Doanh nghiệp

Giá xăng dầu giảm mạnh, cơ hội lớn kích cầu nội địa

Tóm tắt:
  • Giá xăng dầu đã giảm xuống mức thấp nhất từ năm 2021, tạo cơ hội cho doanh nghiệp giảm giá hàng hóa.
  • Người tiêu dùng mong muốn giá hàng hóa giảm theo giá xăng, nhưng nhà sản xuất gặp khó khăn trong việc điều chỉnh.
  • Giá xăng RON95 hiện là 18.850 đồng/lít, thấp hơn cả thời điểm dịch Covid-19.
  • Doanh nghiệp vận tải và sản xuất chưa có kế hoạch giảm giá do chi phí vận chuyển vẫn cao.
  • Cần có sự phối hợp giữa nhà sản xuất, phân phối và cơ quan quản lý để giảm giá hàng hóa và kích thích tiêu dùng.

Người tiêu dùng muốn giảm, nhà sản xuất nói khó

Giá xăng dầu vừa được điều chỉnh giảm lần thứ hai liên tiếp theo xu hướng giảm của thế giới. Theo đó, hiện một lít xăng RON95 về 18.850 đồng/lít, xăng E5 RON92 18.490 đồng/lít, dầu diesel 17.030 đồng/lít, dầu hỏa 18.180 đồng/lít và dầu mazut 15.960 đồng/lít. Với mức này, giá xăng dầu đang thấp hơn cả giai đoạn diễn biến tiêu cực vì dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng xăng dầu trên toàn cầu hồi năm 2021. Cụ thể, tại kỳ điều chỉnh giá ngày 12.4.2021, giá bán lẻ xăng RON95-III về 18.970 đồng/lít và xăng E5 RON92 17.800 đồng/lít. Sau đó, giá xăng liên tục tăng và neo ở mức cao trong các năm 2022, 2023 và 2024.

Giá xăng dầu giảm mạnh, cơ hội lớn kích cầu nội địa- Ảnh 1.

Giá xăng đang về mức thấp nhất từ năm 2021

Ảnh: Nhật Thịnh

Trong bối cảnh hiện nay, việc giá xăng giảm xuống mức thấp giúp nhiều người dân cảm thấy đỡ phần gánh nặng chi phí nhiên liệu đi lại. Bên cạnh đó, họ cũng bày tỏ hy vọng giá cả hàng hóa trong nước có thể "trượt theo giá xăng". Bà Nam Bình (Q.3, TP.HCM) nói: "Là một người nội trợ, tôi hy vọng giá xăng giảm thì giá thịt heo, rau củ quả, vé xe tàu, máy bay có thể được điều chỉnh giảm theo. Đây là những mặt hàng đã tăng giá khá mạnh trong thời gian qua. Trong cơ cấu giá thì xăng dầu cũng chiếm tỷ lệ không nhỏ. Vì vậy, giá xăng dầu xuống thấp là cơ sở để nhà sản xuất tính toán lại giá đầu ra. Một ổ bánh mì từ 15.000 đồng trước dịch nay tăng lên mức 25.000 - 30.000 đồng; xe bán hủ tiếu đầu hẻm có giá từ 25.000 nay neo mức 40.000 đồng/tô..., trong đó có nguyên nhân từ giá xăng dầu tăng thì giờ có giảm không?".

Bà Thanh Phương (cán bộ ngành dược về hưu, ngụ Q.11, TP.HCM) cũng chia sẻ quan sát của mình, khi giá xăng 23.000 - 24.000 đồng/lít, giá thịt heo ba rọi phổ biến ở mức 190.000 - 200.000 đồng/kg, thịt đùi tầm 115.000 - 120.000 đồng/kg. Nay giá xăng đang thấp hơn 4.000 đồng/lít, nhưng giá thịt không những giảm mà còn đang cao hơn. Cụ thể, thịt ba rọi mua ngoài chợ đang có giá 210.000 đồng/kg, ba rọi rút sườn vẫn ở mức cao ngất ngưởng 265.000 đồng/kg. "Thế nên, mong muốn của tôi cũng như bao bà nội trợ khác là các doanh nghiệp sản xuất có thể coi đây là dịp để điều chỉnh, giảm giá bán hàng hóa. Hàng hóa từ doanh nghiệp giảm, giá trong siêu thị, chợ mới giảm theo được. Tương tự, giá cước xe vận tải cũng nên sớm được điều chỉnh", bà Phương nói.

Tuy nhiên, trao đổi với Thanh Niên, đa số doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ vận tải đều cho hay chưa thể thực hiện điều chỉnh giảm giá hàng hóa ngay được, do vào những thời điểm giá xăng dầu tăng mạnh, các doanh nghiệp vận tải cũng chưa thực hiện điều chỉnh tăng, nên nay giá giảm, thì phải giữ giá dài lâu mới tính toán được. Chủ nhà xe B.M chạy tuyến TP.HCM - Nha Trang nói giá cước xe dịch vụ chạy tuyến này là 300.000 đồng/người 2 năm qua chưa thay đổi dù giá xăng tăng hay giảm, nên đến nay chưa có kế hoạch giảm. Vì khi giá xăng tăng, chủ xe phải "gồng mình" chạy nhiều chuyến mới có lãi. Tương tự, các nhà xe dịch vụ chạy tuyến TP.HCM - Vũng Tàu cũng cho biết chưa có kế hoạch điều chỉnh giá vận tải. Thực tế, giá xe dịch vụ các tuyến ngắn này tăng 15 - 20% sau 2 năm đại dịch, giai đoạn giá xăng neo mức 24.000 - 25.000 đồng/lít và cước xe tăng đến nay chưa thay đổi.

Trong khi đó, bà Lê Thùy My, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Q.M (Đồng Nai) - chuyên sản xuất mặt hàng gạch ngói, cho hay chi phí vận tải đường thủy nội địa không những không giảm mà còn tăng, nên nhà sản xuất rất khó điều chỉnh giá bán. "Từ đầu năm đến nay, thị trường xây dựng có vài tín hiệu khởi sắc là một số dự án khởi động trở lại. Tuy vậy, mãi lực thị trường còn khá yếu, thua xa thời trước khi dịch bệnh bùng phát. Trong quý 1, giá cả vật liệu xây dựng cũng có tăng nhẹ và do cạnh tranh lớn, chúng tôi rất muốn giảm giá mạnh để tăng lượng bán ra, nhưng khó quá", bà Thùy My chia sẻ.

Nhà sản xuất, phân phối, quản lý cần ngồi lại...

Theo Cục Thống kê, chỉ số tiêu dùng (CPI) quý 1 năm nay tăng 3,22% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ số giá các nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,78%; nhóm nhà ở, điện nước, vật liệu xây dựng tăng đến 5,11%; nhóm văn hóa, du lịch giải trí tăng 2,16%... Cục này cũng giải thích chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng 2,76% so với quý trước và tăng 4,93% so với cùng kỳ năm 2024. Nhìn vào các chỉ số trên, đúng là giá nguyên liệu đầu vào đã tăng hơn.

Giá xăng dầu giảm mạnh, cơ hội lớn kích cầu nội địa- Ảnh 2.

Tuy nhiên, nhìn từ góc độ thị trường, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú nhắc lại thời điểm giá xăng dầu trong nước tăng cao, lại luôn bị trích giữ Quỹ bình ổn, nên neo mức 24.000 - 25.000 đồng/lít trong thời gian dài, có lúc lên trên 30.000 đồng/lít. "Tại thời điểm đó, tôi luôn đề xuất các cơ quan quản lý tính toán, tăng chi sử dụng Quỹ bình ổn, kéo giá xăng dầu về mức 20.000 đồng để cả người dân và doanh nghiệp "dễ thở" hơn. Thế nên, nay giá xăng về dưới 19.000 đồng/lít là "giấc mơ", là cơ hội lớn cho nhà sản xuất kinh doanh điều chỉnh giá cả hàng hóa, kích thích tiêu dùng càng nhiều càng tốt. Bao năm qua, giá vé máy bay, tàu xe 3 tháng hè chưa bao giờ rẻ cả. Thế nên, kích cầu bằng cách giảm giá bán hàng hóa, giá dịch vụ… là cần thiết".

Dù vậy, ông Phú thừa nhận giá xăng dầu giảm mạnh chưa thể giúp kéo hết giá cả hàng hóa giảm ngay, bởi thường có độ trễ nhất định. Tuy nhiên, độ trễ cũng cần có giới hạn. Nguyên tắc điều tiết thị trường thì không nên trông chờ vào sự chủ động giảm giá bán từ nhà sản xuất mà cần áp dụng thêm nhiều giải pháp nữa thì giá cả hàng hóa sẽ tự động giảm. Muốn vậy, nhà quản lý phải giải được bài toán liên kết giữa sản xuất và phân phối. Nhóm hàng hóa chịu ảnh hưởng trực tiếp của giá vận chuyển chủ yếu là thực phẩm tươi sống. Như vậy, nên bắt đầu từ nhóm hàng này và nhà phân phối sẽ làm việc với nhà sản xuất, vận tải. Kế đó là nhóm hàng thiết yếu có tính dự trữ như hóa phẩm, thực phẩm công nghệ, đồ dùng, may mặc…

Ông Phú nhấn mạnh: "Muốn giảm giá, kích cầu phải có sự vào cuộc của cả 3 chủ thể đang vận hành nền kinh tế thị trường. Đó là nhà sản xuất, phân phối và cơ quan quản lý, thậm chí thêm chủ thể thứ tư là người tiêu dùng. Các "nhà" cần giải được loạt bài toán cụ thể như chi phí vật chất, hạ tầng thương mại; bài toán về đạo đức kinh doanh, phân chia lợi nhuận trong chuỗi giá trị chung; bài toán công ăn việc làm, thu nhập người lao động, sức mua của xã hội; bài toán quản lý thị trường… Biến động của ngành thương mại thế giới rất cao do chính sách thuế quan của Mỹ, dự báo xuất khẩu gặp không ít thách thức. Chúng ta xác định phải tăng tiêu dùng nội địa, lúc này cần đẩy mạnh kích cầu trong nước, hữu hiệu nhất là giảm giá. Có như vậy, chúng ta mới tháo gỡ, giải được những bài toán nói trên, đó là những bài toán không khó so với bài toán đàm phán để hạ thuế quan bán hàng ra nước ngoài". 

Các tin khác