Tập trung hậu kiểm nhóm sản phẩm nhạy cảm
Bộ Công Thương vừa ban hành công điện hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố; Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước và sở công thương các tỉnh, thành phố về việc tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt đối với các sản phẩm sữa giả, thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các lực lượng chức năng cần tập trung kiểm tra các cơ sở bán lẻ, đại lý không chính thức, sàn thương mại điện tử và mạng xã hội, đây là những kênh phân phối đang tiềm ẩn nhiều rủi ro về hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng yêu cầu Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước bám sát diễn biến thị trường, phối hợp chặt chẽ với địa phương để đảm bảo ổn định cung cầu hàng hóa, đồng thời chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra và xử lý các vi phạm nghiêm trọng liên quan đến hàng giả trong lĩnh vực y tế và thực phẩm.
Sở công thương các tỉnh, thành phố được giao nhiệm vụ chỉ đạo chi cục quản lý thị trường thực hiện công tác quản lý địa bàn, giám sát thị trường liên tục, phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường, tập trung hậu kiểm các nhóm sản phẩm nhạy cảm như thực phẩm bổ sung, thực phẩm dinh dưỡng y học, sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ em.
![]() |
Đường dây với gần 600 loại sữa giả quy mô lớn vừa bị lực lượng chức năng phát hiện. |
"Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan chức năng thực hiện việc hậu kiểm về tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm, sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo, lấy mẫu kiểm nghiệm các sản phẩm, nhóm sản phẩm tại Phụ lục II Nghị định 15 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm", văn bản nêu.
Ngoài ra, các địa phương cần xây dựng kế hoạch hậu kiểm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, đặc biệt là việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe; thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; thực phẩm bổ sung và sản phẩm dinh dưỡng công thức dùng cho trẻ em.
Lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị các địa phương chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác lấy mẫu để kiểm tra chất lượng hàng hóa đang lưu thông trên địa bàn.
Cảnh báo thông tin sai lệch
Trong diễn biến liên quan, Hiệp hội Sữa Việt Nam vừa tiếp tục có văn bản gửi Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương cùng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, cảnh báo tình trạng lan truyền thông tin sai lệch liên quan đến vụ án sữa giả đang gây chấn động dư luận.
Hiệp hội bày tỏ quan ngại khi một số tài khoản mạng xã hội và nền tảng truyền thông đã đăng tải thông tin suy diễn, đánh đồng hành vi sai phạm của hai doanh nghiệp cụ thể với toàn ngành sữa. Việc này đã gây hiểu lầm nghiêm trọng, khiến dư luận hoang mang và làm tổn hại đến uy tín của những doanh nghiệp làm ăn đúng pháp luật.
Đây là lần thứ hai trong vòng chưa đầy một tuần Hiệp hội Sữa Việt Nam phát đi văn bản tới các cơ quan chức năng về việc này. Trước đó, Hiệp hội này đã có công văn gửi đến bốn bộ gồm Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị các bộ tăng cường kiểm tra, xử lý hành vi sản xuất và buôn bán sữa giả, đồng thời đề nghị các cơ quan hỗ trợ truyền thông định hướng đúng để bảo vệ người tiêu dùng và các doanh nghiệp chân chính.
Ngày 14/4, Bộ Công an công bố kết quả điều tra ban đầu về vụ việc. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án và bắt tạm giam 8 bị can liên quan đến Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group và Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma. Hai doanh nghiệp bị cáo buộc sản xuất và phân phối 573 nhãn hàng sữa giả, tổng giá trị hàng hóa lên tới hơn 500 tỷ đồng.
Hiệp hội Sữa Việt Nam khẳng định hai doanh nghiệp bị khởi tố không phải là hội viên của Hiệp hội. "Hành vi sản xuất và kinh doanh sữa giả, xem đó là mối nguy hiểm trực tiếp đối với sức khỏe cộng đồng và sự lành mạnh của thị trường tiêu dùng", Hiệp hội sữa Việt Nam bày tỏ.