, có nơi trên 37 độ C như: Đông Hà (Quảng Trị) 37,4 độ C… Ngày 19 - 20.4, khu vực vùng núi và trung du Bắc bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 - 36 độ C, có nơi trên 37 độ C. Khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35 - 37 độ C, có nơi trên 38 độ C. Ngoài ra, ngày 19 - 20.4, vùng đồng bằng Bắc bộ có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất có nơi trên 35 độ C. Đến ngày 21 - 22.4 nắng nóng có khả năng mở rộng ra toàn Bắc bộ.
Trong khi đó, ở Tây nguyên và Nam bộ vừa trải qua đợt mưa trái mùa trên diện rộng, nhiều nơi xảy ra mưa to đến rất to. Do vậy tại nhiều nơi ở Tây nguyên như Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, sụt lún do mưa lũ.