Kỹ năng sống

Tuyển sinh lớp 6 trường ‘hot’: Chấm dứt thời học bạ toàn điểm 10

Tóm tắt:
  • Một số trường THCS tại Hà Nội đã bỏ tiêu chí xét tuyển học bạ, nhận được sự đồng tình từ phụ huynh.
  • Trường Marie Curie tuyển 360 học sinh vào lớp 6 với hai phương thức tuyển sinh: xét tuyển thẳng và kiểm tra năng lực.
  • Trường THCS Cầu Giấy cũng bỏ xét điểm hồ sơ học bạ, chỉ sử dụng bài kiểm tra đánh giá năng lực cho tuyển sinh lớp 6.
  • Phụ huynh cho rằng đánh giá năng lực qua bài kiểm tra phản ánh chất lượng mà không cần xét học bạ 5 năm.
  • Các chuyên gia nhấn mạnh việc giảm áp lực học tập cho trẻ em, cần tập trung phát triển kỹ năng và phẩm chất hơn là điểm số.

Năm học 2025-2026, Trường Marie Curie Hà Nội tuyển 360 học sinh vào lớp 6, chia thành 12 lớp. Trong đó có 10 lớp truyền thống với quy mô khoảng 30-32 học sinh/lớp; 2 lớp song ngữ quy mô 26-28 em/lớp.

Đại diện nhà trường cho biết, có 2 phương thức tuyển sinh gồm xét tuyển thẳng và học sinh thực hiện bài kiểm tra, đánh giá năng lực. Trong đó, đối với phương thức kiểm tra, đánh giá năng lực, học sinh chỉ làm 2 bài môn Toán và tiếng Anh. Đề Toán gồm 40 câu hỏi, học sinh làm bài trong vòng 60 phút; tiếng Anh gồm 60 câu hỏi, học sinh làm bài trong 60 phút.

Trường Marie Curie Hà Nội cũng không đưa ra bất kỳ yêu cầu nào về hồ sơ, học bạ trong suốt 5 năm tiểu học của học sinh.

Trường THCS – THPT Nguyễn Tất Thành cũng chỉ sử dụng hình thức kiểm tra đánh giá năng lực học sinh và cộng điểm khuyến khích cho các giải thưởng để tuyển sinh lớp 6, không xét tuyển học bạ.

Các kỳ thi với điều kiện, tiêu chuẩn khắt khe gây áp lực không nhỏ cho học sinh.

Các kỳ thi với điều kiện, tiêu chuẩn khắt khe gây áp lực không nhỏ cho học sinh.

Đặc biệt, Trường THCS Cầu Giấy, trường công lập chất lượng cao được phụ huynh mong chờ nhất vừa công bố phương thức tuyển sinh lớp 6. Khác với năm ngoái, năm nay trường này đã bỏ hình thức xét điểm hồ sơ học bạ 5 năm tiểu học và chỉ thực hiện bài kiểm tra đánh giá năng lực học sinh.

Theo đó, mỗi thí sinh sẽ thực hiện 3 bài đánh giá năng lực bằng hình thức viết trên giấy các môn: Toán, Tiếng Anh, Tiếng Việt. Hình thức, học sinh trả lời các câu hỏi trắc nghiệm kết hợp với tự luận, nội dung thuộc chương trình giáo dục tiểu học, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 5.

Không còn điểm xét tuyển học bạ, điểm xét tuyển của trường này được tính là tổng điểm 3 bài kiểm tra, đánh giá năng lực, cộng điểm ưu tiên (nếu có). Thí sinh được ưu tiên từ 1 -2 điểm đối với các trường hợp là con của cha/mẹ là người dân tộc thiểu số, học sinh ở vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc con của gia đình chính sách…

Phụ huynh thở phào

Chị Nguyễn Thùy Dương, ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) có con là học sinh lớp 5, chuẩn bị lên lớp 6 năm nay cho rằng, mặc dù con có điểm tổng kết cuối năm toàn 9 và 10, đủ điều kiện có thể đăng ký dự tuyển vào bất kỳ trường THCS nào tuy nhiên chị vẫn ủng hộ bỏ xét hồ sơ học bạ. Bởi lẽ, nếu tính điểm học bạ 5 năm ở bậc tiểu học là một quá trình dài, gây áp lực lớn cho trẻ từ sớm, ngay từ khi bước chân vào lớp 1 đã phải gồng mình để đạt điểm 9,10.

Ngoài ra, để hoàn thành xuất sắc năm học, các môn không chấm bằng điểm số cũng phải được giáo viên nhận xét Tốt. Nếu chẳng may, học sinh chỉ đạt kết quả Hoàn thành một môn cũng không được xuất sắc năm học đó.

“Học sinh tiểu học còn rất nhỏ tuổi, 5 năm ở bậc học này là thời gian để các em học và rèn phẩm chất, đạo đức, kỹ năng sống. Do đó, không nên vì mục tiêu của một kỳ thi vào trường chất lượng cao mà cha mẹ phải ép con vào guồng sớm”, chị Dương nói.

Điều kiện điểm số học bạ 5 năm tiểu học là rào cản không ít học sinh đăng ký thử sức vào các trường THCS chất lượng cao, trường tư "có tiếng".

Nhiều phụ huynh khác cũng cho rằng, đánh giá năng lực học sinh qua bài kiểm tra nhằm lấy kết quả tuyển sinh như hiện nay đã phản ánh được chất lượng, không nhất thiết phải xét học bạ 5 năm tiểu học.

Có phụ huynh nói rằng, cảm thấy nhẹ nhõm khi không phải áp lực điểm số học bạ của con từng năm ở bậc tiểu học nữa.

Trước đây, khi Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam còn tuyển sinh lớp 6, nhằm loại bớt học sinh từ vòng hồ sơ, trường này đưa ra điều kiện khắt khe từ vòng hồ sơ. Do đó, trong danh sách học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 6 của trường này công bố, hồ sơ học bạ có năm của các em toàn điểm 10 đã gây choáng cho dư luận xã hội. Nhiều người phải thốt lên, học sinh “siêu nhân” ngay từ bậc tiểu học khi 5 năm học chỉ toàn điểm 10, không có một điểm 9.

Một cuộc tranh cãi nảy lửa đã xảy ra, nhiều phụ huynh cho rằng, điểm Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh của các con đều xuất sắc với 9, 10 trong khi hồ sơ bị loại chỉ vì môn Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể dục đánh giá Hoàn thành là không hợp lý.

Thế nên, nhiều phụ huynh cho rằng, việc các trường “hot” bỏ tiêu chí khắt khe về hồ sơ, học bạ trong tuyển sinh lớp 6 là phù hợp.

Không nên đặt nặng thành tích, điểm số

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, không nên gây áp lực từ sớm cho trẻ, nhất là học sinh ở bậc tiểu học. Ở bậc học này, trẻ cần được giáo dục để phát triển các kỹ năng, rèn tính cách thay vì chỉ có mục tiêu điểm số các môn học. Việc các trường đưa điều kiện xét tuyển học bạ 5 năm tiểu học cũng gây áp lực phải đạt điểm số tốt trong đối với trẻ.

Còn ông Nguyễn Đình Sơn, chuyên gia tâm lý, Hội tâm lý Giáo dục học Hà Nội cũng chia sẻ, học sinh chịu áp lực học tập từ sớm như trái cây bị ép chín non. Về lâu dài, các em không chỉ tổn hại về sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần mà còn giảm hứng thú đối với các môn học.

"Thực tế, các nhà trường hiện nay vẫn đưa ra các tiêu chí, tiêu chuẩn, các kỳ thi cử khắt khe, đặt nặng thành tích giải thưởng học tập gây áp lực không nhỏ cho học sinh trong khi chương trình GDPT 2018 chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực, rèn kỹ năng sống", ông Sơn nói.

Các tin khác

Giá vàng đồng loạt giảm mạnh

Sáng nay (20/4), cả vàng SJC và vàng nhẫn đều giảm mạnh, bằng giá nhau ở mốc 114 triệu đồng/lượng. Hiện, giá vàng, trong nước vẫn cao hơn thế giới hơn 9 triệu đồng/lượng.