Tài chính

Ngân hàng bị nhân viên chiếm đoạt gần 49 tỷ đồng

Tóm tắt:
  • Lê Tuấn Anh, cựu nhân viên Vietcombank, đã làm giả hồ sơ vay để lừa ngân hàng 48,7 tỷ đồng.
  • Anh ta bị tuyên phạt án chung thân về tội Lừa đảo và 4 năm tù về tội Làm giả tài liệu.
  • Hành vi lừa đảo diễn ra từ tháng 2/2021 đến cuối năm 2023, liên quan đến 10 khách hàng.
  • Vietcombank đã giải ngân gần 35,8 tỷ đồng và 13 tỷ đồng, tổng cộng là 48,8 tỷ đồng.
  • Tuấn Anh thừa nhận tội lỗi do thua lỗ trong kinh doanh và thiếu nợ nhiều người.

Chiều 18/4, Lê Tuấn Anh, 33 tuổi, bị TAND TP HCM tuyên phạt án tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 4 năm tù về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Tổng hợp hình phạt, bị cáo phải chấp hành án chung thân.

Theo HĐXX, bị cáo đã lợi dụng chức năng nhiệm vụ được giao để thực hiện hành vi gian dối, chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn của ngân hàng. Bị cáo thực hiện hành vi phạm tội nhiều lần, trong thời gian dài nên cần xử lý nghiêm.

Bị cáo Lê Tuấn Anh tại tòa hôm nay. (Ảnh: Hải Duyên).

Hồ sơ thể hiện, Tuấn Anh là chuyên viên thẩm định tín dụng cá nhân tại Vietcombank Chi nhánh Sài Gòn - Phòng giao dịch Nguyễn Văn Trỗi. Cần tiền trả nợ nên bị cáo nảy sinh ý định làm giả giấy tờ liên quan hồ sơ vay vốn để chiếm đoạt tiền của ngân hàng.

Để thực hiện hành vi, từ tháng 2/2021 đến cuối năm 2023, Tuấn Anh nhờ người thân, bạn bè cung cấp thông tin cá nhân, sau đó sử dụng thông tin này điền vào các mẫu hợp đồng vay vốn của ngân hàng. Bị cáo đồng thời còn làm giả con dấu, tài liệu, giấy tờ liên quan nhằm hoàn thiện hồ sơ vay vốn khống cho 10 khách hàng.

Trong đó, Tuấn Anh tự làm giả hồ sơ vay, thế chấp của 9 khách hàng ký 15 hợp đồng tín dụng. Từ đó, Vietcombank đã giải ngân qua tài khoản thụ hưởng do Tuấn Anh cung cấp với số tiền gần 35,8 tỷ đồng (bao gồm hơn 34,2 tỷ đồng tiền vay và hơn 1,5 tỷ đồng qua thẻ tín dụng).

Ngoài ra, Tuấn Anh còn tự làm giả hồ sơ vay, thế chấp dựa trên hồ sơ có thật của một khách hàng. Vietcombank sau đó đã nhiều lần giải ngân qua tài khoản thụ hưởng với số tiền 13 tỷ đồng. Tổng cộng, Tuấn Anh đã chiếm đoạt gần 48,8 tỷ đồng của ngân hàng.

Nhà chức trách xác định, đến ngày 24/9/2024 dư nợ gốc liên quan 20 hồ sơ tín dụng của 10 khách hàng là 46 tỷ đồng. Các khách hàng đứng tên trên hồ sơ vay và các cá nhân nhận tiền của Tuấn Anh không được hưởng lợi, hay biết mục đích của Tuấn Anh nhằm thực hiện hành vi chiếm đoạt nên cơ quan chức năng không xử lý.

Quá trình xét xử tại tòa, bị cáo Tuấn Anh thừa nhận hành vi phạm tội như nêu trong cáo trạng. Bị cáo cho biết, do thua lỗ trong việc đầu tư kinh doanh nên thiếu nợ nhiều người.

Các tin khác

Động thái của Bộ Công Thương sau vụ gần 600 loại sữa giả bị phanh phui

Bộ Công Thương yêu cầu các sở công thương chỉ đạo chi cục quản lý thị trường giám sát thị trường liên tục, phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường, tập trung hậu kiểm các nhóm sản phẩm nhạy cảm như thực phẩm bổ sung, thực phẩm dinh dưỡng y học, sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ em.

Nợ xấu ngân hàng đang tăng nhanh

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - cho biết, nợ xấu của các tổ chức tín dụng đang tăng nhanh, tính đến hết tháng 2 vừa qua đã vượt hơn 1 triệu tỷ đồng.

Vì sao khó xử lý buôn lậu thuốc lá mới?

Dù Nghị quyết 173/2024/QH15 cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đã ban hành được hơn 3 tháng, nhưng tình trạng sử dụng vẫn tràn lan thông qua kênh mua bán lậu. Nhu cầu sử dụng bất chấp lệnh cấm và bùng nổ công nghệ khiến cho việc giảm tỷ lệ buôn lậu thuốc lá mới ngày càng khó khăn.