"Thời hoàng kim" của gửi tiết kiệm
Đầu tháng 01/2023, tức hơn một năm trước, anh Nguyễn Minh Đức (Hà Nội) được nhân viên ngân hàng tư nhân lớn tư vấn gửi tiết kiệm khoản tiền 2 tỷ đồng. Nếu lựa chọn gửi trong kỳ hạn 6 tháng, mức lãi suất là 10,2%/năm. Nếu lựa chọn gửi ở kỳ hạn 13 tháng, mức lãi suất lên tới 11,2%/năm. Cuối cùng anh Đức chọn kỳ hạn 6 tháng, với khoản tiền gửi tiết kiệm 2 tỷ đồng trong ngắn hạn, đến đáo hạn, anh nhận về hơn 100 triệu đồng tiền lãi.
Cuộc đua tăng lãi suất tiết kiệm thực tế đã bắt đầu diễn ra mạnh mẽ từ thời điểm tháng 10/2022 đến đầu năm 2023. Từ mức lãi suất huy động 5-6%/năm giai đoạn nửa đầu năm 2022, con số này liên tục "leo thang".
Cụ thể, thời điểm cuối tháng 10/2022, mức lãi suất ở sản phẩm tiền gửi online, tất cả các kỳ hạn dưới 6 tháng đều tăng vượt 5%/năm. Với các khoản gửi kỳ hạn 6 tháng đến 12 tháng, mức lãi suất tiết kiệm tại hầu hết các ngân hàng dao động ở mức 7-9%/năm. Ở kỳ hạn trên 12 tháng, một số ngân hàng tư nhân trả trên 9%/năm.
Bước sang đầu tháng 1/2023, lãi suất huy động tiếp tục tăng khi xuất hiện ngân hàng trả lãi tới 11%, thậm chí khoản tiền lớn hàng trăm tỷ có thể được hơn 12%/năm. Đơn cử như tại ngân hàng VPBank, có thời điểm trong tháng 1/2023, khoản tiền gửi tiết kiệm online tại kỳ hạn 13 tháng lên tới hơn 11%/năm. Tại kỳ hạn 6 tháng, mức lãi suất áp dụng trung bình 10%/năm (sau khi cộng ưu đãi), khoản tiền gửi từ 300 triệu đồng trở lên.
ABBank cũng từng áp dụng mức lãi suất huy động lên tới 11,5%/năm cho khoản tiền gửi nhất định kỳ hạn 13 tháng. Mức lãi suất thoả thuận mà ngân hàng SHB, Kienlongbank, MSB, Pvcombank, NCB đưa ra khi đó chạm ngưỡng trên 11%/năm.
Lãi suất huy động quay đầu lao dốc
Thế nhưng, kể từ tháng 2/2023, lãi suất gửi tiết kiệm bắt đầu giảm dần. Trái ngược với bức tranh đầu năm, ở thời điểm cuối năm 2023, lãi suất gửi tiết kiệm giảm tới hơn một nửa so với đầu năm 2023. Bước sang năm 2024, các ngân hàng vẫn giảm thêm mức lãi trả người gửi tiền.
Khảo sát của chúng tôi ở thời điểm cuối tháng 2/2024, ở kỳ hạn 1-2 tháng, mức lãi suất tại các ngân hàng dao động 2-3%/năm. Cá biệt, mức lãi suất niêm yết kỳ hạn 1-3 tháng của Vietcombank và Agribank chỉ 1,7%/năm, thấp nhất hệ thống; Lãi suất kỳ hạn 3-5 tháng tại 2 ngân hàng này chỉ 2%/năm.
Đối với kỳ hạn 6 tháng, trên thị trường đã không còn ngân hàng nào duy trì mức lãi suất trên 5%/năm.
Trong khi đó, ở kỳ hạn tiền gửi từ 9-11 tháng, duy nhất ngân hàng Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) đang áp dụng mức lãi suất 5%/năm; còn lại phổ biến là hơn 4%/năm như BaoViet Bank (4,9%/năm); PVCombank, SHB (4,8%/năm), HDBank (4,7%/năm). Thậm chí ở nhóm ngân hàng Big 4, mức lãi suất huy động ở kỳ hạn này chỉ dao động ở mức 3-3,3%/năm.
Ở kỳ hạn 12 tháng, mức lãi suất cao nhất chỉ dao động ở mức nhỉnh 5%/năm. Mức lãi suất cao nhất thuộc về BaoVietBank áp dụng 5,2%.
Đối với tiền gửi kỳ hạn 24 tháng, NamABank hiện niêm yết lãi suất ở mức 5,9%/năm. So với nhiều ngân hàng, đây là mức lãi suất cao. Còn phần lớn các ngân hàng áp dụng lãi suất từ 4,7% - 5,5%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn 24 tháng.
Theo TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, việc lãi suất tiết kiệm giảm là hợp lý. Sau nhiều năm điều hành lãi suất chưa hợp lý, các ngân hàng đang từng bước đưa lãi suất về kỳ hạn hợp lý, theo đường cong lãi suất.
Trong khi đó, PGS. TS Võ Đại Lược cho rằng, việc giảm lãi suất là điều kiện để giúp nền kinh tế phục hồi đặc biệt là kênh đầu tư bất động sản.
Các chuyên gia cũng chung nhận định, mức lãi suất gửi tiết kiệm sẽ tiếp tục còn dư địa giảm. Thời "hoàng kim" lãi suất trên 11% như cách đây hơn một năm sẽ khó quay trở lại, ít nhất là trong năm nay.