Vượt ngưỡng 120 triệu đồng/lượng
Ngày 18.4, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC tăng giá mua vàng miếng SJC thêm 1,5 triệu đồng/lượng, lên 117 triệu đồng, trong khi giá bán ra tăng thêm 2 triệu đồng, lên 120 triệu đồng. Các đơn vị kinh doanh vàng khác cũng tăng mạnh giá vàng lên cao, riêng Công ty Phú Quý mua vào 116 triệu đồng, bán ra 119 triệu đồng. Công ty Mi Hồng có giá bán vàng miếng lên 122,5 triệu đồng, chiều mua vào chỉ 119 triệu đồng. Tương tự, giá vàng nhẫn cũng tăng mạnh 1 - 1,5 triệu đồng mỗi lượng. Công ty Bảo Tín Minh Châu tăng mỗi lượng vàng nhẫn thêm 1,5 triệu đồng, lên 116,5 triệu đồng chiều mua vào, bán ra 119,5 triệu đồng. Đây là công ty có giá vàng nhẫn cao nhất thị trường. Kế đến, Tập đoàn Doji tăng giá bán 1 triệu đồng/lượng, lên 118 triệu đồng, trong khi giá mua vào đứng yên ở mức 114 triệu đồng. Công ty SJC mua vào lên 114 triệu đồng, bán ra 117 triệu đồng. Chênh lệch giá mua và bán vàng của các công ty từ 3 - 4 triệu đồng mỗi lượng.

Giá vàng SJC tăng cao kỷ lục
Ảnh: Ngọc Thắng
Dù ở mức cao kỷ lục nhưng số lượng người mua vẫn áp đảo người bán, khiến các công ty "cháy" hàng. Lượng khách hàng đến Công ty SJC xếp hàng chờ mua vàng đông hơn so với bán ra chốt lời. Do đó, Công ty SJC chỉ bán cho mỗi người 1 lượng vàng miếng SJC, có thời điểm phải tạm ngưng giao dịch vì khan hàng. Riêng vàng nhẫn vẫn bán ra nhỏ giọt cho mỗi khách hàng 1 chỉ vàng (mỗi khách hàng được mua thanh toán bằng tiền mặt 5 phân, mua chuyển khoản 5 phân). Còn 3 cửa hàng vàng của Công ty Bảo Tín Minh Châu tại Hà Nội không có vàng bán. Công ty thông báo: "Khách hàng đến giao dịch mua nhẫn tròn trơn Vàng Rồng Thăng Long đang quá tải nên các cơ sở tạm ngừng nhận thêm khách hàng giao dịch".
Giá vàng trong nước tăng bất chấp thị trường vàng thế giới nghỉ lễ Phục sinh nên đứng bất động ở mức 3.327 USD/ounce. Trước khi thị trường thế giới nghỉ lễ, các nhà đầu tư đã có động thái bán chốt lời dẫn đến giá sụt giảm từ mức cao kỷ lục trước đó. Quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust bán ròng 4,9 tấn vàng, khối lượng nắm giữ còn 952,3 tấn. Tuần này, quỹ cũng đã bán ròng gần 1 tấn vàng, sau khi mua ròng 20 tấn trong tuần trước.
Đắt hơn thế giới gần 16 triệu đồng/lượng
Tốc độ tăng giá của vàng trong nước cao làm gia tăng mức đắt đỏ so với thị trường quốc tế lên 15,5 triệu đồng mỗi lượng vàng miếng SJC, còn vàng nhẫn cũng cao hơn từ 12,5 - 15 triệu đồng/lượng. Đây là mức chênh lệch cao nhất trong vòng 1 năm trở lại đây.
Trở lại tháng 4.2024, giá vàng miếng SJC cao hơn thế giới lên kỷ lục 20 triệu đồng/lượng. Khi đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã triển khai nhiều biện pháp ổn định thị trường vàng và đã thu hẹp chênh lệch xuống quanh mức 3 - 4 triệu đồng/lượng, thậm chí có lúc xuống dưới 1 triệu đồng/lượng. Thế nhưng mức đắt đỏ của vàng trong nước so với thế giới tăng nhanh những ngày gần đây, lên gần 16 triệu đồng/lượng, quy đổi ra là khoảng 500 USD/ounce. Điều này đồng nghĩa người VN mua vàng với giá cao hơn giá thế giới lên 15%.
PGS-TS Nguyễn Hữu Huân (ĐH Kinh tế TP.HCM) nhận xét tình hình tăng giá vàng trong nước khá bất thường, xuất phát từ tâm lý nhà đầu tư. Một số người bán chốt lời trước đó nhưng giá lại không điều chỉnh giảm khiến họ tiếc nuối. Còn những người có vàng thì lại nắm giữ khi giá cứ tăng cao nên dẫn đến tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội), đẩy nhu cầu tăng lên. "Khi giá vàng thế giới quay đầu giảm thì khả năng lực bán chốt lời trong nước tăng lên sẽ làm cho giá vàng giảm nhanh hơn. Điều này có thể xảy ra trong thời gian tới", ông Huân cảnh báo.
Chuyên gia vàng Phan Dũng Khánh nhận xét: Trong vài ngày gần đây, giá vàng trong nước có mức cao hơn xa so với thế giới, đây là dấu hiệu đặc biệt cần theo dõi. "Điều này cho thấy kỳ vọng của nhà đầu tư vào vàng tăng lên trong ngắn hạn. Chính vì vậy mà cần quan sát thêm hiện tượng này trước khi có những động thái can thiệp thị trường từ nhà nước như năm 2024 đã thực hiện nhằm kéo chênh lệch giá giữa trong và ngoài nước", ông Khánh nói.
Trong bối cảnh giá vàng biến động khôn lường, ông Phan Dũng Khánh khuyến nghị người có nhu cầu mua vàng cần hết sức cân nhắc, bởi việc mua với giá đỉnh sẽ khiến nguy cơ lỗ tăng cao. Rủi ro lớn nhất là giá vàng thế giới có thể đột ngột đảo chiều giảm sau 2 năm liên tiếp. Điều này đã từng xảy ra vào thời kỳ ông Donald Trump làm Tổng thống Mỹ trước đây (từ tháng 1.2017 - 1.2021), giá vàng tăng 784 USD/ounce trong vòng 4 năm, tương ứng mức tăng 67,5%. Những năm sau đó, vàng đã điều chỉnh giảm trở lại. "Trong trường hợp đàm phán thuế quan giữa Mỹ và các nước diễn ra khả quan, vàng sẽ mất yếu tố hỗ trợ tăng giá. Thêm vào đó, yếu tố rủi ro thứ hai đến từ việc chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước ở mức cao, trong trường hợp biên độ này thu hẹp, đồng nghĩa giá trong nước đi xuống. Ngoài ra, còn một yếu tố rủi ro khác là chênh lệch giữa giá mua và bán vàng hiện nay ở mức cao, lên 3 triệu đồng/lượng cũng khiến người mua vàng gặp rủi ro", ông Phan Dũng Khánh phân tích.
Xử lý nghiêm việc trục lợi, thao túng, làm giá, đầu cơ…
trên thị trường vàng
Chiều 18.4, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 3332 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc về diễn biến giá vàng trong nước. Trong đó, chỉ đạo NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan theo dõi sát tình hình và diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ, ngoại hối, thị trường vàng trong nước và quốc tế để khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp theo quy định để ổn định thị trường vàng; tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định, không để xảy ra trục lợi, thao túng, làm giá, đầu cơ... trên thị trường vàng.